Nhà nghiên cứu chiến lược Brahma Chellaney bình luận trên trang Nikkei Asia rằng, chính sách ngoại giao bẫy nợ của chính quyền Trung Quốc có thể khiến nước này phải trả giá đắt trong dài hạn.
Ở khu vực Đông Nam Á, Lào là nạn nhân mới nhất trong chính sách ngoại giao bẫy nợ Bắc Kinh. Quốc gia nhỏ bé, giàu tài nguyên này đang vật lộn để trả các khoản vay từ Trung Quốc. Lào đã trao cho Bắc Kinh quyền kiểm soát phần lớn hệ thống lưới điện quốc gia vào thời điểm mà khoản nợ của công ty điện lực quốc doanh đã lên tới 26% tổng sản phẩm quốc nội.
Tham vọng của Lào là trở thành nguồn năng lượng của Đông Nam Á bằng cách đầu tư vào phát triển thủy điện và xuất khẩu điện. Vì vậy, họ đã đồng ý cho phép các công ty nhà nước Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trong việc khai thác trữ lượng thủy điện dồi dào của nước này.
Nhưng ngày nay, Bắc Kinh đã kiểm soát hiệu quả lưới điện của Lào, nói rộng ra là nguồn nước của quốc gia Đông Nam Á này. Điều này có thể tác động nghiêm trọng đối với an ninh môi trường và phát triển bền vững ở một quốc gia không giáp biển như Lào. Ngoài ra, việc Trung Quốc xây dựng đập ở thượng nguồn sông Mekong còn góp phần làm mực nước sông cạn kiệt và hạn hán tái diễn ở các vùng hạ lưu.
Trong khi đó, Sri Lanka và Pakistan phải vay các khoản nợ mới từ Trung Quốc để trả các khoản vay cũ. Điều này cho thấy vòng luẩn quẩn mà những nước này đang bị mắc kẹt vào bẫy nợ của Trung Quốc. Cả Sri Lanka và Pakistan đều phải nhượng các tài sản chiến lược cho Bắc Kinh.
Cách đây chưa đầy 3 năm, Sri Lanka ký hợp đồng cho Trung Quốc thuê cảng Hambantota có vị trí chiến lược nhất trong khu vực Ấn Độ Dương, và hơn 6.000 hecta đất xung quanh cảng này với thời hạn 99 năm. Sri Lanka đồng ý cho Trung Quốc thuê cảng, đổi lấy 1,1 tỷ USD để giảm bớt gánh nặng nợ nần sau khi nước này vay tiền của Bắc Kinh để xây dựng cảng. Cây bút Brahma Chellaney ví von, điều này không khác gì việc một nông dân mắc nợ nặng nề phải trao con gái của mình cho người chủ nợ độc ác.
Pakistan đã cho phép Trung Quốc quản lý độc quyền, đi kèm miễn thuế điều hành cảng Gwadar trong 40 năm tới. Cảng này nằm ở vị trí quan trọng trong tuyến thương mại năng lượng toàn cầu. Trung Quốc sẽ bỏ túi 91% doanh thu của cảng.
Cạnh cảng Gwadar, Trung Quốc cũng lên kế hoạch xây dựng một tiền đồn cho lực lượng hải quân như ở Djibouti – nơi Trung Quốc đặt căn cứ quân sự đầu tiên ở nước ngoài.
Tajikistan vay Trung Quốc nhiều khoản từ năm 2006. Sau đó, nước này đã nhượng 1.158 km vuông vùng núi Pamir cho Trung Quốc, rồi cấp cho các công ty Trung Quốc quyền khai thác vàng, bạc và các quặng khoáng sản khác. Gần đây, nước này phải yêu cầu Bắc Kinh giảm nợ.
