Monday, November 25, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiTS. Nguyễn Đình Cung: Cần Nhà nước thay đổi để thị trường...

TS. Nguyễn Đình Cung: Cần Nhà nước thay đổi để thị trường vận hành đúng quy luật

Sự thay đổi của thị trường nhân tố sản xuất không thể diễn ra được nếu Nhà nước không thay đổi. TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) chia sẻ.

TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM).

Dứt điểm với kinh tế thị trường

Trước hết, chúng ta phải thống nhất được các tiêu chuẩn của kinh tế thị trường hiện đại, đồng thời phải xác định được ta “chưa hiện đại” ở đâu, ở chỗ nào; khoảng cách giữa “hiện tại” và “hiện đại” là gì, xa hay gần.

Theo tôi, kinh tế thị trường hiện đại là nền kinh tế trong đó Nhà nước và thị trường thực hiện hợp lý vai trò và chức năng của mình, kết hợp và bổ sung cho nhau hướng đến một thị trường hoàn hảo. Có thể nói đến một số đặc trưng chủ yếu của nền kinh tế thị trường hiện đại như: có chế độ sở hữu tài sản và quyền sở hữu tài sản rõ ràng, minh định; chủ sở hữu là thể nhân, pháp nhân (gồm pháp nhân tư và pháp nhân công quyền); mỗi tài sản (dù thuộc công hữu hay tư hữu) đều có chủ và chủ sở hữu cụ thể; các chủ sở hữu có đầy đủ các quyền sở hữu…

Trong nền kinh tế này, các chủ thể thị trường độc lập về pháp lý, được tự do quyết định sản xuất cái gì, sản xuất bao nhiêu, sản xuất như thế nào, sản xuất cho ai; tự do thỏa thuận hợp đồng, tự quyết định giá và trao đổi theo cung cầu thị trường…

Trong nền kinh tế thị trường hiện đại, tự do kinh doanh và cạnh tranh thị trường chi phối phân bổ nguồn lực trong nền kinh tế, chi phối sự lựa chọn của các chủ thể thị trường; quyết định người thắng cuộc và đào thải những doanh nghiệp, cá nhân không đủ năng lực cạnh tranh… Nói cách khác, Nhà nước hoạt động theo thị trường và các can thiệp của Nhà nước vào nền kinh tế cũng không trái với nguyên tắc thị trường, mà phải thuận theo thị trường.

Trên thực tế, không bao giờ có thị trường hoàn hảo, nhưng can thiệp của Nhà nước phải hướng đến sự hoàn hảo của thị trường, khắc phục, sửa chữa các khiếm khuyết của thị trường. Song phải thẳng thắn, sau gần 35 năm đổi mới, con đường chuyển sang kinh tế thị trường của Việt Nam vẫn còn dang dở. Tôi mong rằng, nhiệm kỳ tới đây, chúng ta sẽ kết thúc quá trình chuyển đổi, để Việt Nam có một nền kinh tế thị trường, chứ không phải là một nền kinh tế thị trường chuyển đổi.

Để đánh giá về mức độ thị trường trong nền kinh tế, thế giới đang áp dụng Bộ chỉ số về Tự do kinh tế (IEF) do Quỹ Di sản thực hiện, đánh giá các quốc gia, nền kinh tế dựa trên 12 chỉ số (quyền sở hữu, hiệu lực tư pháp, tính liêm chính của Chính phủ, gánh nặng thuế, chi tiêu chính phủ, sức khỏe tài chính, tự do kinh doanh, tự do lao động, tự do tiền tệ, tự do thương mại, tự do đầu tư, tự do tài chính).

Tôi muốn đề cập cả Chỉ số Quản trị nhà nước của Ngân hàng Thế giới (WB), dùng đo lường hiệu lực quản lý nhà nước. Vì trong nền kinh tế thị trường, vai trò của Nhà nước và thị trường không thể tách rời nhau, đối nghịch nhau, mà phải bổ sung cho nhau. Một nền kinh tế có điểm số tốt ở cả 2 bộ chỉ số này là một nền kinh tế thị trường hiệu quả.
Đáng tiếc là, chúng ta đều chưa tốt ở cả hai bộ chỉ số. Chỉ số Tự do kinh tế chỉ loanh quanh ở mức điểm 51-53/100, không vượt lên được, trong nhóm dưới so với các nền kinh tế khác. Còn Chỉ số Quản trị nhà nước, Việt Nam cũng chỉ khoảng 200 điểm trên tổng số 600 điểm.

Có thể nói, cả vế Nhà nước và vế thị trường đều đang chưa đạt, chưa thể hiện đúng vai trò trong nền kinh tế thị trường.

Tôi cho rằng, cải cách phải từ vai trò nhà nước. Những khó khăn trong chuyển đổi sang kinh tế thị trường của Việt Nam hiện tại không nằm ở vế thị trường, mà nằm ở phía Nhà nước.

