Đường mòn Hồ Chí Minh hay còn được biết tới với cái tên Đường Trường Sơn bắt đầu được xây dựng từ năm 1959 và tồn tại trong suốt 15 năm, đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Từng được quân đội Mỹ nhận xét là “một trong những thành tựu vĩ đại của nền kỹ thuật quân sự thế kỷ 20”, đường mòn Hồ Chí Minh hay còn được biết tới với cái tên Đường Trường Sơn được xây dựng bởi Binh đoàn Trường Sơn hay Đoàn 559 bắt đầu từ năm 1959 – cách đây đúng 60 năm
Ban đầu, hệ thống đường giao thông này được ta gọi với cái tên Đường Trường Sơn, cái tên đường Hồ Chí Minh thực chất lại có nguồn gốc từ Mỹ. Bản thân quân đội Mỹ cũng đã đổ rất nhiều tiền bạc và tính mạng vào việc phá huỷ tuyến đường này của ta nhưng đều thất bại.
Trong vòng 15 năm từ năm 1959 cho tới năm 1975, tuyến đường Hồ Chí Minh đã tồn tại tổng cộng gần 6000 ngày đêm, tổng cộng 120.000 nhân lực bao gồm công binh, thanh niên xung phong và dân công hoả tuyến đã làm nên mạng lưới giao thông chạy dọc dãy Trường Sơn.
Tổng cộng Đường Trường Sơn có 5 trục đường chạy dọc và 21 trục ngang, nối Đông với Tây Trường Sơn, vươn tới từng chiến trường và dài gần 20.000 km (chỉ tính những đoạn ô-tô đi được)
Ngoài ra, để đảm bảo tiếp liệu cho đoàn xe hậu cần khổng lồ, Đường Trường Sơn còn có 1.400 km ống xăng dầu và thậm chí là hơn 3000 km Đường Trường Sơn được làm kín, cho phép xe ô-tô di chuyển được vào ban ngày.
Nắm bắt được quy luật hoạt động của Không quân Mỹ, nhiều đoạn trên Đường Trường Sơn quân đội ta còn thản nhiên di chuyển vào ban ngày mà không cần bất cứ cây cối hay vật che chắn, nguỵ trang nào.
Bộ đội hành quân trên đường Trường Sơn phải vượt quãng đường bộ dài trên 1.500 km. Năm 1965, khi hậu cần của ta còn kém, mỗi lính hành quân cần mang 30 kg quân trang, lương khô, vũ khí, thuốc, gạo, mắm muối,… càng về sau, khi đường xe tải được mở rộng và hậu cần tốt hơn, trọng lượng quân trang bị lính phải mang vác khi vượt Trường Sơn giảm dần tới năm 1967 chỉ còn không quá 20kg.
Trong khoảng thời gian từ năm 1965 tới năm 1972, Mỹ huy động 733.000 máy bay các loại, thực hiện 152.000 phi vụ oanh tạc và ném xuống tuyến Đường Trường Sơn tổng cộng 4 triệu tấn bom đạn đủ loại. Ngoài ra Mỹ còn tung thám báo, biệt kích để do thám và chỉ điểm cho máy bay đánh phá dọc tuyến đường này.
Mặc dù vậy, ta vẫn vận chuyển được tới hơn 1 triệu tấn vũ khí, hàng hoá từ miền Bắc vào tận từng chiến trường, cơ động 10 lượt sư đoàn, 3 quân đoàn và hộ tống 90 đơn vị binh chủng kỹ thuật vào miền Nam.
Từ năm 1968, quân đội ta bắt đầu tính tới chuyện hành quân bằng phương tiện cơ giới thay cho việc hành quân bộ dọc đường Trường Sơn. Cách thức này dù đẩy nhanh tốc độ hành quân nhưng vẫn có nhiều hạn chế.
Đoàn xe vận tải trên một tuyến đường thuộc Đường Trường Sơn bị… tắc đường. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tắc đường, chủ yếu là đường bị phá do bom Mỹ oanh kích.
Sau khi Hiệp định Paris được ký kết năm 1973, không quân Mỹ dừng các chiến dịch không kích Việt Nam và việc hành quân bằng phương tiện cơ giới được ta mở rộng, thời gian di chuyển của binh lính từ miền Bắc Việt Nam vào tận chiến trường Đông Nam Bộ lâu nhất chỉ là 10 ngày, mỗi tháng chuyển được 30.000 tới 50.000 quân ra – vào chiến trường.
Xe vận tải được nguỵ trang khi di chuyển dọc tuyến Đường Trường Sơn, lính lái xe tải được trang bị mũ sắt và áo giáp để hạn chế bớt thương vong khi bị máy bay Mỹ oanh tạc.
Không chỉ sử dụng sức người, việc mở rộng đường Trường Sơn còn có sự góp sức của các phương tiện kỹ thuật như máy xúc, máy ủi,… đảm bảo thời gian thi công là ngắn nhất, thông đường nhanh nhất.