Chính quyền của tân Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga tiếp tục thúc đấy chính sách của người tiền nhiệm Shinzo Abe, mở rộng chương trình hỗ trợ doanh nghiệp dịch chuyển sản xuất sang Đông Nam Á nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng và tránh phụ thuộc vào Trung Quốc.
Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga.
Theo hãng tin Nikkei Asian Review của Nhật Bản, Thủ tướng Yoshihide Suga sẽ sớm công bố kế hoạch trên trong chuyến công du Đông Nam Á sắp tới, điểm đến đầu tiên là Việt Nam và Indonesia.
Ông Suga muốn thông qua chuyến đi này để thúc đẩy đầu tư của Nhật Bản tại các nước thuộc Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Cụ thể, chính phủ Nhật Bản dự kiến sẽ trả khoảng 50% chi phí cho các công ty lớn và 2/3 chi phí cho những doanh nghiệp nhỏ nhằm hỗ trợ việc dịch chuyển sản xuất sang Đông Nam Á.
Mục tiêu của kế hoạch này là là đa dạng hóa địa điểm sản xuất tại nước ngoài của doanh nghiệp Nhật Bản.
Dù không trực tiếp nhắc tới Trung Quốc nhưng Nikkei dẫn lời một số chuyên gia nhận định chính phủ Nhật Bản muốn giảm sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng ở Trung Quốc.
Trung Quốc vốn luôn đóng một vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, nhưng căng thẳng thương mại với Mỹ, cộng với dịch bệnh hoành hành từ đầu năm đã khiến vị thế này của quốc gia tỷ dân đang bị đe dọa.
Giáo sư Yorizumi Watanabe chuyên ngành kinh tế chính trị quốc tế tại Đại học Kansai cho rằng kế hoạch này của Nhật Bản không vi phạm các nguyên tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), bởi mục đích chính là hỗ trợ chung, chứ không phải trợ cấp một công ty hay một nhóm công ty cụ thể nào.
Còn theo Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), Đông Nam Á là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà sản xuất xét trên khía cạnh chi phí bởi chi phí bình quân phải trả cho một lao động tại Indonesia là 5.956 USD/năm, tại Việt Nam là 4.041 USD/năm, trong khi con số này tại Trung Quốc là 10.000 USD/năm.
Chính phủ Nhật Bản có thể sẽ dành một khoản tiền đáng kể trong ngân sách bổ sung cho chương trình này.
Trước đó, Nhật Bản đã tung ra chương trình trị giá 220 tỷ yên (2,07 tỷ USD) trong ngân sách bổ sung cho năm tài chính 2020 nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất trong nước.
Trong vòng đầu tiên kết thúc vào tháng 6, chính phủ đã phê duyệt 57 dự án với tổng giá trị 57,4 tỷ yên, chiếm hơn một nửa trong số 90 số đơn đăng ký từ các công ty.
Ở vòng thứ 2 kết thúc vào tháng 7, số lượng công ty quan tâm tới chương trình trên tăng vọt, lên tới 1.670 công ty, tương ứng với khoản ngân sách 1,76 nghìn tỷ yên, cao gấp 11 lần số tiền còn lại trong ngân sách.
Danh sách công ty được chọn vòng 2 sẽ được công bố trong tháng 10 sau khi được các chuyên gia xét duyệt.