Saturday, November 16, 2024
Trang chủĐiểm tinChủ nghĩa dân tộc dưới thời Tập Cận Bình ngày càng trở...

Chủ nghĩa dân tộc dưới thời Tập Cận Bình ngày càng trở nên quá đà

Với sự thúc đẩy từ chính phủ, đám đông giận dữ trên mạng sẵn sàng tấn công bất kỳ hành vi nào được cho là bất trung đối với đất nước.

Làn sóng chủ nghĩa dân tộc càn quét qua Trung Quốc, được khuếch đại bởi hệ thống tuyên truyền của Đảng, tham vọng chính trị của Tập Cận Bình và sự thành công của Trung Quốc trong việc ngăn chặn COVID-19, đang bước sang một trang đen tối hơn mang âm hưởng thời kỳ Mao Trạch Đông trong quá khứ.

Những đám đông giận dữ trên mạng tấn công bất kỳ lời chỉ trích nào đối với các nhà lãnh đạo của Trung Quốc hoặc sự thiếu trung thành với đất nước. Các nạn nhân bị quấy rối và không thể lên tiếng, một số thậm chí bị mất việc.

Trong số những nạn nhân bị tấn công trong năm nay có những nhân vật là người của công chúng,  họ đã dám đặt câu hỏi chất vấn việc xử lý coronavirus giai đoạn đầu của các quan chức. Trong số đó có nhà văn Phương Phương (Fang Fang) đến từ Vũ Hán. Thông qua hình thức trực tuyến, bà đã viết về cuộc đấu tranh của cư dân địa phương và cáo buộc các quan chức chính phủ phản ứng chậm khi đại dịch bùng phát.

Hàng nghìn người trên mạng ở Trung Quốc đã gọi bà là kẻ phản bội. Một tấm áp phích nặc danh được treo tại một bến xe buýt ở Vũ Hán nói rằng bà hãy “cạo đầu hoặc tự sát để chuộc tội với nhân dân” và bức ảnh về tấm áp phích được lan truyền rộng rãi trên mạng. Một võ sư Thái cực quyền nổi tiếng đã kêu gọi đồng minh cùng sử dụng “nắm đấm công lý” tấn công bà ấy.

Nữ nhà văn sau đó đã đưa ra lời kêu gọi đồng bào của mình trên Weibo (một nền tảng giống Twitter): “Trung Quốc không thể quay trở lại thời kỳ Cách mạng Văn hóa”.

Các nhà nghiên cứu chính trị Trung Quốc cho biết chủ nghĩa dân tộc đang trỗi dậy một phần là phản ứng tự nhiên đối với sự gia tăng tầm cỡ của nước này trên thế giới. Một số người Trung Quốc cho biết cảm xúc của họ bắt nguồn từ niềm tự hào thực sự đối với đất nước.

Chính phủ Trung Quốc cũng có vai trò rất lớn trong việc khơi dậy tình cảm của người dân. Các quan chức thường xuyên kiểm duyệt nội dung những cuộc thảo luận mang tính phản biện trên mạng thông qua các quy định trên Internet cùng hàng trăm nghìn tài khoản mạng xã hội do nhà nước hậu thuẫn. Đồng thời họ đã xây dựng cả một hệ sinh thái trực tuyến để ủng hộ các nội dung quảng bá đất nước và Đảng Cộng sản.

Ông Tập, nhà lãnh đạo quyền lực nhất ở Trung Quốc trong nhiều thập niên qua, là một trong những người có tinh thần dân tộc cao nhất. Thề đạt được “Giấc mộng Trung Hoa” nhằm khôi phục sự vĩ đại cho Trung Quốc, ông đã kêu gọi lòng tự hào yêu nước trong tất cả các khía cạnh của cuộc sống để tăng cường sự ủng hộ cho Đảng khi Đảng đang phải đối mặt với tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại và xung đột gia tăng với Hoa Kỳ.

Đây là Trung Quốc mà ông Tập đang xây dựng: một cường quốc kiểu mới kết hợp giữa chính quyền độc tài chuyên chế và kiểm soát xã hội bằng công nghệ cao với chủ nghĩa dân tộc quá khích lan rộng, dập tắt mọi ý kiến bất đồng.

