Sunday, December 29, 2024
Trang chủĐiểm tinLiệu Philippines có "lọt" vào tay TQ

Liệu Philippines có “lọt” vào tay TQ

Bình luận được cựu Tổng tham mưu trưởng quân đội Philippines Emmanuel Bautista đưa ra giữa những lo ngại về các hoạt động của Trung Quốc trong khu vực.

Một tàu tuần dương và tàu khu trục tên lửa dẫn đường của Mỹ hiện diện trên biển Đông vào tháng 4/2020

Tướng Philippines nói về kịch bản chiến tranh Mỹ-Trung Quốc

Theo tướng Bautista, Philippines cần dự kiến kịch bản Trung Quốc sẽ chiếm quyền kiểm soát một số vùng nước của họ nếu chiến tranh nổ ra giữa Bắc Kinh và Washington.

Các đảo của Philippines có vị trí chiến lược trong khu vực, nằm trên tuyến đường kết nối biển Đông với Thái Bình Dương, biến nơi đây thành một “địa hình trọng điểm”.

Ông Bautista xác định các tuyến đường này bao gồm kênh Bashi – tiếp nối các đảo Batanes và quần đảo Babuyan, gần đảo Đài Loan, bên cạnh các eo biển Mindoro, Cebu, Balabac, San Bernardino và Surigao.

“Nếu muốn ảnh hưởng đến biển Đông, anh cần kiểm soát được những điểm trọng yếu này,” cựu tướng Philippines nói.

Ông Emmanuel Bautista phục vụ hơn 30 năm trong lực lượng vũ trang Philippines và giữ chức Tổng tham mưu trưởng trong giai đoạn 2013-2014. Ông cũng là cựu giám đốc điều hành Tổ công tác quốc gia Philippines về biển Đông – cơ quan được thiết lập năm 2016 nhằm điều phối nỗ lực của các cơ quan chính phủ trong thúc đẩy lợi ích hàng hải của nước này.

Dù Trung Quốc nhiều lần bác bỏ khả năng đi đến xung đột quân sự giữa những căng thẳng với Mỹ, Bautista nói rằng Bắc Kinh đang trở nên hung hăng hơn trên các vùng nước ở biển Đông và biển Hoa Đông, cũng như ở biên giới với Ấn Độ – nơi cuộc giằng co quân sự đã tiếp diễn từ tháng 6.

“Bất đồng về lãnh thổ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là những điểm nóng có thể làm bùng lên đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc,” Bautista trình bày tại một diễn đàn Philippines về vấn đề biển Đông.

“Giả sử [tình hình] bùng phát vượt ngoài tầm kiểm soát và hệ quả là chiến tranh nổ ra… Trung Quốc sẽ chiếm Philippines.”

Cựu Tổng tham mưu trưởng Philippines chỉ ra rằng trong chiến tranh giữa hai cường quốc, cả Mỹ và Trung Quốc đều sẽ tìm cách kiểm soát nước này. Mỹ có hiệp ước phòng thủ với Philippines, trong đó đôi bên cam kết tương trợ lẫn nhau khi đối phương bị tấn công.

“Việc Trung Quốc quân sự hóa và xây dựng các căn cứ trên đảo [ở biển Đông một cách trái phép] hiện đã tạo ra mối đe dọa trực tiếp. Từ những căn cứ này, Trung Quốc có thể phóng tên lửa hay chiến cơ nhằm vào quần đảo chính của chúng ta chỉ trong vài phút,” ông nói.

Thông điệp của viên tướng phản ánh mối lo ngại leo thang trong giới chức quân sự Philippines về những động thái ngày càng quyết liệt từ phía BẮc Kinh. Phó đô đốc Hải quân Giovanni Carlo Bacordo gần đây hé lộ đề xuất vũ trang cho ngư dân Philippines và triển khai các “dân quân trên biển” này nhằm chống lại lực lượng tương tự của Trung Quốc.

Bautista cho biết ông khuyến khích ngư dân “ra biển và đánh bắt” dưới sự bảo trợ của Cảnh sát biển. Ông nói rằng thách thức với Philippines hiện nay là vừa bảo đảm được các lợi ích về chủ quyền vừa tránh được xung đột.

Trung Quốc có thể “ra tay” với bãi cạn Scarborough?

Tham dự cùng diễn đàn với ông Bautista, cựu đại úy Hải quân Mỹ Carl Schuster dự đoán rằng, ngay cả trong kịch bản không chiếm lãnh thổ đất liền của Philippines do những lo ngại về chính trị, “ít nhất Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) sẽ tìm cách chiếm quyền kiểm soát các vùng nước chiến lược xung quanh quần đảo Philippines bởi đây là điều cần thiết để tiến hành các chiến dịch quân sự chống lại Mỹ”.

Collin Koh – chuyên gia quốc phòng thuộc Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam, Singapore – cho hay Philippines là một phần thuộc “Chuỗi đảo thứ nhất” ở Thái Bình Dương trên bản đồ – gồm Nhật Bản và đảo Đài Loan.

“‘Chuỗi đảo thứ nhất’ về cơ bản là những nơi chủ yếu tập trung bố trí quân lực của Mỹ, và cũng là khu vực mà các đồng minh của Mỹ tạo dựng ‘thành lũy tự nhiên’ nhằm chống lại Trung Quốc.”

Ông Koh nhận định “Trung Quốc trên thực tế đã kiểm soát khu vực bãi cạn Scarborough, nằm gần vịnh Subic chiến lược”, cảnh báo Bắc Kinh có thể chiếm đóng hoàn toàn đối với bãi cạn này trong những trường hợp cụ thể như xảy ra xung đột.

“Một căn cứ của PLA tại bãi cạn sẽ cho phép [Trung Quốc] dễ dàng tiến hành các chiến dịch quân sự, đặc biệt trên mặt trận chống ngầm, chống lại các tàu ngầm Mỹ đến từ Guam, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để di chuyển các tài sản của Hải quân Trung Quốc – bao gồm tàu ngầm” để tiến vào các vị trí giao tranh với Mỹ – ông Koh đánh giá.

RELATED ARTICLES

Tin mới