Suốt mấy thập niên khi thế giới còn tồn tại hai phe xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa, một câu hỏi đặt ra hầu như không có lời đáp: Ai thắng ai? Sau khi Liên Xô và hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu sụp đổ vào đầu thập niên 90 thế kỷ XX, câu hỏi này bỗn dưng biến mất (!).
Gần đây xuất hiện câu hỏi mới, câu hỏi giữa Mỹ và Trung Quốc, thật ra vẫn là câu hỏi từ hai “phe”: Ai đe dọa ai?
Một dẫn chứng nóng hổi. Mới đây trong một cuộc họp báo tại Bắc Kinh, ông Uông Văn Bân – phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc- tuyên chiến:Mỹ hãy từ bỏ tư duy kiểu Chiến tranh lạnh lỗi thời! Mỹ phải ngừng ngay giọng lưỡi bỉ ổi, gọi Trung Quốc là “mối đe dọa” !
Lời buộc tội này ông Uông nói sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thăm Ấn Độ hôm 27/10.Trong các chủ đề được thảo luận, ông Pompeo chẳng ngại ngần gì giới cầm quyền Bắc Kinh khi nói trắng phớ rằng:“Thế giới ngày nay phải đối mặt với các mối đe dọa từ Trung Quốc. Mối đe dọa ấy chủ yếu đối với an ninh, tự do và sự ổn định trong toàn khu vực”.
Dịp này các quan chức Ngoại giao và Quốc phòng Ấn Độ – Hoa Kỳ cũng quyết định mở rộng các hoạt động nâng cao năng lực chung với các nước đối tác ở Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương; tích cực tham gia các cuộc diễn tập gìn giữ hòa bình đa phương.
Theo Tạp chí Newsweek, ông Uông Văn Bân đã lập tức đáp trả: “Chúng tôi luôn cho rằng quan hệ song phương giữa các quốc gia phải có lợi cho hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực. Mối quan hệ đó không được làm suy yếu các quyền cùng lợi ích hợp pháp của bất kỳ bên thứ ba nào. Thế nhưng Mỹ liên tục đưa ra những lời cáo buộc vô căn cứ thể hiện tư duy chủ quan ý thức hệ. Bắc Kinh yêu cầu Washington từ bỏ ngay những hành động làm mất đoàn kết giữa Trung Quốc với các quốc gia chung quanh, gây tổn hại đến hòa bình, ổn định khu vực”.
Thật ra, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo không phải vô cớ mà chụp mũ Trung Quốc như thế. Theo một khảo sát gần đây của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), đa số người dân Mỹ cho rằng Trung Quốc do tham vọng bành trướng, muốn độc chiếm Biển Đông nên đã trở thành mối đe dọa lớn nhất đối với Mỹ và thế giới.
Từ chỗ xác định rõ cái “tử huyệt” này, CSIS tiến hành thăm dò ý kiến công chúng Mỹ, cùng các nhà lãnh đạo tư tưởng của Mỹ, cũng như các đồng minh và đối tác. Các vấn đề “xin ý kiến” tập trung vào các lĩnh vực mà các bên liên quan sẵn sàng cạnh tranh chiến lược, hoặc có thể hợp tác với Trung Quốc.
Qua khảo sát 1000 người dân Mỹ và 440 chuyên gia nổi lên những vấn đề đáng chú ý: 54% người Mỹ xem Trung Quốc là quốc gia đặt ra thách thức lớn nhất đối với Hoa Kỳ. (Nga đứng thứ hai, với tỷ lệ 22%). Có tới 84% chuyên gia được khảo sát ở châu Á và châu Âu nghĩ rằng Mỹ sẽ chiếm ưu thế trong một cuộc xung đột vũ trang với Trung Quốc ở Tây Thái Bình Dương.
Tuy tin tưởng quân đội Mỹ sẽ chiến thắng Trung Quốc nếu xảy ra xung đột vũ trang, nhưng hầu hết các chuyên gia đều cho rằng, ít có nguy cơ xảy ra xung đột.
Vậy cách tốt nhất để chống lại mối đe dọa đến từ Trung Quốc là gì? Có tới 4/5 các chuyên gia Mỹ, 3/4 chuyên gia nước ngoài và 45% công chúng Mỹ cho rằng, cần phải tăng cường hợp tác với các quốc gia cùng chí hướng. Đó là cách tiếp cận tốt nhất. Trong khi đó Tổng thống Mỹ Donald Trump không tin tưởng vào chủ nghĩa đa phương. Ông ta ưu tiên cho các chính sách “Nước Mỹ là trên hết”. Đây cũng là điều khiến cho Trump bị mất điểm trong chiến dịch tranh cử vừa qua.
Chống lại mối đe dọa đến từ Trung Quốc là việc lâu dài, không phải là việc của 5 năm hay 10 năm. Nói cụ thể vào vấn đề Biển Đông, sự xâu xé tấm bánh khổng lồ này không chỉ có các quốc gia trong vùng tranh chấp mà trở thành sự thèm khát của các thế lực lớn, trong đó bộc lộ tham vọng rõ nhất là Trung Quốc.
Ông Jude Blanchette, trưởng nhóm nghiên cứu về Trung Quốc của CSIS khẳng định: “Chúng ta đã và đang chứng kiến một sự cạnh tranh lâu dài, chứ không phải chỉ là điều thay đổi quan điểm trong giới lãnh đạo chính quyền ở Hoa Kỳ hay Trung Quốc”.
Ai đe dọa ai sẽ là câu hỏi lâu dài, một khi luật pháp quốc tế không thể bao quát hết được hết thảy các xung đột lợi ích trên biển. Luật pháp quốc tế chỉ được thực thi khi “luật rừng” bị đuổi ra khỏi các chính sách ngoại giao, các cuộc đàm phán, tranh luận.
Ông chủ của “Đường lưỡi bò” trên Biển Đông cho đến nay vẫn bám víu vào thứ “luật rừng” như thế.