Wednesday, November 13, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiSự thần kỳ của Tân Hiệp Phát

Sự thần kỳ của Tân Hiệp Phát

“Tham vọng là vì mình khó thực hiện được, còn đây là những việc mình có thể làm được thì cứ đeo đuổi thôi”, Chủ tịch Tân Hiệp Phát Trần Quí Thanh nói về câu chuyện đưa chai nước giải khát ra ngoài Việt Nam.

Dù vậy, ông khẳng định đây là hành trình dài của gia tộc, không phải chuyện một sớm, một chiều.

Ở tuổi 64, ông Nguyễn Văn Tư, Giám đốc R&D kiêm dự án của Tân Hiệp Phát vẫn miệt mài trong phòng thí nghiệm. Người đàn ông hay cười, giọng nói tếu táo vẫn nhớ như in những ngày đầu về đồ uống với Dr Thanh. “Có 3 sản phẩm là dấu ấn trong cuộc đời tôi khi đi theo sếp Thanh”, ông Tư vừa nói vừa gạch đầu dòng trên giấy như thói quen.

Đấy là nước uống tăng lực Number 1 được sản xuất cách đây gần 20 năm, đặt nền móng cho sự phát triển nước giải khát của nhà Tân Hiệp Phát. “Bây giờ một mẻ nấu có 45 phút thôi, nhưng trước đó là cả một quá trình”, ông Tư hồi tưởng. Nhà máy thời điểm đó chỉ có 2 kỹ sư, là ông Quí Thanh và ông Tư, một người lo toàn bộ máy móc, thiết bị, một người lo nghiên cứu sản phẩm.

“Trong nhà máy có mấy cậu người Mỹ làm việc, mọi người nghĩ là người Mỹ sang chuyển giao công nghệ, nhưng có phải đâu, thợ qua để sửa máy thôi”, ông vừa cười vừa nói. Khi nhà máy bắt đầu cho ra những sản phẩm nước tăng lực đầu tiên, các nhà phân phối phải tranh nhau lấy hàng. Theo ông Tư, thường họ sẽ phải nộp tiền trước 2 tuần rồi mới được nhận sản phẩm. Việc này kéo dài đến khi Tân Hiệp Phát xây dựng nhà máy thứ 3.

“6 tháng sau khi sản phẩm bọn tôi ra, một thương hiệu đã phải đóng cửa. Sản phẩm của họ đóng lon, Tân Hiệp Phát đóng chai, giá cả hợp lý hơn”, ông Tư cho biết. Nhưng một lý do quan trọng khác là Number 1 được nghiên cứu và pha chế phù hợp với thể trạng và sở thích mùi vị của người Việt. Trước sự thành công của nước tăng lực Number 1, 9 tháng sau, đối thủ của Tân Hiệp Phát cũng ra dòng sản phẩm tương tự nhưng không thành công. Thậm chí, nhiều nhà phân phối đã dám “cắt” sản phẩm của hãng đối thủ để bán Number 1 vì “sản phẩm quá chạy”.

Kỉ niệm thứ 2 của ông Tư là về Trà xanh không độ được tung ra thị trường đầu năm 2006. “Ai cũng ngạc nhiên vì cốc trà đá bán vỉa hè có 500 đồng, Tân Hiệp Phát làm chai trà xanh với giá bán 7.000 đồng. Họ nghĩ thất bại hết trơn, nhưng cuối cùng lại ngược lại”, ông Tư nói. Thị trường từ nông thôn đến thành thị đã chấp nhận chai trà xanh với giá bán gấp 14 lần li trà đá bên đường.

Sau thành công của Trà xanh không độ, ông Tư cho biết đến cuối năm 2008, Tân Hiệp Phát cho ra mắt Trà thanh nhiệt Dr Thanh chỉ sau 45 ngày nghiên cứu. “Trà này không có màu nhân tạo, không chất bảo quản, thảo mộc sau khi được nấu xong là chiết vào chai, không bỏ thêm bất cứ cái gì”, ông Tư khẳng định.