Trước đây, việc kiểm duyệt Internet ở Trung Quốc cho phép tranh luận giới hạn quanh các vấn đề xã hội. Trong tám năm cầm quyền của ông Tập, nỗi lo quay lại nền chính trị quá khích thời Cách mạng Văn hóa của những người Trung Quốc có tư tưởng tự do đã gia tăng, đó là thời kỳ Mao Trạch Đông chống lại “các phần tử phản cách mạng” khiến xã hội và nền kinh tế Trung Quốc đến bên bờ vực sụp đổ trong những năm 1960 và 1970.

Thời kỳ đó, hơn một triệu người đã chết. Mặc dù các động lực ngày nay không đến nỗi tuyệt vọng như thời đó, Geremie R. Barmé, một nhà sử học lâu năm về Trung Quốc hiện sống tại New Zealand cho biết chúng kết hợp “ngôn từ thù địch, sự cuồng loạn và ý định bạo lực của thời Mao với các bằng chứng được cung cấp bởi việc giám sát kỹ thuật số”.

Sự không nhân nhượng đối với các quan điểm đối lập ở Trung Quốc thường vượt xa những gì xảy ra ở phương Tây, ông nói thêm. “Nếu người Mỹ hoặc châu Âu nghĩ rằng họ đang sống với một văn hóa ‘xóa bỏ’ [chỉ phong trào xóa bỏ các ký ức, hình tượng lịch sử – NBT] thì thật ra họ chẳng biết gì.”

Nhật ký virus

Phương Phương, tên thật là Uông Phương (Wang Fang), bắt đầu viết nhật ký của mình vào tháng Giêng ngay sau khi nhà chức trách Trung Quốc phong tỏa thành phố Vũ Hán để ngăn chặn đại dịch COVID-19. Bà là nhà văn thuộc dòng chính thống, từng giữ chức chủ tịch Hiệp hội Nhà văn, một hiệp hội do chính phủ tài trợ tại tỉnh Hồ Bắc (Vũ Hán là thủ phủ của tỉnh này).

Việc đưa tin về loại virus mới của các phương tiện truyền thông tại Trung Quốc bị kiểm soát chặt chẽ, các bài viết của bà đã mở ra một cánh cửa mới để mọi người có thể tiếp cận thông tin về trận đại dịch đang bùng phát. Bà chủ yếu tập trung vào trải nghiệm hằng ngày khi thành phố bị phong tỏa, nhưng đôi khi cũng chỉ trích các quan chức, bao gồm cả việc họ đã che giấu sự thật. Những dòng nhật ký của bà thu hút hàng triệu lượt xem.

Những cuộc tấn công nhằm vào bà gia tăng sau khi tin tức được lan truyền vào tháng 4 rằng bản dịch tiếng Anh của cuốn nhật ký sẽ được xuất bản ở Mỹ. Người dùng Internet đã đặt câu hỏi về động cơ của Phương Phương và cáo buộc bà “giao một con dao găm” cho người nước ngoài để tấn công Trung Quốc.

Tấm áp phích ở trạm xe buýt lan truyền trên mạng đã buộc tội bà “ăn bánh bao nhúng máu người”, một thành ngữ được sử dụng trong quá khứ để tấn công những người được coi là không trung thành với quần chúng. Tác giả cho biết mình là một nông dân Trung Quốc.

Người ta ‘ném đá’ lên trang cá nhân của bà. Sau cùng, lượng tấn công lớn đã khiến bà phải tắt tính năng bình luận dưới các bài đăng trên Weibo của mình. Bà nói rằng các nhà xuất bản ở Trung Quốc đại lục và Hồng Kông đã từ chối xuất bản tác phẩm của bà, bao gồm cả phiên bản tiếng Trung của các mục trong cuốn nhật ký.

Những lời lẽ đả kích bà đã nhận được sự ủng hộ từ những người có liên hệ với chính phủ, trong đó có Hồ Tích Tiến (Hu Xijin), tổng biên tập tờ Global Times (Hoàn cầu Thời báo), một tờ báo khổ nhỏ theo chủ nghĩa dân tộc của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Hồ Tích Tiến đã đăng rằng đồng bào Trung Quốc của Phương Phương sẽ phải gánh chịu hậu quả vì sự nổi tiếng của bà ở phương Tây. Ông viết rằng công chúng Trung Quốc có “đầy đủ thẩm quyền đạo đức” để bày tỏ sự không hài lòng.

