Dư luận, nhất là các công ty thăm do khai thác dầu khí quốc tế đang quan tâm đến quyết định có thể coi là “mở biển” của Philippines. Tuy nhiên, diễn biến và các nước cờ ngoại giao của Manila cho thấy: vẻ như đèn xanh trước hết là dành cho các công ty Trung Quốc.
Philippines khai thác chung dâu khí với Trung Quốc liệu có mạo hiểm?
Số là, cách đây vài ngày, RFI và một số cơ quan thông tin nước ngoài cho biết: Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte vừa bãi bỏ lệnh cấm thăm dò dầu khí ở biển Hoa Nam (Biển Đông), nơi Manila gọi là Biển Tây Philippines.
Giới chuyên gia quốc tế, và cả của Philippines nữa, quá tinh tường để nhận định: động thái “mở biển” trong bối cảnh dịch Covid-19 còn đang diễn biến phức tạp, khó lường, ngoài việc đáp ứng nhu cầu năng lượng trong nước, còn là để mở đường cho việc tái khởi động 3 dự án (vốn đã bị đình chỉ trong thời gian Philippines tiến hành vụ kiện Trung Quốc về vấn đề Biển Đông lên Tòa trọng tài thành lập theo Phụ lục VII, Công ước LHQ về Luật Biển (Unclos 1982) năm 2013), đặc biệt, trong số đó, có một dự án có thể là liên doanh với Trung Quốc.
Liên quan câu chuyện này, cách nay chưa lâu, một thông tin cả Trung Quốc và Philippines muốn kín như bưng, nhưng vẫn rò rỉ, cuối cùng, ai cũng biết. Đó là: Manila từng bị Bắc Kinh gạ gẫm một liên danh dự án khai thác dầu khí chung, tỷ lệ ăn chia 60 cho Philippines và 40 cho Trung Quốc.
Hẳn Trung Quốc nghĩ là Manila quá là hời. Bởi họ – Trung Quốc, dù là một thành viên của Unclos 1982, nhưng nào có coi phán quyết của PCA ra gì, phủ quyết ngay tắp lự, khi PCA vừa công bố. Vậy nên, Philippines có lý do gì để mà từ chối?
Các chuyến thăm qua lại giữa ông Tập Cận Bình (tới Philippines năm 2018) và ông Rodrigo Duterte (tới Bắc Kinh năm 2019), dự án này chắc chắn được bàn tới trong cái gọi là “thăm dò dầu khí chung” mà hai bên đều rất mực hoan hỷ. Thậm chí, trong chuyến thăm Trung Quốc của ông Duterte, cả hai bên đã hào hứng bàn việc thành lập ủy ban chỉ đạo liên chính phủ và ủy ban hợp tác giữa các doanh nghiệp hai nước để xúc tiến dự án này.
Rồi bẵng đi sự quan tâm đến dự án chung nêu trên trong thời gian qua, khi tình hình Biển Đông ra chiều diễn biến phức tạp; dư âm vụ tàu Trung Quốc đâm chìm tàu và bỏ mặc 22 thuyền viên Philippines suýt thành mồi cho cá trong khu vực bãi Cỏ Rong ngày 9/6/2019 chưa dứt, cũng như phản ứng quyết liệt của người dân đối với một dự án mà họ cho là “mạo hiểm” trước một đối tác tham lam, lá mặt lá trái như Trung Quốc. Thậm chí, nhiều người trong chính giới và dư luận còn cáo buộc ông Duterte “phản bội Tổ quốc”…
Manila, trong đối ngoại, dù vẫn tỏ ra là người đu dây xuất sắc, cũng có lúc lúng túng, chắng biết nên dứt Mỹ để ngả vào lòng Trung Quốc, hay lạnh nhạt với Trung Quốc để trở lại là bạn đồng minh thân thiết của Mỹ sau vụ định (rồi lại hoãn) chấm dứt “Hiệp định Các lực lượng Viếng thăm” (VFA) giữa Philippines và Mỹ – sự kiện khiến người đứng đầu Nhà trắng, ông Donald John Trump, tức giận.
Trở lại câu chuyện trên đây của Manila. “Mở biển” về nguyên tắc, rộng cửa cho mọi đối tác để cùng Philippines tái khởi động các dự án đình trệ thời gian qua. Cho dù bộ trưởng Năng lượng Philippines, ông Cusi, cho rằng: quyết định bãi bỏ lệnh cấm không liên quan đến Trung Quốc, không ảnh hưởng đến các đàm phán hiện nay giữa Manila và Bắc Kinh, cụ thể là giữa công ty trách nhiệm hữu hạn Forum của Philippines và Tổng Công ty Dầu khí Hải Dương TQ (CNOOC), xung quanh khả năng phát triển và thăm dò dầu khí chung, (nghĩa là đàm phán có thể thành/bại), nhưng dư luận không thể không nghi ngờ.
Thà không thanh minh, thanh nga thì đi một nhẽ. Hẳn “có tật thì giật mình”? Một khi người đứng đầu cơ quan năng lượng Philippines đã nói thế, các câu hỏi: “mở biển” cho ai? Ai sẽ thành đối tác trong các dự án thăm dò, khai thác dầu khí với Philippines?,v.v…dường như đã có thể trả lời: Còn ai nữa, ngoài Trung Quốc!