Khác với Trà xanh không độ được chiết nóng, Trà giải nhiệt Dr Thanh được sản xuất với công nghệ chiết lạnh vô trùng aseptic, hiện đại hàng đầu.

“3 sản phẩm này quện lại trở thành độc chiêu của chúng tôi, trên thị trường không có ai là đối thủ đâu”, ông Nguyễn Văn Tư hào hứng nói.

Ông Trần Quí Thanh, Chủ tịch Tân Hiệp Phát đến giờ vẫn rất hào hứng khi nhớ lại thời điểm quyết định nhảy sang phát triển những sản phẩm nước giải khát tốt cho sức khoẻ. Thời điểm này, Tân Hiệp Phát đang sản xuất bia với doanh thu cực lớn. “Nếu xét về bia, quy mô thị trường tính bằng hàng chục tỷ đô”, ông Thanh nói. Mảng nước giải khát thì ông Thanh đã có Number 1 có khả năng đánh bật các sản phẩm ngoại nhập.

Đứng giữa hai mảng sản phẩm, ông Thanh quyết định chọn đầu tư vào nước giải khát vì làm bia không có sự khác biệt.

“Từng có thời gian tôi lột nhãn các chai bia đi rồi thách người ta phân biệt được hãng nào với hãng nào. Có thưởng hẳn hoi nhưng không có người thắng. Bia giống nhau lắm, chỉ khác ở hình ảnh tung ra thị trường thôi. Còn uống vô mà lột nhãn đi rồi thì không phân biệt nổi luôn”, ông nói.

Vậy nên Tân Hiệp Phát đầu tư để sản xuất nước giải khát nhưng cũng với tư duy phải làm thứ gì khác so với những loại nước ngọt, nước uống có ga đang bày bán khắp thị trường.

“Chúng tôi chọn sản phẩm có lợi cho sức khoẻ. Chúng tôi bắt tay làm vì thấy đấy là cơ hội rất lớn, châu Á có nhiều loại trái cây, thảo mộc và trà. Toàn thảo dược không à”, ông chủ Tân Hiệp Phát nhớ lại. “Đối thủ chỉ tập trung cho những sản phẩm nước ngọt có ga, họ không dại gì phát triển sản phẩm khác để tự chúng cạnh tranh với nhau nên sẽ là cơ hội để chúng tôi đứng lên, vực dậy sản phẩm nước uống mà Việt Nam có lợi thế cạnh tranh”. Tâm huyết của ông Thanh lúc này đặt ở việc cung cấp những sản phẩm tốt nhất cho sức khoẻ từ nguồn nguyên liệu thuần Việt.

Từ những định hướng này, ông Thanh cho biết đã không ngại chi những khoản tiền hàng chục triệu đô để đầu tư dàn máy móc, thiết bị hiện đại nhất thế giới thời đó.

“Nếu đầu tư ngắn chỉ 3 – 5 năm thì không ai dám đầu tư đâu. Một dây chuyền giá chục triệu đô mà đầu tư một lần cả chục cái chứ đâu có ít”, ông nói. Dù tính trước được những rủi ro từ thị trường, nguồn nhân lực chất lượng cao để vận hành máy móc nhưng ông Thanh vẫn làm vì đam mê.

“Nguyên tắc kinh doanh là phải khác biệt. Chúng ta thấy có cơ hội khác biệt mà có lợi cho người tiêu dùng thì phải khai thác. Vấn đề là có dám nhảy vào hay không”, ông cười.

Tất nhiên, đứng trước hàng chục triệu đến cả tỷ USD được bỏ ra đầu tư, nhiều người cũng tỏ ý nghi ngại, nhưng ông Thanh gạt đi. Ông bảo: Nếu run rẩy quá thì không kinh doanh được đâu. Bắt tay vào làm ăn là phải học thuộc lòng câu kinh doanh là trò chơi quản lý rủi ro!

