Tỷ phú Việt vẫn chủ yếu phát triển dựa vào khai thác tài nguyên và lợi thế kinh tế trong nước để phát triển.
Tỷ phú Việt chủ yếu vẫn dựa vào đất. Ảnh minh họa
Theo cập nhật mới nhất từ Tạp chí Forbes (Mỹ), số tỷ phú của Việt Nam cũng tăng từ 4 lên 6 người tại thời điểm gần nhất, cùng với đó, tài sản của các tỷ phú Việt cũng tăng thêm 1,7 tỷ USD so với số được Forbes công bố đầu năm. Bình luận về hiện tượng trên, TS Đinh Thế Hiển cho rằng không có gì khó hiểu.
Lý giải về việc tài sản của các tỷ phú Việt tăng lên hàng tỷ USD trong bối cảnh dịch bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng, sâu rộng tới hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế trong nước cũng như các nền kinh tế trên thế giới, vị chuyên gia cho hay đó là nhờ vào sự tăng trưởng từ thị trường chứng khoán. Do giá cổ phiếu của các tỷ phú này trên thị trường chứng khoán tăng thì tài sản của họ sẽ tăng lên. Xu hướng tăng – giảm của thị trường chứng khoán là rất bình thường và luôn biến động không ngừng, vì vậy, ở thời điểm thống kê có thể tài sản của họ tăng lên nhanh nhưng cũng có thể sẽ bị giảm xuống ngay sau khi thống kê chỉ vài giờ.
“Còn hỏi vì sao kinh tế khó khăn mà cổ phiếu của các tỷ phú Việt vẫn tăng thì phải phân tích cụ thể hơn những lĩnh vực kinh doanh, ngành nghề kinh doanh của từng tỷ phú, trong từng giai đoạn cụ thể mới nhận định được.
Ví dụ, trong giai đoạn dịch bệnh, hầu hết mọi hoạt động của nền kinh tế đều bị trững lại, đặc biệt là lĩnh vực BĐS còn trên đà suy thoái, gặp rất nhiều khó khăn. Các sàn giao dịch BĐS gần như “bất động”, doanh nghiệp không bán được hàng, trong khi các ngân hàng cũng đau đầu xoay trở với nợ xấu; lĩnh vực xây dựng, hàng không cũng lâm cảnh tương tự. Một số ít ngành hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ, sản xuất các mặt hàng nhu yếu phẩm thiết yếu, dịch vụ y tế, công nghệ là trụ vững và phát triển được.
Như vậy, nếu đánh giá chung thì hầu hết các doanh nghiệp đều kinh doanh không hiệu quả, thậm chí còn thua lỗ.
Thế nhưng, trong bối cảnh niềm tin vào ngân hàng, đầu tư BĐS gặp nhiều rủi ro thì chứng khoán lại là kênh đầu tư hấp dẫn hơn cả. Chính điều này có thể đã giúp tài sản trên sàn chứng khoán của các tỷ phú Việt tăng lên và đây cũng là lý do giúp Việt Nam ghi danh thêm hai tỷ phú mới”, TS Đinh Thế Hiển phân tích.
Nhìn nhận về tương lai gần của thị trường cổ phiếu trong nước, vị TS cho rằng không dễ để đưa ra nhận định rõ ràng ở thời điểm này, vì thế, diễn biến tăng – giảm của thị trường chứng khoán trong nước cũng còn khó lường. Do đó, việc tăng thêm số tỷ phú hay giảm đi cũng chỉ là một cách thống kê, chưa phản ánh hết phẩm chất của nhà đầu tư cũng như thể khẳng định niềm tin của các nhà đầu tư tài chính thế giới trước xu thế tăng trưởng của nền kinh tế hiện nay.
Còn nhiều tỷ phú giấu mặt
Nói thêm về tỷ phú Việt, ông Hiển cho hay Việt Nam còn có nhiều tỷ phú giấu mặt, và người giàu nhất Việt Nam chưa chắc đã là người giàu nhất trên thị trường chứng khoán.
“Chỉ cần một người sở hữu được khu đất vàng tại Hà Nội hay TP.HCM thì ngay lập tức đã sở hữu ngay khối tài sản khổng lồ lên tới hàng trăm, thậm chí cả nghìn tỷ.
Và trên thực tế, những người giàu sở hữu đất tại Việt Nam rất nhiều. Ở Việt Nam số lượng những người giàu lên nhờ đất cũng lớn hơn rất nhiều so với những người giàu lên nhờ các hoạt động kinh doanh thương mại.
Chính vì thế, tính bền vững của các tỷ phú Việt Nam cũng không thể so sánh với các tỷ phú thế giới. Ví dụ, những tỷ phú trên thế giới chủ yếu là trong lĩnh vực công nghệ, sản xuất công nghiệp, họ có nền tảng phát triển lâu đời, có tổng doanh thu ổn định, có năng lực quản trị tốt và sở hữu hàm lượng trí tuệ cao. Trong khi, các tỷ phú Việt Nam chủ yếu là kinh doanh lĩnh vực BĐS, phát triển dịch vụ, hạ tầng… tính bền vững không cao, dễ bị tổn thương nếu rơi vào bối cảnh cạnh tranh mới”, ông Hiển nói thêm.
Từ tư duy khác nhau, xuất phát điểm cũng khác nhau, ông Hiển cho biết, tầm nhìn và chiến lược phát triển của các tỷ phú Việt Nam với tỷ phú thế giới cũng khác nhau.
Nhìn từ xu hướng nhà đầu tư nước ngoài đổ vốn mua lại doanh nghiệp Việt cho thấy tầm phát triển cũng như định hướng của tỷ phú trong nước và thế giới la hai tầm nhìn khác biệt.
“Các tỷ phú thế giới có tầm nhìn và chiến lược phát triển phủ rộng toàn cầu, họ kinh doanh, kiếm tiền trên toàn cầu để mang về đóng góp, xây dựng, phát triển quốc gia họ.
Trong khi, tỷ phú Việt Nam làm giàu mới dựa trên “đánh bắt gần bờ”, chủ yếu dựa vào khai thác từ nguồn tài nguyên khoáng sản trong nước và dựa trên tiềm lực phát triển của nền kinh tế trong nước để làm giàu chứ chưa có nhiều tỷ phú tầm thế giới”, ông Hiển cho hay.