Sunday, January 12, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiIndonesia: “quân tử nhất ngôn”?

Indonesia: “quân tử nhất ngôn”?

Để các nước Asean thật sự yên tâm, và cũng là để Trung Quốc đừng ảo tưởng, mang vắc xin làm mồi và gây sức ép, Jakarta khẳng định: Indonesia tự do, năng động và rất rõ ràng: sẽ không đứng về phía khối này chống lại khối kia.

Trung Quốc- nước đang tiên phong trong phát triển vắc xin ngừa Covid-19

Đại dịch Covid-19 tiếp tục hoành hành trên phạm vi toàn cầu. Trong các nước Đông Nam Á, Indonesia 250 triệu dân, là nền kinh tế lớn nhất, đang vật lộn với  tình trạng suy thoái nghiêm trọng trong vòng 20 năm nay, kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế – tài chính toàn cầu năm 2008. Hãng tin Reuters vừa dẫn dữ liệu mới, công bố ngày 5-11: tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Indonesia đã giảm 3,49% trong quý 3 năm nay so với cùng kỳ năm 2019. Mức giảm này lớn hơn so với dự báo của các chuyên gia kinh tế.

Trước đó, mức giảm trong quý 2 là 5,32%. Đã có khoảng 3,5 triệu người ở nước này mất việc làm, kéo theo vô vàn những khó khăn về cuộc sống. Nếu không khống chế hiệu quả được dịch Covid-19, chẳng biết, người dân sẽ còn phải đối mặt với điều tội tệ nào nữa?

Trong bối cảnh đó, rõ một điều, chìa khóa để ngăn chặn suy thoái, phục hồi kinh tế, bình thường hóa cuộc sống một cách cơ bản, trước hết, chỉ có thể là vắc xin ngừa Covid sử dụng cho toàn dân. Do vậy, việc Indonesia đôn đáo tìm kiếm nguồn vắc xin Covid-19, là điều dễ hiểu.

Đối tác mà Jakarta “ngắm” đến đầu tiên, là Trung Quốc. Bởi, liên quan Covid-19, Trung Quốc là nước gặp đại họa trước với ổ dịch Vũ Hán làm hàng nghìn người chết, nhưng, cũng là nước sớm kiềm chế được con virus này; đồng thời, đã có những bước tiên phong trong cuộc chạy đua nghiên cứu, sản xuất vắc xin phòng ngừa. Cũng như các nước khác trong khu vực, Indonesia càng hy vọng, trông đợi hơn, khi trong tháng 10 vừa qua, Trung Quốc tham gia COVAX –  chương trình do WHO và các tổ chức khác phối hợp thành lập nhằm đảm bảo phân phối vắc xin ngừa Covid cho các nước đang phát triển. Là nước láng giếng, đang nằm trong tầm ngắm “ve vãn” của Bắc Kinh, không có lẽ nào, Manila lại không vận động để có được một “suất”.

Trong thực tế, Jakarta đã “cầu được, ước thấy”. Indonesia hiện đang tham gia cuộc thử nghiệm giai đoạn cuối trên người đối với ứng cử viên vắc xin COVID-19 Sinovac Biotech của Trung Quốc  – một trong số ít ứng viên trên thế giới đã bước vào thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3. Họ cũng đang hợp tác với Sinopharm, một công ty khác, cũng của Trung Quốc, để có thể bảo đảm mục tiêu toàn bộ người dân có thể được tiêm chủng trong thời gian sớm nhất có thể.

Bối cảnh hiện nay, câu chuyện vắc xin không thể không liên quan câu chuyện Biển Đông như một phần rất quan trọng, rất nóng của chính trị.

Là quốc gia không có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông, tuy nhiên, Indonesia vẫn không thoát khỏi bị Trung Quốc gây hấn, và đang có nguy cơ trở thành nạn nhân mới của Trung Quốc. Gần đây nhất, tháng trước, Bắc Kinh đã cho một tàu tuần duyên đã đi vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý ngoài khơi quần đảo phía bắc Natuna. Vụ việc khiến Jakarta nổi giận và phản ứng một cách mạnh mẽ. Cho dù, con tàu  đã rời đi, nhưng, tiếp theo sự kiện có tính tương tự hồi đầu năm, nó khiến giới chức Indonesia không thể không cảnh giác.

Thế nên, trong câu chuyện vắc xin ngừa Covid: chìa tay với Bắc Kinh và được đáp lại bằng cái gật đầu may mắn, nhiệt tình, Jakarta vẫn chưa thật yên tâm. Đã thế, sự “ưu ái” của Bắc Kinh trong vụ vắc xin đang khiến Indonesia bị các nước trong khối cảnh giác, nghi ngờ rằng: nước này sẽ trở thành “tay trong” của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông?

Trước tình thế đó, chẳng cách nào khác, Indonesia không thể im lặng. Trong phát biểu mới đây, ngoại trưởng Philippines – bà Marsudi –  vừa là thanh minh, vừa là khẳng định ít nhất ba thông điệp:

Thứ nhất, về vắc xin: Indonesia đã sớm tiếp cận các quốc gia được cho là có khả năng đáp ứng nhu cầu vắc xin của nước mình, ngay từ khi xảy ra đại dịch.  Đối tác Trung Quốc hồi âm sớm nhất, nên vắc xin Trung Quốc đã và đang được thử nghiệm tại Indonesia.

Thứ hai, hợp tác với các công ty Trung Quốc, nhưng điều đó không có nghĩa Philippines đóng cửa. Nước này cũng đang phát triển vắc xin của riêng mình thông qua hợp tác với Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) và Hàn Quốc; đồng thời, cũng đang đàm phán hợp tác vắc xin với hai đối tác ở Anh.

Thứ ba, và điều này mới là quan trọng nhất, bởi nó hóa giải sự hoài nghi của cộng đồng quốc tế, nhất là các quốc gia duyên hải Biển Đông đang khốn khổ vì yêu sách “đường 9 đoạn” ngang ngược của Trung Quốc. Cụ thể, trả lời về tình hình mới nhất về việc Trung Quốc cho tàu tuần duyên “lảng vảng” trong khu vực gần Natuna, bà Marsudi khẳng khái: “Một tàu nước khác có thể ở trong EEZ của Indonesia nếu nó chỉ đi ngang qua, song không phải ở đó để thực hiện yêu sách lãnh thổ”; và: “Nếu mục đích là để thực hiện yêu sách “đường 9 đoạn”, điều đó dĩ nhiên là không thể biện minh được”.

Nếu thực sự Indonesia hành xử như “quân tử nhất ngôn”, các nước láng giềng, tới thời điểm này, cũng đừng nên “kỳ thị” Indonesia trong câu chuyện vắc xin vậy.

RELATED ARTICLES

Tin mới