Tất nhiên, trong quá trình làm có “cái trúng, cái trật, có lời, có lỗ” nhưng chỉ cần dư dư được chút đỉnh thì… “sống ngon rồi” – ông nói.

Coca- Cola là thương hiệu nước giải khát lớn nhất thế giới nhưng tại Việt Nam, thương hiệu này vẫn có thị phần xếp sau Tân Hiệp Phát của Dr Thanh. Tuy nhiên, có một bài toán lớn hơn đặt ra cho ông Trần Quí Thanh.

Khoảng 94% dân số trên thế giới có khả năng nhận biết được logo đỏ – trắng của Coca-Cola. Coca-Cola là từ được hiểu rộng rãi đứng thứ 2 tại Mỹ, chỉ sau từ OK. Tên gọi của chai nước ngọt có ga màu nâu cánh gián đã đi khắp toàn cầu, trở thành một quyền lực mềm cho nước Mỹ. Và chai nước của Dr Thanh cũng mong muốn mang hương vị, giá trị của Việt Nam vươn ra bên ngoài như điều Coca-Cola đã làm.

“Đó là một hoài bão chúng tôi theo đuổi nhưng tôi không nghĩ đấy là tham vọng. Tham vọng là thứ mình khó thực hiện được, còn cái này chúng tôi nghĩ là có thể thì cứ đeo đuổi đầu tư thôi”, ông nói.

“Nếu không có tầm nhìn đó, chẳng lý do gì mà chúng tôi cứ đầu tư, nghiên cứu phát triển cả. Đến giờ phút này thì sự nghiệp Tân Hiệp Phát cũng đủ để gia đình chúng tôi làm việc đỡ vất vả hơn nhưng chúng tôi muốn đi đường khó, là tồn tại trăm năm, là đưa danh tiếng đi xa hơn nữa…”.

Việc đưa hình ảnh của chai nước Tân Hiệp Phát ra bên ngoài Việt Nam được ông Thanh mô tả là làm từng giai đoạn, khai thác từng bước và không cực đoan hoá. Có thời điểm nhiều người đặt câu hỏi sao Tân Hiệp Phát không xuất khẩu luôn, tập trung vào mảng này để “go global” nhưng ông Thanh nghĩ khác.

“Tôi nói là không có thị trường nào tốt bằng thị trường trong nước. Cả thế giới người ta mê quy mô 100 triệu dân của mình, không phục vụ tốt ở đây thì đi đâu. Qua Mỹ không dễ dàng làm ăn đâu, như ở Việt Nam những năm 1990s còn nghèo nên cái gì cũng thiếu, sản xuất cái gì cũng bán được. Thành ra quan trọng có dám làm hay không!”, ông Thanh nói.

Chủ tịch Tân Hiệp Phát nói rằng doanh nghiệp đang đi hai chân, vừa tiến ra thị trường toàn cầu vừa đảm bảo phục vụ được người tiêu dùng trong nước. Quan điểm của ông là “không bỏ thứ trong tầm tay để tìm kiếm vật trong bụi rậm”. Vậy nên, bước ra thế giới là việc cần làm, nhưng sẽ đi chậm, bài bản, còn phải phục vụ tốt thị trường trong nước làm bàn đạp vững chắc, lấy ngắn nuôi dài.

Là người đi cùng và hiện thực các ý tưởng của Dr Thanh, ông Nguyễn Văn Tư nói thêm: “Khát vọng của chúng tôi là sản phẩm sẽ xuất hiện phủ khắp ở nước ngoài. Đó là điều chúng tôi ấp ủ. Còn sản phẩm trà thảo mộc này sẽ rất khó có đối thủ cạnh tranh. Mình làm hơn người ta nhiều lắm!”.

RELATED ARTICLES

Tin mới