Tờ Hoàn Cầu thời báo, trực thuộc Nhân dân nhật báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, vừa đăng bài viết ngụy biện về dự luật cho phép lực lượng hải cảnh nước này dùng vũ khí nhằm vào tàu nước ngoài, trong đó có Biển Đông.
Tàu hải cảnh Trung Quốc hộ tống tàu Hải Dương Địa Chất 8 khảo sát trái phép ở vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam
Cụ thể, tối 5.11, tờ Hoàn Cầu thời báo đăng bài: Foreign media stir trouble by hyping China’s draft coast guard law (tạm dịch: Truyền thông nước ngoài gây rắc rối bằng cách thổi phồng dự thảo luật hải cảnh Trung Quốc).
Rủi ro cho ngư dân Việt Nam
Trước đó, truyền thông quốc tế đã dẫn lời giới chuyên gia đặt ra lo ngại về việc Bắc Kinh vừa công bố dự luật cho phép hải cảnh Trung Quốc có thể sử dụng vũ khí nhằm vào tàu nước ngoài ở vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền.
Sau đó, tờ Hoàn Cầu thời báo đăng tải bài viết trên để bao biện rằng Trung Quốc có quyền bảo vệ các vùng biển thuộc chủ quyền nước này, các nước khác như Mỹ hay Nhật cũng làm như vậy thì tại sao Trung Quốc không được làm (!?).
Việc bảo vệ chủ quyền của một quốc gia thì không sai, nhưng vấn đề đặt ra đâu là vùng biển thuộc chủ quyền hợp pháp của Trung Quốc, đâu là vùng biển mà hải cảnh Trung Quốc được thực thi pháp luật hợp pháp?
Thực tế là suốt thời gian qua, hải cảnh Trung Quốc liên tục có nhiều hoạt động phi pháp ở Biển Đông. Đây là vùng biển mà tuyên bố chủ quyền do Trung Quốc đưa ra đã bị Tòa trọng tài quốc tế bác bỏ vào năm 2016.
Thế nhưng, suốt thời gian qua, không chỉ phớt lờ phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế, Bắc Kinh còn thường xuyên điều động tàu hải cảnh tiến hành các hành vi xâm phạm chủ quyền Việt Nam. Điển hình, 1 tàu hải cảnh của Trung Quốc đã vô cớ đâm chìm 1 tàu cá Việt Nam đang hoạt động hợp pháp ở khu vực gần quần đảo Hoàng Sa vào đầu năm nay. Hải cảnh Trung Quốc liên tục hành động như “hung thần” ở Biển Đông.
Khi chưa được “bảo kê” quyền nổ súng mà như thế! Nên nếu dự luật mới có hiệu lực, thì nguy cơ đặt ra là hải cảnh Trung Quốc có thể dùng vũ khí tấn công tàu cá Việt Nam đang đánh bắt hợp pháp ở vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông. Chính vì thế, lo ngại của giới chuyên gia và truyền thông quốc tế hoàn toàn hợp lý, chứ không hề “thổi phồng”, “gây rắc rối” như Hoàn Cầu thời báo chỉ trích.
Nguy cơ khơi mào xung đột
Nhiều chuyên gia quốc tế đã đặt ra những lo ngại như vậy khi trả lời Thanh Niên. Tương tự, hôm qua 6.11, trả lời Thanh Niên, TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) cũng cho rằng dự luật trên đặt ra nhiều nguy cơ cho các nước khác.
“Thời gian qua, Bắc Kinh không ngừng củng cố quyền kiểm soát ở các vùng biển mà họ tuyên bố chủ quyền, đồng thời điều động tàu hải cảnh đến các vùng biển này. Khi tàu hải cảnh Trung Quốc hiện diện càng nhiều thì các nước trong khu vực cũng phải điều động tàu tuần duyên ứng phó. Trong bối cảnh như vậy, rủi ro đụng độ càng trở nên cao hơn. Và nếu dự thảo luật trên có hiệu lực, thì nguy cơ đụng độ bằng vũ khí lại càng dễ xảy ra”, ông Nagao lo ngại.
Bên cạnh đó, theo ông Nagao, việc đưa ra dự thảo trên làm mất đi “vùng đệm” là các lực lượng chấp pháp dân sự trong việc ngăn ngừa căng thẳng leo thang. Bắc Kinh đã liên tục loại bỏ bớt “vùng đệm” như vậy.
“Năm 2018, chính quyền Trung Quốc đã đưa hải cảnh là một bộ phận của cảnh sát vũ trang Trung Quốc. Tháng 6 vừa qua, Trung Quốc cũng đã đưa ra dự thảo sửa đổi luật để đưa lực lượng cảnh sát vũ trang nằm dưới sự chỉ huy của Quân ủy Trung ương (CMC). Như thế, hải cảnh Trung Quốc trở thành một bộ phận chiến đấu cùng quân đội nước này. Chính vì vậy, nếu tàu tuần duyên các nước khác nổ súng tự vệ vì bị tàu hải cảnh Trung Quốc nổ súng tấn công, thì việc giao tranh không đơn thuần là giữa các lực lượng chấp pháp dân sự, mà đã là liên quan lực lượng quân sự của Trung Quốc. Khi đó, vì hải cảnh trực thuộc cảnh sát vũ trang, mà cảnh sát vũ trang do CMC chỉ huy, thì Bắc Kinh có thể lấy cớ điều động hải quân dẫn đến xung đột gia tăng”, TS Nagao phân tích.
Qua đó, ông đặt vấn đề: “Tại sao Bắc Kinh đưa ra dự thảo luật trên? Có khả năng họ muốn leo thang căng thẳng ở các vùng biển trong khu vực. Trung Quốc đang tăng cường hiện đại hóa quân sự và muốn thể hiện chiếm ưu thế về quân sự. Để tăng thêm áp lực nhằm vào các nước khác, Trung Quốc đang loại bỏ dần các vùng đệm vốn để phòng ngừa rủi ro xung đột ở các vùng biển tranh chấp”.