Kyrgyzstan, nước láng giềng của Tajikistan, tháng trước cũng phải nhờ Bắc Kinh hỗ trợ khi nước này rơi vào hỗn loạn chính trị. Ở châu Phi, một danh sách dài các quốc gia muốn được gia hạn thời gian trả nợ cho Bắc Kinh trong đại dịch viêm phổi Vũ Hán, bao gồm Angola, Cameroon, Congo, Ethiopia, Kenya, Mozambique và Zambia.
Vì sao nhiều nước là ‘con nợ’ của Trung Quốc?
Quyết định gần đây của Sri Lanka trong việc lựa chọn vay từ Trung Quốc thay vì Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã đặt ra một câu hỏi lớn: Điều gì khiến các quốc gia lún sâu hơn vào “bẫy nợ” của Trung Quốc, bất chấp những rủi ro khi thế chấp quyền tự chủ về chính sách đối ngoại cho Bắc Kinh?
Có một vài yếu tố để trả lời câu hỏi trên, trong đó có điều kiện vay nợ khác biệt giữa Trung Quốc và IMF. Các khoản vay của IMF thường đi kèm các điều kiện và giám sát nghiêm ngặt. IMF sẽ không cho vay nếu đánh giá của họ chỉ ra rằng các khoản vay bổ sung có thể đẩy nước này vào một cuộc khủng hoảng nợ nghiêm trọng. Trong khi đó, Trung Quốc không đánh giá mức độ tín nhiệm về khả năng trả nợ của quốc gia đi vay. Thật vậy, Trung Quốc sẵn lòng cho vay cho đến khi các quốc gia đối mặt với khủng hoảng nợ vì Bắc Kinh hưởng lợi từ chính điều này.
Thông thường, Trung Quốc bắt đầu như một đối tác kinh tế của một quốc gia khác, để rồi dần dần trở thành ông chủ kiểm soát kinh tế của họ. Trên thực tế, tình trạng của các quốc gia đi vay càng khó khăn, thì mức lãi suất mà nước đó có thể phải trả cho các khoản vay từ Trung Quốc càng cao. Trung Quốc có “thành tích” khai thác lỗ hổng của các quốc gia nhỏ, có vị trí chiến lược và đang trong cảnh nợ nần lớn. Một ví dụ như vậy là Maldives, nơi Bắc Kinh chuyển đổi các khoản nợ lớn thành ảnh hưởng chính trị, bao gồm cả việc mua lại một vài hòn đảo nhỏ với giá rẻ trong quần đảo Ấn Độ Dương đó.
Không giống như một số quốc gia mắc nợ nặng nề khác, Maldives đã may mắn thoát khỏi bẫy của Trung Quốc. Kể từ khi cuộc bầu cử của Maldives lật đổ tổng thống độc tài của họ cách đây chưa đầy hai năm, Ấn Độ đã đứng ra bảo lãnh bằng sự hỗ trợ ngân sách hào phóng và một gói viện trợ gần đây.
Theo nhà phân tích Brahma Chellaney, Bắc Kinh đã vấp phải phải nhiều chỉ trích và đối mặt với những hệ quả tiêu cực từ chiến lược ngoại giao bẫy nợ.
Sự phản đối ngày càng lớn đối với việc xâm phạm quá mức của Bắc Kinh, cùng với tình trạng tham nhũng và sai sót trong nhiều dự án Vành đai và Con đường, cho thấy chính quyền Trung Quốc có thể đảm bảo các lợi thế ngắn hạn với chi phí cho các mục tiêu dài hạn của mình.
Phản hồi tiêu cực về Trung Quốc đã đạt mức cao lịch sử trong năm nay. Sự mất lòng tin của công chúng đối với Trung Quốc, ngay cả ở các nước đối tác, trong khi nhiều dự án Vành đai và Con đường vẫn không khả thi về mặt tài chính, đã khiến số lượng các dự án mới ngày càng giảm. Về cơ bản, Trung Quốc có khả năng phải trả giá đắt cho chính sách ngoại giao bẫy nợ của mình, trong khi các quốc gia mà họ đã gài bẫy chắc chắn phải gánh chịu hậu quả.