Saturday, January 11, 2025
Trang chủBiển nóngNgư dân kể lại nỗi ám ảnh cả đời trong lần vi...

Ngư dân kể lại nỗi ám ảnh cả đời trong lần vi phạm lãnh hải đánh bắt thủy sản

Gần 1 tỷ đồng đóng tàu cùng mua sắm ngư cụ bị tiêu hủy ngay trong lần đầu tiên ra khơi, bản thân ngư dân thì bị ngồi tù 4 năm.

Lực lượng chức năng tăng cường phổ biến kiến thức pháp luật cho ngư dân.

Gần 3 năm qua (từ 23/10/2017) kể từ khi Ủy Ban Châu Âu (EC) cảnh báo “thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam, chúng ta đã có nhiều nỗ lực nhằm hạn chế nhiều vi phạm về lãnh hải trong đánh bắt thủy hải sản. Tuy nhiên, để gỡ bỏ được thẻ vàng của EC thì không chỉ là trách nhiệm của ngành chức năng, mà quan trọng nhất là ý thức của mỗi ngư dân khi ra khơi đánh bắt xa bờ.

Ngư dân mất tiền tỷ vì vi phạm lãnh hải

Có lẽ, với ông Hoàng Thái Hồng (ngụ ở khu phố 5, phường Phước Lộc, thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận) thì chuyến đi biển năm 2018 là nỗi ám ảnh cả đời. Với số tiền tích cóp nhiều năm, vận động người thân họ hàng, ông đóng mới tàu cá công suất 300CV. Chuyến đi biển đầu tiên trên con tàu mới với 10 thuyền viên, tàu của ông gặp luồng cá lớn. Mải chạy theo luồng cá, tàu đi vào lãnh hải của Indonesia và bị cơ quan chức năng nước này bắt giữ. Gần 1 tỷ đồng đóng tàu cùng mua sắm ngư cụ bị tiêu hủy, bản thân ông bị ngồi tù 4 năm.

Thời điểm ông ra tù, về nước thì cũng chứng kiến cảnh kinh tế gia đình rơi vào hoàn cảnh khó khăn. “Tôi vô tình đi vượt vào lãnh hải của Indonesia thì bị họ bắt, vì là chuyến đầu bị bắt nên đâu có biết. Sau này tôi chấp hành không dám đi nữa”.

Việc vi phạm lãnh hải khi đánh bắt trên biển không chỉ khiến nhiều ngư dân mất tiền tỷ, mà còn khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu sang châu Âu gặp nhiều khó khăn kể từ khi chúng ta bị Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo “thẻ vàng” đối với thủy hải sản Việt Nam. Khi nguồn gốc hải sản đánh bắt phải được truy xuất nguồn gốc rõ ràng, thủ tục truy xuất nguồn gốc còn rườm rà thì nhiều doanh nghiệp buộc phải nhập nguyên liệu từ nước ngoài với giá cao để đảm bảo hợp đồng với đối tác. 

Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty chế biến, xuất nhập khẩu thủy sản tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, mỗi năm doanh nghiệp nhập khẩu từ 15-20 triệu USD nguyên liệu.

“Nguyên liệu hiện nay càng thiếu và yếu nhưng thu mua rất khó, tạo ra hiện tượng các doanh nghiệp trong nước cạnh tranh mua, chính vì vậy mà đẩy giá lên cao. Điều này doanh nghiệp vừa khó về nguyên liệu, khó về xuất nhập khẩu nên không có lãi” – ông Dũng cho biết.

Triển khai quyết liệt nhưng chưa đồng bộ

Theo thống kê, từ khi EC cảnh báo “thẻ vàng”, tình hình tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài có giảm, nhưng vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Cụ thể, ở tỉnh Ninh Thuận, từ đầu năm 2019 đến nay đã phát hiện 9 trường hợp vượt ranh giới trên biển. Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu từ tháng 6/2020 đến nay phát hiện 6 tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Trong khi đó, từ năm 2017 đến năm 2019, tỉnh Bình Thuận có 23 tàu cá với 187 ngư dân bị các nước Indonesia, Malaysia, Thái Lan bắt giữ vì vi phạm lãnh hải về đánh bắt hải sản.

Các ngành chức năng cho biết, thời gian qua, các tỉnh Đông Nam Bộ đã triển khai nhiều giải pháp nhằm hạn chế tình trạng tàu cá xâm phạm vùng biển nước ngoài, như: Không cấp giấy phép khai thác thủy sản, không cho đóng mới đối với chủ tàu có tàu cá bị nước ngoài bắt giữ; cấm hoạt động đánh bắt vĩnh viễn đối với chủ tàu tái phạm… Cuối tháng 4 vừa qua, Bình Thuận, Ninh Thuận và Bà Rịa Vũng Tàu đã ký kết Quy chế phối hợp trong công tác chống khai thác hải sản trái phép…

Tuy nhiên, theo Thượng tá Phạm Văn Trác, Phó tham mưu trưởng, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Ninh Thuận, việc ngăn chặn đánh bắt trái phép vẫn chưa được thực hiện đồng bộ, nên vẫn còn tình trạng ngư dân vi phạm.

“Trong năm 2020 không có phương tiện nào xuất bến tại Ninh Thuận mà bị nước ngoài bắt giữ, chỉ có một phương tiện NT 91065 bị phía Trung Quốc bắt giữ vào ngày 21/7/2020 đến nay chưa trở về, trên thuyền có 11 thuyền viên do ông Nguyễn Tú Phương, ở khu phố 5, phường Mỹ Đông, Ninh Thuận làm chủ. Đối với phương tiện này, năm 2017 chủ đã chuyển vào thành phố Vũng Tàu tạm trú” – Thượng tá Phạm Văn Trác cho biết.

Như vậy là, sau gần 3 năm với 2 lần kiểm tra, EC đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Tuy nhiên, EC cũng cảnh báo, khi nào Việt Nam chưa giải quyết được vấn đề tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài thì EC sẽ không gỡ thẻ vàng. Và khi đó không chỉ ngành thủy hải sản của nước ta gặp thiệt hại mà chính những ngư dân cũng sẽ gặp nhiều khó khăn. Bởi vậy, hơn lúc nào hết, ngoài sự vào cuộc quyết liệt của ngành chức năng thì chính người dân cũng phải ý thức để EC gỡ bỏ thẻ vàng đối với ngành thủy sản nước ta.

RELATED ARTICLES

Tin mới