Saturday, December 21, 2024
Trang chủThâm cung bí sửSố phận bi tráng của con trai Stalin

Số phận bi tráng của con trai Stalin

Nhà lãnh đạo tối cao của Liên Xô Joseph Stalin phải đối mặt với một trong những tình huống khó khăn nhất trong cuộc đời ông – con trai rơi vào tay quân Đức.

Yakov Dzhugashvili trong cuộc thẩm vấn sau khi bị bắt.

Theo tư liệu của Russia Beyond (RBTH), lãnh tụ Liên Xô Joseph Stalin đối xử với người con trai đầu của mình như đối với bất kì người lính Liên Xô nào khác. Khi ra trận, Yakov Dzhugashvili đã không có công việc bình thường tại Bộ Chỉ huy mà được phân công ngay ra tiền tuyến.

“Tôi xấu hổ với mình trước cả với cha tôi khi bản thân còn sống,” Yakov Dzhugashvili – con trai của Joseph Stalin nói trong buổi tra khảo của quân Đức.

Mối quan hệ cha con phức tạp

Yakov Dzhugashvili là con trai của Stalin từ cuộc hôn nhân đầu tiên với bà Ekaterine (Kato) Svanidze. Bà Kato đã mất ngay sau khi sinh con và người cha Stalin dành cả cuộc đời để đấu tranh cách mạng nên ông Yakov được một người cô nuôi dưỡng.

Năm 1921, Yakov Dzhugashvili (14 tuổi) đã chuyển từ Geogia tới Moscow. Tại nơi đây, ông gặp cha mình lần đầu tiên. Mối quan hệ giữa hai người về cơ bản là chưa biết gì về nhau.

Theo tư liệu của RBTH, việc ông Stalin kiên quyết phản đối cuộc hôn nhân đầu tiên của Yakov đã gây xích mích lớn giữa hai cha con. Sau cái chết của đứa con gái sơ sinh, ông Yakov càng thêm tuyệt vọng. Ông đã cố tự tử nhưng không thành công và được các bác sĩ của Điện Kremlin cứu chữa.

Không phải lúc nào ông Yakov cũng đi ngược lại ý kiến của cha mình. Là một kĩ sư tuabin chuyên nghiệp, theo sự khuyên nhủ của cha mình, ông Yakov đã ghi tên vào Học viện Pháo binh Hồng quân. Vào tháng 5/1941, một tháng trước khi Đức tiến vào Liên Xô, Thượng úy Yakov Dzhugashvili được bổ nhiệm chỉ huy một khẩu đội pháo binh.

Bị bắt

Khi chiến tranh bắt đầu, nhà lãnh đạo Liên Xô đã không bảo vệ con trai mình khỏi cuộc chiến. Người con trai đã ra tiền tuyến với tư cách là Chỉ huy Hồng quân với lời chia tay giản dị của cha mình: “Hãy đi và chiến đấu”.

Tuy nhiên, ông Yakov đã không chiến đấu được lâu. Đầu tháng 7/1941, các đơn vị thuộc Tập đoàn quân 20 của ông đã chịu đầu hàng tại Belarus. Và vào ngày 16/7, trong một nỗ lực thoát ra ngoài để tiếp cận phe mình, Thượng úy Dzhugashvili đã bị bắt.

Quân Đức nhanh chóng nhận ra trong tay họ đang có ai. Đức Quốc Xã không có ý định hành quyết công khai con trai của Stalin. Ngược lại, họ muốn là lôi kéo Dzhugashvili về phe của họ, sử dụng ông trong các chiến dịch tuyên truyền và chơi trò “Stalin nhỏ” chống lại “Stalin lớn”, RBTH ghi lại.

