Sunday, January 12, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiCảnh giác trước đe dọa chiến tranh của Bắc Kinh

Cảnh giác trước đe dọa chiến tranh của Bắc Kinh

Trong những ngày gần đây, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình liên tiếp đưa ra những lời yêu cầu binh sĩ sẵn sàng cho chiến tranh. Ngày 13/10/2020, phát biểu trong chuyến thăm căn cứ thủy quân lục chiến ở thành phố Triều Châu, tỉnh Quảng Đông, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình yêu cầu binh sĩ thủy quân lục chiến tập trung rèn luyện để trở thành một lực lượng chiến đấu đa nhiệm, phản ứng nhanh và có thể tác chiến trong mọi địa hình; kêu gọi binh lính cần duy trì cảnh giác cao độ và tập trung ý chí, năng lượng để “chuẩn bị ra chiến trường”.

Sau đó 10 ngày, phát biểu tại lễ kỷ niệm 70 năm Trung Quốc tham gia Chiến tranh Triều Tiên hôm 23/10, ông Tập Cận Bình tiếp tục đưa ra cảnh báo trước các “kẻ xâm lược tiềm tàng” về ý chí và quyết tâm quân sự của Bắc Kinh; nhấn mạnh Trung Quốc “sẽ không bao giờ cho phép bất kỳ thế lực nào xâm chiếm hoặc chia rẽ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng” và Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 là một lời cảnh tỉnh rằng đất nước ông “luôn sẵn sàng chiến đấu chống lại bất kỳ ai”. Trước đó, trong chuyến tham quan một cuộc triển lãm về Chiến tranh Triều Tiên ở Bắc Kinh, ông Tập đã kêu gọi người dân Trung Quốc “giữ vững niềm tin vào chiến thắng cao cả của họ” và “đánh bại mọi kẻ thù”.

Một số nhà phân tích quân sự cho rằng những phát biểu kể trên của ông Tập thể hiện rõ bản chất hiếu chiến của Bắc Kinh, ông Tập Cận Bình đang kích động tinh thần chiến tranh ở phạm vi nhận thức rộng lớn nhằm chuẩn bị tâm lý nội bộ sẵn sàng cho các cuộc chiến tranh. Những động thái này đang tạo ra những nguy cơ chiến tranh có thể xảy ra bất cứ lúc nào ở khu vực. Bắc Kinh muốn thủy quân lục chiến sẽ là lực lượng chủ chốt trong bất kỳ kế hoạch thống nhất Đài Loan bằng vũ lực. Tuy nhiên, lực lượng này cũng có thể gánh thêm trách nhiệm bảo vệ cái gọi là các lợi ích của Trung Quốc ở khu vực.

Cùng với những phát biểu hiếu chiến, Bắc Kinh đang tập trung nguồn lực phát triển mạnh mẽ lực lượng lính thủy đánh bộ và hải quân để chuẩn bị cho các cuộc chiến trên biển. Một nguồn tin quân sự Trung Quốc tiết lộ Bắc Kinh có kế hoạch gia tăng số lính thủy đánh bộ từ 20.000 trong năm 2017 lên tới 100.000. Trung Quốc cũng đang mở rộng đội tàu đổ bộ lớp Type 071 và một số tàu đổ bộ khác. Trung Quốc bắt đầu cho tàu đổ bộ chở trực thăng Type 075 chạy thử từ tháng 8, và đang có kế hoạch đóng tàu đổ bộ tấn công mạnh hơn – Type 076.

Giới quan sát cho rằng lời phát biểu cứng rắn của lãnh đạo cao nhất Trung Quốc được đưa ra sau khi Trung Quốc tiến hành liên tiếp một loạt các cuộc diễn tập quân sự thời gian qua ở Biển Đông, biển Hoa Đông và eo biển Đài Loan, trong đó có việc diễn tập bắn đạn thật và phối hợp giữa không quân với hải quân Trung Quốc là những dấu hiệu đáng lo ngại đối với hòa bình ổn định khu vực. Với dã tâm của giới cầm quyền qua những cuộc tấn công vũ lực đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa năm 1974 và đánh chiếm một số cấu trúc ở Trường Sa năm 1988, thì không loại trừ khả năng Bắc Kinh có những phiêu lưu mới trên biển.

Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở Biển Đông, biển Hoa Đông và eo biển Đài Loan, trang mạng dwnews.com (tiếng Trung) ngày 21/10 đưa tin quân đội Trung Quốc triển khai tên lửa siêu thanh Dongfeng-17 (Đông Phong-17) tiên tiến dọc bờ biển phía Đông Nam của nước này. Theo công bố của Trung Quốc, loại tên lửa này có thể thực hiện các hành động né tránh với tốc độ gấp vài lần tốc độ âm thanh. Trong quá trình bay, tên lửa này có thể chuyển mục tiêu tấn công, đột phá hệ thống đánh chặn chống tên lửa, thực hiện các cuộc tấn công chính xác vào mục tiêu, thậm chí thả vũ khí hạt nhân.

Dongfeng-17 được triển khai dọc theo bờ biển phía Đông Nam được coi là một phần trong chiến lược triển khai lực lượng quân sự răn đe của Trung Quốc với láng giềng. Điều đáng nhấn mạnh ở đây là toàn bộ Biển Đông hoàn toàn nằm trong tầm hoạt động của Dongfeng-17. Do vậy, việc bố trí tên lửa Dongfeng ở đây không thể được coi là chỉ nhằm vào mỗi Đài Loan mà còn nhằm vào các mục tiêu trong tham vọng của Bắc Kinh ở Biển Đông. Việc Trung Quốc ngang nhiên bắn tên lửa đạn đạo ra khu vực biển giữa đảo Hải Nam và quần đảo Hoàng Sa ở Biển Đông là những động thái cho thấy rõ việc bố trí quân sự này là nằm trong mưu đồ độc chiếm Biển Đông của Bắc Kinh.

Một số nhà nghiên cứu nhận định trong bối cảnh đang bị cô lập về mặt đối ngoại lại phải đối phó với những khó khăn trong nội bộ, giới cầm quyền Bắc Kinh rất có thể sẽ tìm kiếm một cuộc xung đột quân sự nhỏ để có thể thể hiện “sức mạnh của Trung Quốc”, đẩy những khó khăn trong nội bộ ra bên ngoài để giải tỏa bức xúc trong nước, đồng thời chuyển “răn đe” tới Washington.

Mục tiêu cuối cùng của Trung Quốc là cạnh tranh vị trí siêu cường với Mỹ, đẩy lùi ảnh hưởng của Mỹ. Tuy nhiên, với tiềm lực của hải quân Mỹ, trước mắt có lẽ Trung Quốc chưa đủ sức để thách thức, chính vì vậy, Trung Quốc vẫn chỉ “giễu võ giương oai”. Đài Loan đang được Mỹ hậu thuẫn mạnh mẽ, nên mặc dù luôn tuyên bố khả năng thống nhất bằng vũ lực, song Bắc Kinh chưa thực sự dám ra tay.

Một số nhà chiến lược quân sự cảnh báo, khu vực Trường Sa với nhiều quốc gia Đông Nam Á đang kiểm soát một số thực thể sẽ là mục tiêu thực tế và “trong tầm với” của Bắc Kinh. Một cuộc chiến chớp nhoáng trên biển, với một đối thủ yếu hơn, sẽ là mục tiêu cần thiết của hải quân Trung Quốc. Trong số đó, không loại trừ các thực thể mà Việt Nam đang kiểm soát có thể sẽ là mục tiêu mà Trung Quốc hướng tới với chiến thuật “giương đông kích tây”.

Việt Nam từng là nạn nhân trong các cuộc phiêu lưu quân sự trên biển của giới cầm quyền Bắc Kinh năm 1974 ở quần đảo Hoàng Sa và năm 1988 ở quần đảo Trường Sa. Chính vì vậy, trong không khí căng thẳng và thù địch ngày càng cao ở Biển Đông, Việt Nam cần hết sức cảnh giác và phải chuẩn bị đầy đủ nhất để ứng phó trước khả năng xảy ra “một cuộc chiến chớp nhoáng” từ giới cầm quyền Bắc Kinh.

RELATED ARTICLES

1 COMMENT

Comments are closed.

Tin mới