Các nhóm doanh nghiệp Úc đã ủng hộ lời kêu gọi áp dụng các biện pháp trừng phạt kiểu Luật Magnitsky nhằm vào các cá nhân quốc tế có liên quan đến các hành vi vi phạm nhân quyền, theo The Epoch Times ngày 12/10.
Nhóm Công nghiệp và Hội đồng Xuất khẩu Úc đã đứng ra ủng hộ các luật mới được đề xuất tại một ủy ban quốc hội, dù hiểu rõ các chế tài nhắm vào mục tiêu cá nhân có thể sẽ gây tổn thất cho các doanh nghiệp nội địa.
Bà Dianne Tipping, Chủ tịch Hội đồng Xuất khẩu Úc (ECA) cho biết:
“Yêu cầu đưa ra các biện pháp trừng phạt nhắm vào mục tiêu cá nhân như một phương tiện để giải quyết vi phạm nhân quyền là một lời nhắc nhở đáng giá rằng, có nhiều vấn đề lớn hơn là việc theo đuổi lợi nhuận”.
“ECA có quan điểm rằng, để doanh nghiệp phát triển bền vững, không chỉ phải xem xét đến lợi nhuận mà còn phải xét đến vấn đề con người và [môi trường] hành tinh của chúng ta. Chúng tôi tin rằng các thành viên và đối tác chiến lược của chúng tôi nói chung cũng có cùng quan điểm như vậy”, bà nói tiếp.
Bà Tipping cho biết chính phủ sẽ cần phải hợp tác với ngành công nghiệp để thảo luận về khả năng trả đũa và các tác động tiềm tàng từ lệnh trừng phạt, và cách thức các doanh nghiệp có thể tự bảo vệ mình hiệu quả hơn.
Ủy ban Thường vụ Liên hợp Ngoại giao, Quốc phòng và Thương mại đang tiến hành điều tra xem liệu Úc có nên thực hiện các đạo luật tương tự như Đạo luật Magnitsky của Hoa Kỳ hay không.
Đạo luật Magnitsky được đặt theo tên của luật sư Sergei Magnitsky, người đã vạch trần hành vi gian lận thuế lên đến 230 triệu USD của các quan chức Nga. Sau đó, ông đã bị bắt giam, tra tấn và qua đời vào năm 2009 sau một năm trong nhà tù Moscow.
Luật Magnitsky nhắm vào những cá nhân bị phát hiện có liên quan đến vi phạm nhân quyền. Các biện pháp trừng phạt có thể bao gồm việc đóng băng tài sản các quan chức, bên cạnh việc cấm một quan chức và các thành viên gia đình nhập cảnh vào một số quốc gia cụ thể.
Gần đây đã có những lời kêu gọi thực hiện các biện pháp trừng phạt của Úc đối với các quan chức Trung Quốc liên quan đến các cuộc biểu tình ở Hồng Kông và đàn áp bạo lực đối với các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ.
Bà Louise McGrath, thuộc Tập đoàn Công nghiệp Úc (AIG), đại diện cho 60.000 doanh nghiệp trong nước, đã ủng hộ việc đưa ra một đạo luật kiểu Magnitsky. Nhưng bà lưu ý rằng đây sẽ là một thách thức đối với các chủ doanh nghiệp trong việc phân biệt xem công ty mình có thuộc sở hữu hoặc sở hữu một phần của một cá nhân hoặc thực thể vi phạm nhân quyền được xác định hay không.
Bà McGrath, người đứng đầu phòng chính sách và phát triển ngành tại AIG, cho biết: “Sẽ phức tạp hơn khi áp dụng các biện pháp trừng phạt nhắm vào cá nhân riêng lẻ so với nhắm vào quốc gia”.
“Rất khó để xác định quyền sở hữu, đặc biệt khi có những cá nhân có hành vi bất chính. Họ sẽ muốn che giấu sự tham gia của mình, và tôi không chắc một doanh nghiệp vừa và nhỏ của Úc sẽ có đủ nguồn lực để thực sự điều tra”, bà nói thêm.
Bà McGrath cho biết các công ty sẽ dễ dàng điều chỉnh các biện pháp trừng phạt hơn khi chúng được nhắm đến cả một quốc gia, thay vì nhắm vào một cá nhân. Bà nhấn mạnh sự cần thiết của chính phủ liên bang trong việc phổ cập kiến thức cho các chủ doanh nghiệp và người quản lý về rủi ro khi tham gia kinh doanh tại một số khu vực tài phán nhất định.
Nhận xét của bà được đưa ra vào thời điểm chính phủ và doanh nghiệp Úc hiện đang đánh giá lại các mối quan hệ thương mại của họ trong bối cảnh đại dịch COVID-19, vốn đã bóc trần những điểm yếu trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đã có những lời kêu gọi Úc đa dạng hóa các mối quan hệ thương mại bên ngoài Trung Quốc, quốc gia hiện chiếm 27,4% tổng lượng thương mại của Úc với thế giới bên ngoài.