Sunday, January 12, 2025
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiĐiện mặt trời lấy đất rừng: Bài học thủy điện nhỏ

Điện mặt trời lấy đất rừng: Bài học thủy điện nhỏ

Năng lượng tái tạo sẽ không còn ý nghĩa khi tác động thiên nhiên, lấy đất rừng, nhất là bài học về thủy điện nhỏ ở Miền Trung.

Bình Định tiếp tục xin chuyển gần 127ha đất rừng để làm 2 nhà máy điện mặt trời hơn 5.000 tỷ (Ảnh minh họa).

Tại sao lại phát rừng làm điện mặt trời?

Điện mặt trời đang được hưởng ưu tiên đầu tư phát triển ở Việt Nam để thay thế nguồn năng lượng truyền thống. Nhưng hàng loạt dự án điện mặt trời trong thời gian gần đi đã lấy đi phần lớn đất rừng.

Hiện UBND tỉnh Bình Định đang có tờ trình đề nghị Bộ NN&PTNT xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng 126,8ha rừng để triển khai xây dựng nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ 1 và Phù Mỹ 2.

Trước đó vào tháng 5/2020, UBND tỉnh Quảng Bình cũng đã chuyển đổi mục đích sử dụng hơn 75ha đất rừng Công ty TNHH Năng lượng xanh Dohwa thuê đất thực hiện dự án điện mặt trời 49,5 MWp.

Tại Phú Yên, tỉnh này cũng “hy sinh” 50 ha rừng sản xuất để triển khai dự án Nhà máy Điện mặt trời Xuân Thọ (thị xã Sông Cầu) công suất hơn 350 MW với tổng diện tích đất được sử dụng là 120 ha.

Trước vấn đề này, ngày 26/10/2020, ông Trần Đình Sính – Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) đã bày tỏ sự lo ngại với Đất Việt, nếu làm điện mặt trời mà lấy đi đất rừng là không nên.

“Khi chúng ta tác động tới thiên nhiên thì thiên nhiên cũng tác động ngược lại mà bài học thủy điện vừa và nhỏ lấy đất rừng ở khu vực Miền Trung, Tây Nguyên làm ảnh hưởng tới tình trạng lũ lụt là bài học đắt giá” – ông Sính cho hay.

Vị chuyên gia cho biết, Việt Nam có nhiều khu đất có thể phát triển dự án điện mặt trời. Đơn cử như nhiều khu đất còn đang bỏ trống ở Ninh Thuận, Bình Thuận mà không có cây rừng nhưng lại có độ nắng tương đối ổn định, đảm bảo cho việc phát triển năng lượng tái tạo.

Không hiểu sao nhiều doanh nghiệp vẫn bỏ qua những vùng đất đó để lấy đất rừng phát triển dự án điện mặt trời?

Trước đây, vấn đề thủy điện vừa và nhỏ đã khiến nhiều người đặt ra nghi ngại doanh nghiệp lấy cớ làm dự án phát triển năng lượng để phá rừng, lấy gỗ. Ông Sính cho rằng, người dân cũng có quyền nghi ngờ như vậy đối với những dự án điện mặt trời lấy đất rừng.

Theo Phó Giám đốc Trung Tâm GreenID, ngoài các vùng đất trống thuận lợi làm dự án điện mặt trời thì các doanh nghiệp hoàn toàn có thể tận dụng khoảng không gian từ các hồ thủy điện để lắp đặt những dàn tích tụ năng lượng để phát ra điện.

“Về lý thuyết thì các cỗ máy sinh ra điện từ năng lượng mặt trời không cần độ nắng quá nhiều. Trong khi đó, nếu lắp các cỗ máy này tại những hồ chứa nước ở thủy điện là điều hoàn toàn thích hợp. Hơn nữa, việc lắp đàn dàn máy phát điện nhờ năng lượng mặt trời còn làm cho nước ở các hồ chứa bị bốc hơi ít hơn, như thế vừa sản sinh thêm điện lại vừa giữ được lượng lớn nước tích trong hồ.

Hiện nay, chúng ta có hơn 280km2 hồ thủy điện, diện tích này còn gấp mấy lần các dự án điện mặt trời lấy đất rừng đang được làm ở nước ta. Tại sao họ lại không tính tới lợi ích này?” – ông Sính đặt ra câu hỏi.

Ngoài ra, ông Sính cho rằng, những dự án điện mặt trời còn có thể kết hợp rất tốt để phát triển thêm các cây nông nghiệp ở phía dưới.

“Thông thường, các cỗ máy điện mặt trời ở cách mặt đất nhiều mét. Bên dưới đất trống chúng ta hoàn toàn có thể nghiên cứu trồng các cây nông nghiệp không cần nhiều ánh sáng. Như thế sẽ tận dụng được cả đôi đường” – ông Sinh cho hay.

Cần có thêm tiêu chí đánh giá dự án mới

Liên quan đến vấn đề này, ông Hà Đăng Sơn – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh (Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), cho rằng cần hết sức thận trọng với dự án điện mặt trời lấy đất rừng vì không phù hợp với quan điểm phát triển bền vững.

“Với các dự án điện gió, mặt trời, việc lựa chọn địa điểm thường linh hoạt hơn so với các nguồn tập trung truyền thống, nên việc xem xét các yếu tố về bền vững môi trường và xã hội lại càng cần phải quan tâm trong quá trình nghiên cứu lựa chọn địa điểm, phê duyệt.

Theo tôi, chỉ nên ưu tiên tận dụng các nguồn đất cằn, đồi trọc không có hiệu quả cho hoạt động sản xuất nông – lâm nghiệp hoặc sinh kế” – ông Sơn kiến nghị.

Ông Hà Đăng Sơn cũng nêu thêm thực tế gần đây, dưới áp lực của việc rút ngắn thời gian thẩm định, phê duyệt bổ sung quy hoạch và với việc chuyển giao chức năng phê duyệt từ Bộ Công Thương lên Thủ tướng theo quy định ở Luật Quy hoạch, quá trình thẩm định kỹ thuật thường dựa nhiều vào các tính toán và cam kết của chủ dự án cũng như căn cứ theo phương án chuyển đổi mục đích sử dụng đất do địa phương đề xuất. Trong khi đó, năng lực thẩm định kỹ thuật của địa phương còn hạn chế.

“Cần có quy định và tiêu chí mới trong việc thẩm định để có thể áp dụng đồng bộ từ trung ương tới địa phương, giúp lựa chọn các dự án năng lượng tái tạo thực sự bền vững.

Trong đó, bổ sung tiêu chí đánh giá tính bền vững môi trường – xã hội phù hợp với các tiêu chuẩn của IFC. Ngoài ra, cần quy định rõ hơn về trách nhiệm của địa phương trong việc bảo đảm quy hoạch sử dụng đất và không gian biển tuân thủ các tiêu chuẩn bền vững” – ông Sơn góp ý.

RELATED ARTICLES

Tin mới