Thursday, January 2, 2025
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiĐiểm yếu của hàng Việt trong cuộc chơi FTA

Điểm yếu của hàng Việt trong cuộc chơi FTA

Những điểm yếu cần phải khắc phục để có thể chiếm lợi thế, nâng sức cạnh tranh cho hàng Việt, nhất là trong bối cảnh hội nhập cùng các FTA.

Với việc tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, cơ hội xuất khẩu của hàng hóa Việt Nam là vô cùng lớn với nhiều thị trường rộng mở với mức thuế quan giảm thấp.

Tuy vậy, bên cạnh những lợi ích do các FTA mang lại, các DN Việt cũng đứng trước nhiều thách thức, khi hàng hóa của nhiều quốc gia sẽ tăng nhập khẩu vào Việt Nam nhờ được hưởng ưu đãi thuế quan. Việc Việt Nam mở cửa thị trường cho hàng hóa, dịch vụ đến từ các nước đối tác khiến thị trường trong nước không còn là khái niệm “sân nhà”.

Cùng với đó, tâm lý tiêu dùng của người dân ngày càng muốn sử dụng những sản phẩm chất lượng, mẫu mã đẹp, giá cả cạnh tranh vì thế sẽ tạo thêm nhiều áp lực cho DN Việt. Chính trong lúc này, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” càng trở thành một điểm nhấn quan trọng khẳng định sức mạnh của hàng Việt, đặc biệt là trong các FTA.

Theo bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), trong hơn 10 năm qua và cả những thời điểm khó khăn do dịch bệnh, hàng hóa trong nước vẫn luôn có một vị thế nhất định trong lòng người tiêu dùng Việt Nam, khi mà 88% người tiêu dùng Việt khẳng định họ quan tâm tới cuộc vận động, gần 70% xác nhận họ sẽ ưu tiên mua và sử dụng hàng của DN trong nước sản xuất.

Ở thời điểm hiện tại, hàng Việt được đánh giá rất cao và được các nhà phân phối, bán lẻ ưu tiên trong cơ cấu hàng hóa bày bán trên các quầy, kệ. Tỷ lệ hàng Việt tại các hệ thống phân phối hiện đại được duy trì ở mức cao, cụ thể Co.op mart hàng Việt chiếm 90-93%, Satra chiếm 90-95%,Vinmart 96%, Vissan 95%, Hapro 95%. Tại các kênh phân phối nước ngoài, tỷ lệ hàng Việt cũng chiếm 65-96%…

“Mặc dù vậy vẫn không thể phủ nhận, hàng hóa Việt đa phần vẫn được sản xuất nhỏ lẻ, quy mô hạn chế, chất lượng không đồng đều, bất cập về toàn vệ sinh thực phẩm, giá cả chưa thực sự cạnh tranh, bao bì chưa bắt mắt… Khâu trung gian và lưu thông phân phối chiếm tỷ trọng cao dẫn đến giá thành chưa chiếm lợi thế”, bà Nga thừa nhận.

Cho rằng những điểm nghẽn nói trên cần phải được giải tỏa để có thể nâng sức cạnh tranh cho hàng Việt, nhất là trong bối cảnh hội nhập cùng các FTA, bà Nga chĩ rõ, ngoài việc nâng cao chất lượng sản phẩm, mẫu mã, khẳng định thương hiệu,…việc phân phối sản phẩm như thế nào cũng là một chiến lược cạnh tranh quan trọng, nhằm giữ vững thị trường nội địa hơn 100 triệu dân.

Thông tin từ bà Nga cũng cho thấy, hiện nay nhiều DN Việt đang rất nỗ lực trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh. Nhiều DN đã mở rộng thêm các kênh bán hàng trực tuyến, giúp khách hàng thoải mái chọn mua các sản phẩm của công ty, đa đạng chủng loại hàng hóa. Riêng với lĩnh vực rau quả, các DN đã chú trọng thúc đẩy sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP… cũng như nỗ lực đưa hàng vào các hệ thống phân phối nội địa.

Doanh nghiệp tạo ra sức mạnh cho hàng Việt

Để có thể cạnh tranh với hàng hóa từ EU cũng như các quốc gia khác khi các FTA được thực thi, nhiều ý kiến cho rằng, các DN cần chủ động chuẩn bị năng lực, nguồn hàng, nâng sức cạnh tranh thông qua việc xây dựng kế hoạch dài hạn, bài bản, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh thông qua ứng dụng khoa học và công nghệ…

Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Lê Việt Nga nêu rõ, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục triển khai các chương trình thuộc Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014 – 2020; Các chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo; Các chương trình xúc tiến thương mại trong nước; Các chương trình thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài…

“Tuy nhiên, cùng với hỗ trợ các cơ quan chức năng, trong thời gian tới, các doanh nghiệp cần chủ động chuẩn bị năng lực, nguồn hàng, nâng cao sức cạnh tranh thông qua việc xây dựng kế hoạch dài hạn, bài bản, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh thông qua ứng dụng khoa học và công nghệ, học tập, áp dụng các mô hình thành công đã có để có sự chuẩn bị tốt nhất khi phải đối mặt với áp lực cạnh tranh”, bà Lê Việt Nga cho biết.

Bên cạnh đó, chủ động hợp tác, liên kết để nâng cao sức mạnh, tạo chuỗi cung ứng thông qua thúc đẩy liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và người nông dân, hộ sản xuất, từ đó hoàn thiện chuỗi giá trị từ sản xuất, canh tác, chế biến và phân phối tới người tiêu dùng, nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm, chiếm lĩnh vị thế “sân nhà”.

Theo bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó Trưởng ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, nếu như giai đoạn trước, Cuộc vận động chủ yếu hướng đến người tiêu dùng, thì giai đoạn này sẽ chú trọng hướng đến các DN, làm sao để mỗi DN nhận thức đầy đủ những điều kiện, yêu cầu khi tham gia các FTA.

Quan trọng hơn, các DN Việt Nam cần chủ động trong việc tìm hiểu quy định các FTA để có thể thực hiện tốt và vận dụng vào công việc sản xuất kinh doanh. Hơn lúc nào hết, các DN cần phát huy sức mạnh đoàn kết, cùng nhau phát triển, khắc phục tình trạng cạnh tranh không lành mạnh. Các hiệp hội ngành nghề cũng cần tăng cường kết nối, hỗ trợ các DN Việt, nhằm tăng cường sức mạnh, tăng năng lực sản xuất để có thể đứng vững trong sân chơi lớn.

RELATED ARTICLES

Tin mới