Yakov được đối xử lịch sự. Tại các cuộc thẩm vấn, người Đức không chỉ hỏi về các vấn đề quân sự mà còn hỏi về quan điểm chính trị của ông. Họ tranh luận về phương pháp điều hành nhà nước của người lãnh đạo Stalin, chỉ ra những sai lầm của người cha và nhấn mạnh những khuyết điểm trong hệ tư tưởng của chủ nghĩa Bolshevik. Tuy nhiên, nỗ lực của họ đã không đạt được kết quả gì, Dzhugashvili vẫn từ chối hợp tác với quân Đức theo bất cứ hình thức gì.

Cùng lúc đó, bộ máy truyền thông của Đức Quốc Xã đã khiến toàn bộ Liên Xô biết đến việc con trai của người toàn quyền Stalin đang bị bắt giữ. Mặc dù Dzhugashvili đặc biệt nhấn mạnh trong các cuộc thẩm vấn rằng việc ông bị bắt làm tù binh là trái với ý muốn, người Đức vẫn nói việc đầu hàng của ông là hoàn toàn tự nguyện. Ban đầu, bản thân Stalin cũng đã tin vào tin tức này.

Đổi Thống chế lấy một người lính

Sau khi biết được hoàn cảnh thực sự của con trai, Stalin mới thay đổi quan điểm về Yakov và không còn coi con trai mình là kẻ phản bội hèn nhát.

Các hành động để giải cứu Dzhugashvili đã được đưa ra nhưng không thành công.

Sau trận chiến Stalingrad, quân Đức đã sử dụng nhà ngoại giao Thụy Điển Bá tước Folke Bernadotte và Hội Chữ thập Đỏ làm trung gian đề đề nghị Stalin đổi Thống chế người Đức Friedrich Paulus và vài chục sĩ quan cấp cao của Quân đoàn 6 đang bị Liên Xô giam giữ để lấy con trai. Hitler đã hứa với người dân Đức sẽ đưa những binh sĩ này về nhà.

Ngày nay, việc Stalin nghĩ gì về cuộc trao đổi này vẫn chỉ là những suy đoán. Hầu hết, mọi người Liên Xô đều tin rằng người lãnh đạo của họ đáp lại đề nghị của Đức một cách hết sức quyết liệt: “Tôi sẽ không đổi một thống chế để lấy một người lính.” Tuy nhiên, không có tài liệu nào xác nhận rằng ông Stalin thực sự nói ra câu này.

Con gái lãnh tụ Stalin, bà Svetlana Alliluyeva kể lại rằng, một thời gian ngắn sau sự kiện này, vào mùa đông 1943-44, người cha bà, trong một cơn tức giận, đã nhắc đến thỏa thuận: “Người Đức đề nghị đổi Yasha để lấy một số người của họ… Mặc cả ư? Không, chiến tranh là chiến tranh.”

Nguyên soái Zhukov đã viết trong cuốn Memories and Thoughts (Hồi ức và Suy nghĩ) rằng, trong một lần đi dạo, ông đã hỏi lãnh tụ Stalin về người con trai lớn. Ông trầm ngâm trả lời: “Yakov sẽ không thoát ra khỏi nơi bị giam cầm. Phát xít sẽ bắn con tôi…”, ông nói thêm: “Không, Yakov thà chết còn hơn phản bội tổ quốc.”

Đúng như vậy, Dzhugashvili vẫn tiếp tục bất chấp và người Đức đã nhanh chóng đối xử với ông cực kì khắc nghiệt. Cuối cùng, không thể khai thác ông cho mục đích tuyên truyền hoặc để làm một tù nhân hoán đổi, họ đã hết hứng thú và kiên nhẫn với ông.

Ngày 14/4/1943, Yakov đã quăng mình vào hàng rào kẽm gai điện trong trại tập trung Sachsenhausen và ngay lập tức bị một lính canh bắn chết. Ông muốn tự tử hay cố gắng trốn thoát, hay liệu cái chết của ông đã được người Đức sắp đặt, vẫn là một bí ẩn cho đến ngày nay.

RELATED ARTICLES

Tin mới