Monday, December 23, 2024
Trang chủThâm cung bí sửCao nhân nào chỉ điểm cho Tưởng Giới Thạch rút về trấn...

Cao nhân nào chỉ điểm cho Tưởng Giới Thạch rút về trấn thủ tại Đài Loan?

Một vị cao nhân đã nói với Tưởng Giới Thạch rằng: “Thượng thượng sách là rút về trấn thủ Đài Loan!”. Sự xuất hiện của ông đã làm thay đổi vận mệnh của Quốc dân Đảng lẫn Tưởng Giới Thạch. Người đó là ai?  

Vị cao nhân thần bí xuất hiện trong cơn ‘nước sôi lửa bỏng’… 

Năm 1948, Trung Quốc sơn hà chia đôi, trời đất đổi màu. Chính phủ Quốc dân Đảng đang đứng trước nguy cơ tan rã, Tưởng Giới Thạch vò đầu bứt tóc giữa những khó khăn. Trần Bố Lôi, tham mưu của Tưởng Giới Thạch khuyên ông rằng: “Chúng ta nên bãi binh, ngừng chiến và tổ chức đàm phán với Đảng Cộng sản, sớm chấm dứt cuộc nội chiến. Như vậy Quốc dân Đảng có lẽ còn có thể ngồi vững trên phân nửa giang sơn còn lại”. 

Tưởng Giới Thạch trả lời: “Hiện nay tình hình chiến sự quả thực rất bất lợi, nhưng ông không cần phải bi quan như vậy. Dẫu đàm phán cũng không thể giữ được một nửa giang sơn vàng ngọc. Chúng ta chỉ có thể bài binh bố trận, thành hay bại là bởi ý Trời”. Một mặt Tưởng Giới Thạch bài binh bố trận dọc theo dòng sông Trường Giang, quyết một phen sống mái với Đảng cộng sản. Mặt khác ông gấp rút hoạch định con đường thoái lui cho Quốc dân Đảng. 

Lúc này, một vị cao nhân thần bí đã xuất hiện và chỉ cho Tưởng Giới Thạch một con đường: “Rút lui về phía Nam, lui binh và trấn thủ hòn đảo hoang Đài Loan”. Sự xuất hiện của vị cao nhân này đã thay đổi vận mệnh của Quốc dân Đảng. Ông cũng thay đổi cả lịch sử của Trung Quốc. Vị cao nhân đó chính là Trương Kỳ Quân.

Đầu năm 1949, sau 3 đại chiến dịch Lưu Thẩm, Bình Tân, Hoài Hải, quân sĩ có khả năng chiến đấu trong quân đội của Quốc dân Đảng đã bị tiêu diệt quá phân nửa. Sự thống trị của Quốc dân Đảng tại Đại lục cũng phải đối mặt với việc bị lật đổ triệt để. Quốc dân Đảng sẽ đi đâu về đâu? Điều này khiến Tưởng Giới Thạch trằn trọc cả đêm không sao chợp mắt. Những nhân vật quan trọng tìm tới thuyết giảng đều bị Tưởng Giới Thạch lắc đầu từ chối.

Một hôm, trong phủ Tổng thống Tưởng Giới Thạch lại thức trắng đêm. Tới tận khi rạng sáng, ông cũng không nghĩ ra kế sách nào hay. Khi trời tờ mờ sáng, ông muốn ra ngoài hít thở không khí buổi sớm thì đột nhiên phát hiện ra Trương Kỳ Quân, người được ông mời tới vẫn đang đứng trong sân. Tưởng Giới Thạch phấp phỏng bước về phía trước và nói ra nỗi khổ trong tâm của mình. Lúc này Trương Kỳ Quân cũng đang ở trong phủ Tổng thống, đương nhiên cũng hiểu rất rõ điều này. Ông điềm tĩnh gật đầu, sau đó nói rằng: “Thượng thượng sách là rút về trấn thủ Đài Loan!” Tưởng Giới Thạch nghe xong trong lòng vô cùng chấn động. 