Trong buổi nói chuyện vào tháng 5, Trương Bá Lễ (Zhang Boli), viện sĩ Viện Kỹ thuật Trung Quốc, đã lên án Phương Phương cùng với hai nhà phê bình khác về phản ứng của họ với đại dịch.

Ông nói: “Tình yêu đất nước, yêu đất mẹ của một con người” là đức tính căn bản. Video về buổi nói chuyện của ông có hơn hai triệu lượt xem trực tuyến.

Các trích đoạn của video được truyền thông nhà nước và các cơ quan chính phủ đăng tải trên nền tảng chia sẻ video Douyin của Trung Quốc.

Những bài đăng đó đã kích động nhiều bình luận tấn công ác ý hơn nữa.

Nhà văn Phương Phương cho biết trong một cuộc trao đổi qua email rằng bà tin là Tiến sĩ Trương và ông Hồ có thể ảnh hưởng đến ý kiến của công chúng vì họ được coi là đại diện cho đường lối chính thống.

“Một mình chống lại bọn xã hội đen, đặc biệt là những kẻ được chính phủ hậu thuẫn, là vô ích,” bà nói.

Ông Hồ, tổng biên tập tờ Global Times, phủ nhận việc kích động các cuộc tấn công và nói rằng việc Phương Phương không sẵn sàng chấp nhận những lời chỉ trích khiến dư luận chống lại bà. Người phát ngôn của Tiến sĩ Trương từ chối sắp xếp cuộc hẹn với ông.

Xoay quanh vụ việc của nhà văn Phương Phương, Liang Yanping, một giáo sư nghệ thuật và văn hóa Nhật Bản tại Đại học Hồ Bắc ở Vũ Hán, cũng bị tấn công sau khi bày tỏ sự đồng cảm với nữ nhà văn trên mạng. Những người chỉ trích đã truy tìm lịch sử duyệt web của bà Liang, với mục tiêu mô tả bà là người trung thành với Nhật Bản và ủng hộ độc lập của Hồng Kông.

Vào tháng 6, Đại học Hồ Bắc thông báo đình chỉ việc giảng dạy của bà, cho rằng bà đã đưa ra “nhận xét không đúng” gây mất trật tự công cộng.

Bà Liang phủ nhận bà là người trung thành với Nhật Bản và ủng hộ độc lập của Hồng Kông, đồng thời từ chối bình luận thêm. Một phát ngôn viên của trường cho biết nhà trường đã tuân theo các quy định của cơ quan quản lý giáo dục Trung Quốc.

Ông Qin Qianhong, một cố vấn của chính quyền thành phố Vũ Hán, nói rằng chủ nghĩa dân tộc không được kiểm soát đang ngăn cản mọi người đóng góp ý kiến để cải thiện cách ứng phó của Trung Quốc với coronavirus.

“Giờ đây, chúng ta cảm thấy là chúng ta đã hoàn hảo 100%,” ông Qin nói. Ông là người đã chỉ trích các quan chức Vũ Hán vì đã đánh giá thấp mối nguy của dịch bệnh trong những ngày đầu. Nếu không có sự phản biện, Trung Quốc có thể lặp lại những sai lầm một lần nữa, ông nói thêm.

Chiến dịch tuyên truyền

Các học giả nghiên cứu không gian mạng của Trung Quốc ước tính hàng triệu người dùng Internet Trung Quốc đăng tải nội dung ủng hộ Bắc Kinh được chính phủ thuê hoặc là quan chức nhà nước. Theo dữ liệu năm 2019 của Trung tâm Thông tin Mạng Internet Trung Quốc, thuộc Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin, các bộ và cơ quan chính phủ đang quản lý gần 240.000 tài khoản mạng xã hội.

Alicia Fawcett, nhà nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm nghiên cứu khía cạnh pháp lý của các thông tin kỹ thuật số tại Hội đồng Đại Tây Dương, tổ chức nghiên cứu chính sách có trụ sở ở Washington, D.C., cho biết Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, Quốc vụ viện và Ban Chấp hành Trung ương Đảng đều tham gia vào các hoạt động tuyên truyền có tổ chức trên các nền tảng trong nước hoặc quốc tế.

Tuy nhiều nội dung tuyên truyền tương đối vô hại nhưng nó làm khơi dậy tình cảm dân tộc có thể bùng phát thành các chiến dịch tấn công quấy rối. Các nhà nghiên cứu cho biết trong một vài trường hợp, các tài khoản do chính phủ quản lý hoặc các chương trình tự động (bot) cũng tham gia vào các cuộc tấn công mặc dù việc xác định chính xác sự tham gia của chúng khá khó khăn.

