Sunday, December 29, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiPhilippines học “sách Tàu”?

Philippines học “sách Tàu”?

Giới nghiên cứu từng nói nhiều về “chiến thuật vùng xám”, trong đó có việc khai thác, sử dụng vai trò của lực lượng dân quân biển phục vụ âm mưu chiếm Biển Đông của Trung Quốc. Những động thái gần đây cho thấy, Philippines cũng đang phát triển lực lượng này, tất nhiên, chỉ với mục tiêu phòng vệ.

Philippines sắp đưa 240 dân quân biển ra Biển Đông

Liên quan việc Trung Quốc sử dựng lực lượng dân quân biển phục vụ cho mưu đồ hiện thực hóa yêu sách “đường 9 đoạn” ngang ngược trên Biển Đông, rất nên quan tâm tới nhận định của Mỹ. Cụ thể, trong báo cáo mang tên “Tình hình Chiến lược Khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định” được công bố vừa qua, lực lượng tuần duyên Mỹ đánh giá: “Lực lượng dân quân biển Trung Quốc, ước tính có hơn 3.000 tàu, đang chủ động thực hiện những hành động hung hăng trên đại dương và vùng biển chủ quyền của các nước khác, nhằm đe dọa những ngư dân hợp pháp và phục vụ các mục tiêu hàng hải chiến lược dài hạn của Bắc Kinh”.

Không phải lần đầu Mỹ cảnh giác với lực lượng tàu cá “nhung nhúc” của Trung Quốc. Vốn khó chịu về tham vọng công khai muốn trở thành cường quốc số một thế giới của Bắc Kinh, từ cách đây 3 năm, Lầu Năm góc đã dùng cụm từ “hạm đội tàu cá thương mại” để chỉ âm mưu thâm, tinh quái và sự nguy hiểm để xâm lấn “vùng xám”, thực thi yêu sách chủ quyền và thúc đẩy lợi ích theo hướng có tính toán, nhưng không gây căng thẳng quá mức có thể dẫn tới xung đột quân sự, lại né được dư luận và cộng đồng quốc tế chỉ trích, của Trung Quốc.

Trong thực tế, với chiến thuật, thủ đoạn này, Trung Quốc đã và đang đạt được một số kết quả, trong đó có việc buộc thiên hạ “làm quen” với sự hiện diện, tung hoành của hàng đàn tàu, thuyền thuộc lực lượng dân quân biển của họ. Sự phản đối, phản ứng của các quốc gia còn không? Còn. Nhưng trong nhiều trường hợp, nó gần như chỉ có tính chất chiếu lệ về mặt ngoại giao. Đáng kể nhất có lẽ là các thỏa thuận hợp tác an ninh biển đã ký kết giữa các nước như Việt Nam, Philippines, Indonesia, Malaysia trong hơn 3 năm qua.

Nhưng, dường như đang có những động thái mới khiến Trung Quốc bất ngờ. Ấy là, một số quốc gia duyên hải Biển Đông vẻ như đang vận dụng “sách Tàu” để bảo vệ lợi ích của mình trên Biển Đông.

Sau Việt Nam triển khai lực lượng dân quân tự vệ biển với nhiệm vụ “Không chỉ bám biển khai thác hải sản, tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới biển đảo…”, Philippines cũng đang có những toan tính phát triển lực lượng này.

Philippines vốn là nạn nhân số 1 của dân quân biển Trung Quốc. “Vụ Cỏ Rong” với việc tàu cá nước này bị tàu Trung Quốc đâm chìm và bỏ mặc, là bằng chứng Manila không thể quên. Nước này từng kiên trì với quan điểm: “không vũ trang cho dân quân” ở Biển Đông. Những người chủ trương quan điểm này lo ngại rằng: vũ trang cho lực lượng dân quân biển có thể khiến ngư dân dân sự trở thành mục tiêu của Trung Quốc, như thế, “sẽ không chỉ có một ngư dân bị giết hại”.

Tuy nhiên, sự quá quắt của Trung Quốc đang tác động, làm thay đổi nhận thức, quan điểm của lực lượng vũ trang nước này về dân quân biển. Không thế mà, hải quân Philippines vừa thông báo chuẩn bị triển khai 240 dân quân biển làm nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ ngư dân bị tàu Trung Quốc quấy rối trên Biển Đông. Điều này được chính Tư lệnh hải quân quốc gia, ông Giovanni Carlo Bacordo, đề cập gần đây, sau khi thông báo kế hoạch triển khai hai đại đội thuộc Đơn vị địa lý Lực lượng vũ trang công dân (CAFGU) ra Biển Đông.

Cho dù lực lượng này chưa hoạt động, nhưng một khi tư lệnh hải quân đã nói, thì coi như việc đã quyết.Thậm chí, nguồn tin từ cấp cao lực lượng hải quân Philippines còn nêu rõ, dân quân biển Philippines sẽ được trang bị xuồng cao tốc và súng trường và chịu sự quản lý của Bộ Tư lệnh miền Tây và Bộ Tư lệnh miền Bắc quân đội Philippines. Ngoài nhiệm vụ bảo vệ ngư dân, họ cũng có trách nhiệm thực hiện hoạt động trinh sát, do thám và tình báo để phục vụ hoạt động của quân đội…

Không nên so sánh con số lèo tèo 240 dân quân biển Philippines với lực lượng dân quân biển đông đảo của Trung Quốc. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là những phát ngôn “mở” của tư lệnh Hải quân Philippines: kế hoạch này có thể được mở rộng nếu họ thấy rằng nó phát huy hiệu quả.

RELATED ARTICLES

Tin mới