Địa thế đắc địa của Đài Loan… 

Trương Kỳ Quân lập tức được Tưởng Giới Thạch mời vào mật thất để nói chuyện cặn kẽ hơn. Trương Kỳ Quân cho rằng: “Dùng địa thế hiểm trở của Trường Giang để chia đôi thiên hạ, ấy chỉ là chủ trương theo nguyện vọng của Quốc dân Đảng. Đảng Cộng sản thế đang như chẻ tre, tuyệt đối sẽ không cam tâm với điều này. Ngài muốn lui về trấn thủ Tây Nam, Hải Nam cũng chỉ là lối nghĩ không thực tế. Duy chỉ có Đài Loan mới có thể trở thành nơi phù trợ cuối cùng cho Quốc dân Đảng.

Đài Loan là mảnh đất quý có phong thủy tốt, ngăn cách với đại lục bởi một eo biển. Dựa vào địa thế hiểm trở tự nhiên của eo biển, thoái lui thì có thể trấn thủy, tiến lên thì có thể phản công. Dựa vào lực lượng hải quân và không quân của Quốc dân Đảng hoàn toàn có thể chống lại Đảng Cộng sản lúc này đang không có hải quân và không quân. Tối thiểu thì cũng có thể tranh thủ được thời gian hòa hoãn, tích lũy lực lượng, đợi tình hình quốc tế có những biến đổi thuận lợi cho mình, rồi mới tiếp tục “phản công Đại lục”.

Trương Kỳ Quân thấy Tưởng Giới Thạch nghe rất nhập tâm bèn tiếp tục nói kỹ hơn về phương án lui về phía Nam: “Quốc dân Đảng hiện nay chỉ có 3 nơi có thể rút lui và trấn thủ là Tây Nam, Hải Nam và Đài Loan. Trong 3 vùng này thì đất Thục là phía Tây Nam của khu trung tâm, về mặt địa lý quân sự thì dễ trấn thủ mà khó tiến công. Phía Bắc có Thái Lĩnh. Phía Đông có Tam Hiệp, Trường Giang. Phía Nam có dãy núi Hoành Đoạn, địa thế hung hiểm, chướng ngại rất nhiều. Đây lại là mảnh đất lành kháng chiến, tự bản thân nó đã là một nơi tốt để dừng chân”. 

Ông tiếp lời: “Sau khi Quảng Châu thất thủ, chính quyền đương thời sẽ di dời toàn bộ cơ cấu trung khu tới Trùng Khánh và Thành Đô. Nhưng điểm thiếu sót lớn nhất của mảnh đất này là có liên hệ mật thiết với nội địa. Nó không có địa thế nguy hiểm và chướng ngại tự nhiên không thể vượt qua, nên khó có thể khiến lòng người yên tâm. Ngoài ra, sự không quyết đoán trong vũ trang của vùng đất này cũng không thể khiến lòng người an định. Đảo Hải Nam cũng tồn tại tình huống tương tự như vậy. Mặc dù có eo biển Quỳnh Châu, nhưng so với eo biển Đài Loan thì eo biển Quỳnh Châu khó có thể tiến hành vũ trang gây trở ngại với Đảng cộng sản đang ngày càng hùng hậu”. 

Sau một hồi so sánh Trương Kỳ Quân cho rằng Đài Loan là nơi bảo vệ cuối cùng cho Quốc Dân Đảng.

Tưởng Giới Thạch không cam tâm… 

Trước đó, Tưởng Giới Thạch vẫn lúng túng không biết nên làm thế nào. Trong thâm tâm ông vẫn luôn không cam tâm rời khỏi Đại lục. Bởi vì rời xa Đại lục cũng đồng nghĩa với việc Tưởng Giới Thạch đã thất bại triệt để trước Đảng Cộng sản. Ông sẽ phải dâng giang sơn tươi đẹp này cho đối phương, nên dẫu thế nào ông cũng không đành lòng.