Khi Daryl Morey, giám đốc đội bóng rổ Houston Rockets, đăng tweet ủng hộ những người biểu tình đòi quyền dân chủ ở Hồng Kông vào năm ngoái, ông đã bị tấn công bởi một chiến dịch quấy rối có phối hợp. Tờ Wall Street Journal đã từng đưa tin rằng một chiến dịch kích động có liên quan đến nhà nước có thể dính líu đến vụ việc vì có hàng nghìn người tấn công Daryl Morey bằng các tài khoản Twitter hoàn toàn mới.

Theo Yinxian Zhang, giáo sư xã hội học tại Queens College, City University of New York (Đại học Thành phố New York) thì ở Trung Quốc, những người bình luận theo chủ nghĩa dân tộc dường như thống nhất và phối hợp hơn so với những người theo chủ nghĩa tự do. Bà đã quan sát thấy các nhóm người theo chủ nghĩa dân tộc trên Weibo hợp tác chặt chẽ để quảng bá thông điệp của nhau.

Tài khoản Weibo của nhà văn Phương Phương đã bị đình chỉ vào tháng 2, sau đó được khôi phục. Xiao Qiang, nhà khoa học nghiên cứu về Internet Trung Quốc tại Đại học California, Berkeley, cho biết, điều đó cộng với quy mô của các cuộc tấn công trên mạng cho thấy một chiến dịch được chính phủ chấp thuận nhằm ‘đánh chìm’ nữ nhà văn mà không phải “bịt miệng” bà hoàn toàn, điều có thể khiến họ bị phản ứng.

Weibo và Cục quản lý không gian mạng Trung Quốc, cơ quan quản lý Internet cấp trung ương của quốc gia này, đã không trả lời yêu cầu bình luận.

Trên Douyin, một ứng dụng chia sẻ các video ngắn, các tài khoản có liên hệ với Đảng và Nhà nước Trung Quốc đã đăng một số video chỉ trích nhà văn Phương Phương, tất cả thu hút hơn 42 triệu lượt xem. Chúng bao gồm một chi nhánh Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc, Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) và các cơ quan thuộc chính quyền địa phương. Cả CCTV và Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc đều không trả lời yêu cầu bình luận.

Các công ty truyền thông xã hội của Trung Quốc, được cho là tuân theo các chỉ thị của chính phủ về nội dung, sẽ càng thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc.

Vào cuối năm 2019, cơ quan quản lý Internet của Trung Quốc đã thông qua các quy tắc mới khuyến khích những bài đăng quảng bá “Tư tưởng Tập Cận Bình” và yêu cầu các nền tảng điều chỉnh thuật toán để hỗ trợ công tác tuyên truyền của các phương tiện truyền thông nhà nước và các cơ quan chính phủ khác. Một số công ty đưa tài liệu lên trang chủ của người dùng hoặc thêm tài liệu đó vào danh sách phổ biến nhất. Những nội dung bôi nhọ danh tiếng của các cơ quan chính phủ sẽ bị xóa.

Nhân viên tại ByteDance Ltd., công ty quản lý nền tảng Douyin, cho biết các quan chức chính phủ thường yêu cầu họ phát một số nội dung nhất định từ các chính trị gia hoặc khuấy động “bầu không khí phù hợp” đối với người dân Trung Quốc trước các sự kiện quốc gia. Trước ngày Quốc khánh mùng 1 tháng 10 của Trung Quốc, Douyin đã giới thiệu một gói hình dán (sticker) cho phép người dùng tạo video trong đó họ hát nhép một bài hát yêu nước và chồng dòng chữ “[trái tim] Trung Quốc” lên má. ByteDance không trả lời yêu cầu bình luận.

Hiện nay, nhiều người chia sẻ nội dung mang tinh thần dân tộc với hy vọng thu hút lượng truy cập lớn vào tài khoản của họ, giúp họ bán quảng cáo hoặc sản phẩm.

‘Năng lượng tích cực’

Chính phủ Trung Quốc và các nền tảng truyền thông xã hội đã thúc đẩy ý tưởng về “năng lượng tích cực” trong những nội dung đăng tải, đây là thuật ngữ chỉ những nội dung phản ánh tốt về sự lãnh đạo của Đảng.

