Năm 1992 khi Nhật Bản nối lại viện trợ cho Việt Nam, có thể nói quan hệ giữa hai nước luôn theo chiều hướng tốt đẹp và ngày càng gắn bó keo sơn hơn.
Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide và phu nhân tại sân bay quốc tế Nội Bài.
Năm 2012 khi tái đắc cử thủ tướng Nhật Bản, ông Abe đã chọn Việt Nam là nước công du đầu tiên.
Lần này, đương kim thủ tướng Suga tiếp tục nối gót người tiền nhiệm, chọn Việt Nam là nước công du đầu tiên.
Thông thường khi một thủ tướng mới được bầu, chính phủ Nhật Bản sẽ chọn các đối tác lớn nhất để công du. Đó có thể là Mỹ đồng minh lớn của Nhật; có thể là Trung Quốc đối tác kinh tế lớn, hoặc khối EU. Nhưng vì sao cả ông Abe và ông Suga đều chọn Việt Nam.
Quan hệ Việt Nam- Nhật Bản hiện tại mặc dù có một sự chênh lệch trong trình độ, nhưng đây là mối quan hệ không hề có đối kháng, tranh chấp mà chỉ có chia sẻ và bổ xung cho nhau. Việt Nam và Nhật Bản có dân số tương đương nhau. Nhật Bản có nền kinh tế phát triển, công nghệ cao, kinh nghiệm quản lý có thể chia sẻ cho Việt Nam. Còn Việt Nam có nguồn nhân lực tốt và thị trường tiềm năng, luôn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư và phát triển.
Không chỉ trong hiện tại mà Việt Nam và Nhật Bản đã có mối quan hệ lâu dài trong quá khứ, cùng có chung mối nguy cơ luôn đến từ Trung Quốc.
Trong lịch sử hàng nghìn năm cả Việt Nam và Nhật Bản luôn bị Trung Quốc áp chế bắt làm chư hầu. Sứ thần Nhật Bản và Việt Nam thường phải gặp nhau trong các dịp đến Trung Quốc triều cống.
Trung Quốc luôn tìm cách xâm lược Việt Nam và Nhật Bản nhưng luôn bị hai nước kháng cự quyết liệt. Dưới thời đế quốc Nguyên – Mông, chỉ có hai nước là Việt Nam và Nhật Bản là Trung Quốc phải chịu thất bại khi đưa quân xâm lược. Hai lần tàu thuyền Trung Quốc khởi binh đánh Nhật, thì Nhật Bản đều kiên quyết kháng cự và được “trời giúp” bằng bão tố ngăn chặn và nhấn chìm. Ba lần Trung Quốc dùng đại quân xâm lược Việt Nam nhưng đều bị quân dân Việt Nam đánh cho tan tác.
Khi bước vào cải cách mở cửa, Đặng Tiểu Bình đã chọn Nhật Bản để công du vì lúc đó Nhật Bản là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể giúp vốn và công nghệ để Trung Quốc phát triển. Hình ảnh Đặng Tiểu Bình cúi gập người trước lá cờ Nhật Bản lúc đó gây nhiều tranh cãi. Một số người Trung Quốc coi đó là một sự xúc phạm. Nhưng với Đặng Tiểu Bình, đây là một sự khuất phục tạm thời để tìm cách vươn lên chiếm vị trí cường quốc kinh tế thứ hai thế giới của Nhật Bản. Thực tế đã diễn ra đúng như vậy. Khi chiếm được vị trí thứ hai trong nền kinh tế thế giới, Trung Quốc bắt đầu gây sự với Nhật Bản ở biển Hoa Đông, tuyên bố chủ quyền với đảo Điếu Ngư đang thuộc về Nhật Bản.
Với Việt Nam, từ chỗ là đồng minh cùng do Đảng Cộng sản lãnh đạo nhưng khi Việt Nam không chịu theo sự “sắp đặt” của Trung Quốc thì họ quay ngoắt, cắt viện trợ và tiến hành chiến tranh xâm lược biên giới trên bộ và đánh chiếm các đảo, quần đảo của Việt Nam trên Biển Đông.
Từ bài học trong quá khứ và hiện tại, Việt Nam và Nhật Bản đều nhận ra mối nguy cơ lâu dài đến từ Trung Quốc. Mối quan hệ hai nước ngày càng gắn bó mật thiết, với tiềm lực kinh tế, quân sự của hai nước và sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, Việt Nam và Nhật Bản chắc chắn sẽ đập tan âm mưu đen tối đến từ Trung Quốc.