Bộ TT-TT đang phối hợp cùng Bộ Tài chính, NHNN thu thuế các nền tảng xuyên biên giới và kiểm soát dòng tiền thanh toán.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.
Thông tin trên được Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Nguyễn Mạnh Hùng cho biết tại phiên chất vấn của Quốc hội vào chiều 6/11.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, hiện nhiều nền tảng xuyên biên giới phát sinh doanh thu ở Việt Nam hàng tỷ USD nhưng chưa đóng thuế.
Đề cập đến vấn nạn tin giả, Bộ trưởng Bộ TT-TT cho biết, tin giả ở Việt Nam chủ yếu trên các nền tảng xuyên biên giới.
“Việt Nam là nước có chủ quyền trên không gian mạng, nên các nền tảng xuyên biên giới buộc phải tuân thủ pháp luật Việt Nam”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, đồng thời thông tin, thời gian qua, Bộ TT-TT làm rất quyết liệt, như ban hành Nghị định 15 về xử lý vi phạm hành chính trên mạng xã hội; về công cụ quản lý đã nâng cấp trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia với năng lực xử lý mỗi ngày là 300 triệu tin. Đồng thời, chúng ta có đường dây nóng của cục, sở thuộc Bộ TT-TT để tiếp nhận phản ánh về tin giả, tin xấu độc.
Bộ TT-TT đã làm việc cứng rắn với các nền tảng xuyên biên giới, đặc biệt là Facebook và YouTube, yêu cầu gỡ bỏ thông tin xấu độc. Tỉ lệ gỡ bỏ thông tin này đã tăng lên. Số lượng gỡ bỏ thông tin xấu độc của Facebook năm 2020 tăng 30 lần so với năm 2017. Tương tự, số video xấu độc trên YouTube được gỡ bỏ trong năm năm 2020 tăng 8 lần so với năm 2017; số trang giả mạo gỡ bỏ trong năm 2020 tăng 8 lần so với năm 2017.
Năm 2021, Bộ TT-TT tiếp tục sửa các quy định liên quan đến mạng xã hội và tin giả. Đồng thời, Bộ ban hành bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng; yêu cầu định danh người dùng mạng xã hội, coi đây là giải pháp căn cơ, để người sử dụng không còn nghĩ rằng lên mạng xã hội là vô danh để rồi vô trách nhiệm.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị Quốc hội sửa đổi hình thức xử phạt cá nhân, tổ chức liên quan đến việc đăng tin giả, thay vì phạt răn đe thì phạt theo doanh thu với các công ty xuyên biên giới, ví dụ khoảng 4% doanh thu. Ông lấy ví dụ, nếu mức phạt là 4% doanh thu, Facebook sẽ bị phạt 1 tỷ USD.
Những thông tin trên cho thấy hành động tích cực của cơ quan chức năng Việt Nam nhằm tăng cường quản lý các nền tảng xuyên biên giới.
Trước đó, dư luận rất bức xúc trước tình trạng các nền tảng nội dung xuyên biên giới đăng tải nhiều nội dung gây tranh cãi, vi phạm nội dung chương trình. Gần đây nhất là vụ việc liên quan tới Netflix – nền tảng chiếu phim trực tuyến lớn nhất thế giới hiện nay liên tục đăng tải những hình ảnh không phù hợp với thuần phong mỹ tục, vi phạm chủ quyền Việt Nam.
Thậm chí, bộ phim “Cuties” (tạm dịch: Vũ công nhí đáng yêu) đã làm dấy lên trào lưu “Cancel Netflix” (tẩy chay Netflix) trên mạng xã hội. Nhiều khán giả, nhất là các phụ huynh, cho rằng phim đã đi quá xa trong việc thể hiện hình ảnh trẻ em.
Trước đó, Netflix cũng đăng tải nhiều bộ phim có hình ảnh vi phạm đến mức nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam như “Put your head on my shoulder” (có tên tiếng Việt là Gửi thời thanh xuân ấm áp của chúng ta); “Lấy danh nghĩa người nhà”; “Madam Secretary”…
Ông Lê Đình Cường, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam (VNPayTV) nhiều lần chỉ ra rằng, cuộc cạnh tranh dịch vụ truyền hình trả tiền tại Việt Nam là bất bình đẳng, doanh nghiệp Việt bị đẩy vào thế khó khăn, doanh thu và lợi nhuận đều giảm khi các dịch vụ xuyên biên giới với nhiều lợi thế, có tiềm lực mạnh vào Việt Nam xâm chiếm thị phần.
Lý do là vì các nền tảng như Netflix, Amazon… cho đến nay không chịu các cơ chế kiểm duyệt cũng như không thực hiện các nghĩa vụ thuế với Việt Nam, còn doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu nội dung, mua bản quyền để phát sóng đều phải đóng thuế; khi cung cấp dịch vụ cho khách hàng cũng nộp thuế và hàng năm phải nộp thuế doanh nghiệp.
Tổng Thư ký VNPayTV khẳng định: “Doanh nghiệp Việt Nam chỉ có thể mạnh lên khi có một sân chơi bình đẳng, sòng phẳng.
Các nền tảng xuyên biên giới phải tuân thủ đầy đủ các quy trình về cấp phép, về kiểm duyệt, biên tập, biên dịch chặt chẽ theo luật định, đồng thời, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp thuế đối với Nhà nước Việt Nam, giống như doanh nghiệp trong nước”.
Thông tin tại cuộc họp báo hôm 20/10, ông Vũ Mạnh Cường – Vụ trưởng Vụ Thanh tra, Tổng cục Thuế – cho biết trường hợp của Netflix, hiện Luật an ninh mạng đã có hiệu lực, các doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh và có phát sinh thu nhập tại Việt Nam từ hoạt động qua mạng phải lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam.
Tổng cục Thuế đã phối hợp với Cục Phòng chống rửa tiền – Ngân hàng Nhà nước yêu cầu Netflix thống kê doanh thu trong 3 năm từ khi vào Việt Nam để truy thu thuế. Netflix cũng xúc tiến làm việc với Bộ Tài chính đặt văn phòng đại diện, máy chủ lưu dữ liệu tại Việt Nam để kê khai thuế.