Trong nền kinh tế thị trường hiện đại, vai trò của Nhà nước là ổn định kinh tế vĩ mô; thiết lập khung pháp luật và bộ máy thực thi để thị trường hoạt động tốt; khắc phục khiếm khuyết, thất bại của thị trường và đảm bảo bình đẳng về cơ hội phát triển cho mọi người…

Trong kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Nhà nước xã hội chủ nghĩa phải làm nhiều hơn và thực hiện tốt hơn các chức năng xã hội của mình. Có thể nói, khác biệt của kinh tế thị trường hiện đại và kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa ở chính vai trò nhà nước nhiều hơn, tốt hơn trong phát triển và giải quyết các vấn đề xã hội.

Vậy Nhà nước cần thay đổi gì?

Câu trả lời là cần thay đổi tư duy.

Thứ nhất, cần làm rõ là khi chuyển sang kinh tế thị trường, thì cần phát triển những thị trường các nhân tố sản xuất, khu vực tư nhân và những thiết chế bảo vệ tài sản, sở hữu của doanh nghiệp, người dân. Theo tôi, đây nên là một điểm đột phá trong cải cách, tái cơ cấu kinh tế của giai đoạn tới. Đây cũng là những điểm quan trọng để quyết định Việt Nam có thực sự chuyển sang kinh tế thị trường hay vẫn dang dở ở trạng thái của một nền kinh tế đang chuyển đổi.
Thứ hai, những năm qua, chúng ta đã chọn đột phá thể chế rất mạnh mẽ, với trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh. Kết quả là, Việt Nam đã có những bước thăng hạng đáng kể trên các bảng xếp hạng về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh toàn cầu. Nhưng cải cách thủ tục hành chính chỉ là phần ngọn của vấn đề. Điểm đột phá cải cách thể chế cần là nội dung của các quy định, của hệ thống văn bản pháp luật.

Thứ ba, tại sao chúng ta nói đến các điểm đột phá, nhưng thực tế chưa đột phá được nhiều. Tôi cho rằng, cần xem xét 3 nguyên nhân: chưa chọn đúng điểm, đúng chỗ; chưa có công cụ phù hợp; nhân lực chưa đủ năng lực thực hiện. Chính thực trạng đột mà không phá được trong giai đoạn vừa qua lại tạo nên những điểm nghẽn mới.

Giai đoạn trước, Nhà nước lùi, thị trường tiến; Nhà nước đứng yên, thị trường mở. Hiện tại, sự thay đổi của thị trường nhân tố sản xuất không thể diễn ra được nếu Nhà nước không thay đổi. Có thể hình dung rằng, nếu Nhà nước sở hữu và kiểm soát, thì thị trường sẽ méo mó, không thể vận hành đúng quy luật được.

Tất nhiên, thực tiễn cho thấy, việc chọn khâu đột phá, công cụ và con người đủ năng lực thực hiện phù hợp đã khó, nhưng việc tìm kiếm động lực, áp lực để thực hiện bằng được có lẽ còn khó hơn. Như tôi đã nói, cách tốt nhất để tự soi mình, cũng là cách để tạo động lực, áp lực cho sự thay đổi của chính mình là tham gia các xếp hạng với các nền kinh tế trên toàn cầu.

Khi chúng ta tuyên bố với thế giới là đang chuyển sang kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập, đầy đủ, thì chúng ta phải thể hiện nỗ lực của mình, phải vươn lên các thứ bậc cao hơn, chứ không thể cứ ở mức trung bình, trung bình thấp như hiện tại.

Mức khá của Việt Nam trên các bảng xếp hạng về tự do kinh tế, quản trị nhà nước ở đây còn có hàm ý là không quá nhiều nhà nước, không quá nhiều thị trường.

Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là nền kinh tế thị trường hiện đại, trong đó định hướng xã hội chủ nghĩa là việc Nhà nước xã hội chủ nghĩa làm nhiều hơn và thực hiện tốt hơn các chức năng xã hội của mình.

Ví dụ, Nhà nước tạo nhiều hơn cơ hội phát triển cho người dân; đảm bảo công bằng hơn cho tiếp cận cơ hội phát triển, nhất là đối với nhóm người yếu thế trong xã hội. Nhà nước thực hiện chiến lược tăng trưởng toàn diện, chia sẻ công bằng lợi ích phát triển cho các nhóm dân cư, các vùng kinh tế.

Nhà nước đầu tư phát triển vào các vùng, lĩnh vực mà kinh tế tư nhân không làm, hoặc không làm được; Nhà nước không đầu tư kinh doanh, đơn thuần tìm kiếm lợi nhuận. Nhà nước chi tiêu nhiều hơn cho phát triển giáo dục, y tế, chăm sóc sức khoẻ của người dân và an sinh xã hội; Nhà nước vì dân phục vụ nhiều hơn; Nhà nước vì dân nhiều hơn so với các nền kinh tế thị trường khác.

Quan điểm của tôi là, trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam, có lẽ vế Nhà nước nên nhiều hơn một chút, nhưng không nhiều quá.

RELATED ARTICLES

Tin mới