Đa số các tướng tham mưu dưới trướng ông cũng chỉ dựa vào kinh nghiệm theo thói quen mà chủ trương thoái lui về phía Đại Tây Bắc (gồm 5 tỉnh thành) hoặc Đại Tây Nam (gồm 6 đại khu hành chính). Điều này căn cứ theo kinh nghiệm trong thời kỳ kháng chiến chống Nhật. Khi thủ đô Nam Kinh bị quân Nhật tấn công, Quốc dân Đảng đã tới Trùng Khánh, khu Tây Nam làm căn cứ địa kháng chiến chống Nhật. Cuối cùng Quốc dân Đảng đã đánh đuổi được quân Nhật và giành được thắng lợi.

Ngày nay, họ cũng muốn tận dụng ưu thế địa lý hiểm trở phía Tây cao, phía Đông thấp làm ưu thế cố thủ. Từ đây họ cũng có thể đột kích ngầm Trung Nguyên. Điểm này cũng được Tưởng Giới Thạch rất mực tán đồng. Cho nên ông vẫn luôn là người ủng hộ cho việc rút về Xuyên Khương ở phía Tây, tức “Thuyết lui về phía Tây”. Nhưng “Thuyết lui về phía Đông” khác biệt của Trương Kỳ Quân đã khiến Tưởng Giới Thạch xúc động sâu sắc. 

Những ưu thế không thể sánh được của mảnh đất Đài Loan…

Trương Kỳ Quân kiên quyết cho rằng rút quân về Xuyên Khương ở phía Tây không thỏa đáng. Ông tiếp tục giải thích cặn kẽ để thuyết phục Tưởng Giới Thạch rút quân về phía Đông, tức Đài Loan. Eo biển Đài Loan biển rộng sóng cao. Nó có thể tạm thời ngăn trở quân của Đảng Cộng sản thừa thắng xông lên. Tiếp đó, Đài Loan là “căn cứ địa phục hưng, phản công cứu quốc”, có ưu thế mà những khu vực khác không thể sánh được. 

Đài Loan nằm ở khu vực Đông Nam của Trung Quốc, tại đường hồi quy phía Bắc xuyên qua đảo Đài Loan. Khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt nơi đây thích hợp với sự sinh trưởng của động thực vật. Nơi đây lại có sản vật phong phú. Khả năng tận dụng đất đai trên toàn bộ hòn đảo khá cao. Thực vật rậm rạp, nông sản, lương thực về cơ bản đều có thể đáp ứng nhu cầu của quân và dân.

Giao thông Đài Loan khá thuận tiện. Nền công nghiệp lại có cơ sở được lưu lại từ thời quân Nhật chiếm cứ. Nếu giỏi kinh doanh thì kinh tế sẽ phát triển mạnh như vũ bão. 

Về mặt quân sự, đảo Đài Loan ngăn cách với Đại lục bởi eo biển, rất dễ phòng thủ. Hơn nữa Đài Loan nằm cạnh Thái Bình Dương, có thể khống chế đường biển ở Thái Bình Dương. Hòn đảo này còn có thể liên kết với đường phòng thủ Viễn Đông của Mỹ. Đây là một vị trí chiến lược vô cùng quan trọng. Mỹ ắt hẳn sẽ không thể nào không để mắt, bận tâm. Nếu được Mỹ viện trợ thì phòng thủ của Đài Loan sẽ như hổ thêm cánh vậy.

Cư dân Đài Loan sống đã cả nửa thế kỷ dưới sự thống trị, xâm lược của quân Nhật. Nếu Quốc dân Đảng rút quân về đây thì người dân sẽ có cảm giác như được sà vào lòng tổ quốc, có cảm giác như trở về nhà. Tưởng Giới Thạch có thể tận dụng tâm lý này để ổn định lại trật tự xã hội.

Đảo Đài Loan trường kỳ ngăn cách với Đại lục. Tổ chức và người của Đảng Cộng sản hoạt động khá ít, không thể trà trộn vào được, lại trải qua cuộc chỉnh đốn trong sự kiện “28/2” năm 1947 nên can nhiễu lại càng ít hơn.

Tương lai sau này dù cho xã hội có chút biến động thì chính phủ cũng dễ dàng khắc chế những nhân tố bất ổn nhằm ổn định xã hội. Bởi lẽ đảo Đài Loan có trạng thái phong bế, tứ phía đều trông ra biển. Hệ thống đường sắt, đường bộ vô cùng thuận tiện. Khu vực nông thôn cũng đã phát triển.