Shang Zijian, một giám đốc nhà hát 37 tuổi ở Bắc Kinh, người tự nhận là “chàng trai năng lượng tích cực không thể kiểm soát” trên trang cá nhân Douyin của mình, là một trong số những người chỉ trích nhà văn Phương Phương. “Làm sao bà có thể tự nhận mình là một con người?”, anh ta viết.

Shang, nhân vật có 3,6 triệu người theo dõi trên nền tảng này, tự nhận mình là một người yêu nước chứ không phải một người theo chủ nghĩa dân tộc. Anh nói: “Khi các quốc gia khác đang cố gắng đổ lỗi cho Trung Quốc về coronavirus, cô ấy đã bán ấn tượng tiêu cực này ra nước ngoài.”

Cửa hàng trang sức trực tuyến được quản lý bởi Lao Lishi, vận động viên đã giành được huy chương vàng và bạc môn lặn tại Thế vận hội năm 2004, đã bị những người theo chủ nghĩa dân tộc tấn công sau khi cô đăng lên Weibo một bài báo của truyền thông nhà nước về việc một y tá ở Vũ Hán đã chết vì COVID-19 vào tháng 5. Cô đã tìm thấy nó trên nguồn cung cấp thông tin của nhà văn Phương Phương.

Một số người cáo buộc cô bán hàng giả. “Làm thế nào mà một nhà vô địch Thế vận hội lại biến thành một kẻ ‘ghét’ đảng?” một bình luận viết.

Vào mùa hè, Lao Lishi thông báo rằng Weibo đã đình chỉ tài khoản chính của cô trong một năm vì những bài đăng vi phạm các quy định không xác định. Một nhóm chat riêng tư dành cho những người ủng hộ cô đã dừng hoạt động sau khi các thành viên lo ngại rằng họ có thể bị tấn công bởi những kẻ theo chủ nghĩa dân tộc.

Lao Lishi đã từ chối yêu cầu phỏng vấn. “Nói bất cứ điều gì vào lúc này cũng sẽ thành không đúng, xin hiểu cho tôi,” cô viết.

Xiong Qingzhen, kỹ sư điều khiển thiết bị bay không người lái 39 tuổi đến từ Vũ Hán, đã trở thành mục tiêu sau khi anh bị nhiễm Covid-19 và điều trị nội trú tại một bệnh viện y học cổ truyền vào tháng Hai.

Khi anh xuất viện, một nhân viên của đài truyền hình nhà nước CCTV đã hỏi anh về quá trình điều trị. Chính quyền tôn vinh những lợi ích của y học cổ truyền như một niềm tự hào của dân tộc.

“Tôi là một người không tin vào y học cổ truyền,” anh nói trong cuộc phỏng vấn phát sóng trực tiếp trên mạng. “Tôi không đồng ý với nguyên lý của nó, vì vậy tôi đã không uống nó.”

Vài ngày sau, những người theo chủ nghĩa dân tộc săn lùng Xiong trên Weibo, gọi anh là kẻ ngu dốt và vô ơn. Nhiều tuần sau, đài truyền hình địa phương nơi anh làm việc gọi cho anh báo rằng họ đã nhận được đơn tố cáo việc anh nhận hối lộ, nhưng anh đã phủ nhận. Anh Xiong cho biết những kẻ tấn công trực tuyến đã tìm thấy một đoạn video mà anh đăng trước một ngôi nhà lớn ở ngoại ô do gia đình anh sở hữu. Họ đặt câu hỏi làm thế nào anh có thể mua được một nơi như vậy.

Xiong là một đảng viên Đảng Cộng sản. Thực tiễn thời Cách mạng Văn hóa, thời kỳ các đảng viên bị bắt phải thú nhận tội lỗi chính trị của mình, đang quay trở lại; nhà đài yêu cầu Xiong phải viết hai bản tự kiểm điểm hành vi của mình. Anh từ chối chia sẻ chi tiết về bản tự kiểm điểm của mình.

Tuy vậy, anh vẫn không thay đổi quan điểm của mình về y học cổ truyền Trung Quốc.

“Mọi người đã mất đi khả năng tư duy độc lập,” anh nói trong một cuộc phỏng vấn. “Nếu một người bình thường như tôi không thể lên tiếng, những người như Phương Phương sẽ phải chiến đấu một mình.”

RELATED ARTICLES

Tin mới