Trương Kỳ Quân phân tích theo tình hình thực tế, hợp đạo lý, có căn cứ và tính logic chặt chẽ khiến Tưởng Giới Thạch đành phải bái phục. Sau này ông lại nói chuyện sâu hơn với Trương Kỳ Quân vài lần. Cuối cùng Tưởng Giới Thạch cũng đã quyết định buông bỏ Đại lục, tiến về Đài Loan. 

Tưởng Giới Thạch từng nói: “Trương Kỳ Quân là một nhân tài hiếm có. Tôi đã không nhìn lầm ông ấy. Chỉ cần ông ấy đề xuất thì tôi sẽ không phản đối”.

Tưởng Giới Thạch rút về Đài Loan, đặt định lại cơ sở kinh tế, bảo tồn văn hóa truyền thống

Quả nhiên sau này quân Đảng cộng sản công kích ngày càng mạnh mẽ. Tưởng Giới Thạch và chính quyền Quốc dân Đảng đã áp dụng đề xuất của Trương Kỳ Quân, vượt biển chuyển về Đài Loan. Đồng thời Tưởng Giới Thạch ra lệnh di chuyển 774 thùng vàng tồn kho trong quốc khố ngầm của ngân hàng Trung ương và ngân hàng Trung Quốc. Số vàng này được đưa tới hải quan tại cửa khẩu sông Hoàng Phố tại thị trấn Bạc Vu và vận chuyển lén qua tàu tuần tra mang số hiệu “Hải Tinh”.

Ngay trong tháng đó, tàu “Hải Tinh” và tàu “Mỹ Thịnh”, “Mỹ Bằng” của hải quân lại vận chuyển thêm gần 600.000 lạng vàng và 1 nghìn thùng đồng tiền bằng bạc (mỗi thùng khoảng 400 đồng) đã cập cảng Đài Loan trước. Điều này đã gây dựng nền tảng kinh tế vững mạnh cho Quốc dân Đảng tại Đài Loan. 

Ngoài ra vì muốn lưu lại cái nôi văn hóa truyền thống giúp nhân tâm hướng thiện, biết kính sợ Thần linh, Tưởng Giới Thạch còn âm thầm vận chuyển rất nhiều cổ vật và những bức tranh quý được lưu truyền qua các thời đại sang Đài Loan. Ngày nay chúng ta có thể thưởng lãm những bảo vật đó trong viện bảo tàng Cố Cung lộng lẫy. Tưởng Giới Thạch cũng là người có công gìn giữ chữ Hán chính thể, cội nguồn văn hóa lâu đời của dân tộc Trung Hoa trên mảnh đất này.

Trong khi đó, sau khi lên cầm quyền ở Đại lục, Đảng cộng sản đã ráo riết cải tổ chữ truyền thống thành thể chữ Hán giản thể và tiến hành cải tổ tư tưởng triệt để thông qua Đại cách mạng văn hóa. Điều này đã dần dần chặt đứt mối liên hệ của con dân Trung Hoa với sử sách, với văn hóa truyền thống và những lời truyền dạy của tổ tiên xuất phát từ nguồn gốc văn hóa của chính mình. 

Khi Tưởng Giới Thạch rút về trấn thủ lại Đài Loan, Trương Kỳ Quân cũng theo ông tới hòn đảo này và trở thành đại tướng, tham mưu tâm phúc của Tưởng Giới Thạch. Năm 1962, Trương Kỳ Quân rời chốn quan trường. Ông sáng lập nên trường đại học nổi tiếng gần núi Dương Minh Sơn: “Trường đại học văn hóa Trung Quốc”. Ông trở thành “cha đẻ của nền văn hóa” Đài Loan.

Ngày nay chúng ta có thể thấy một Đài Loan giàu có, trù phú mà vẫn thấm nhuần nét văn hóa truyền thống của dân tộc. Người dân nơi đây có thể được tự do theo đuổi tín ngưỡng của mình và phát triển tiềm năng của bản thân.

RELATED ARTICLES

Tin mới