Sunday, January 12, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiViệt Nam sẽ thành lập lực lượng cứu hộ, cứu nạn theo...

Việt Nam sẽ thành lập lực lượng cứu hộ, cứu nạn theo cơ chế mới

Tại phiên làm việc thứ 3 sáng ngày 5/11, các đại biểu Quốc hội tiếp tục đưa ra đề xuất về mục tiêu phát triển bền vững, nâng cao hiệu quả các dự án thủy điện cũng như đánh giá công tác cứu hộ, cứu nạn trong mùa mưa lũ.

Đẩy mạnh liên kết với các vùng núi phía Bắc

Phát biểu tại phiên thảo luận buổi sáng, đại biểu Vương Ngọc Hà (Hà Giang) cho biết, việc thực hiện quy hoạch các vùng kinh tế vẫn chưa đạt hiệu quả cao, chưa khai thác được liên kết giữa địa phương trong phát triển. Trên thực tế, vùng núi phía Bắc là vùng khó khăn nhất trong cả nước bởi quy mô kinh tế nhỏ, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo cao, chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm, nhiều tiềm năng chưa được khai thác hết.

Đại biểu Hà khẳng định: “Đây là khu vực đóng vai trò là phên dậu của Tổ quốc. Do vậy, phát triển bền vững cần tập trung đẩy mạnh liên kết phát triển vùng gắn với phát triển bền vững”. Cụ thể, bà nêu ra một số giải pháp. Thứ nhất, cần xây dựng quy hoạch vùng gắn với quy hoạch tỉnh. Đồng thời, quy hoạch hợp lý các lĩnh vực, địa bàn kinh tế trọng điểm, xây dựng hệ thống chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, từ đó có thể định hướng đúng phát triển toàn vùng.

Thứ hai, ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông kết nối liên vùng. Theo đại biểu Vương Ngọc Hà, đây chính là nhiệm vụ trọng tâm đột phá để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội một cách toàn diện, kết nối các thị trường lớn, tiềm năng.

Đại biểu nhận định, cần triển khai đầu tư, xây dựng, hoàn chỉnh các tuyến đường cao tốc như Hà Nội – Cao Bằng – Lạng Sơn – Tuyên Quang, đặc biệt đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai đến cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy (Hà Giang). Bên cạnh đó, nâng cấp các tuyến đường kết nối các địa phương trong khu vực, thông tuyến huyết mạch, đầu tư sân bay để kết nối nội địa và quốc tế thuận lợi giúp vùng phát triển nhanh hơn.

Từng bước tháo gỡ tiêu cực, nâng hiệu quả dự án thủy điện

Liên quan đến những tác động của thủy điện, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, ngoài những nhân tố cơ bản về luật, các dự án đầu tư phải thỏa mãn việc giải quyết những biện pháp làm giảm hạn chế tiêu cực, khai thác tốt các ưu thế.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng chỉ ra, các thông tư hướng dẫn, như Thông tư 43 của Bộ Công thương đã nêu rõ tiêu chí sử dụng đất thế nào, nếu vượt quá 10 ha đất cho 1 MW thì không được xem xét. Để bổ sung dự án thủy điện vào quy hoạch cũng cần ý kiến của rất nhiều bộ, ngành.

Tuy nhiên, tranh luận về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) cho rằng nơi có nhiều nhà máy thủy điện thì lại gắn với lũ quét, lũ ống, sạt lở, ngập lụt. Trong khi đó, theo đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa), dự án thủy điện có hai mặt, nếu các cơ quan thực hiện đúng quy định, thì nên củng hộ.

Ông Thịnh phát biểu: “Tôi kiến nghị Bộ trưởng cũng nên lưu ý những tiêu cực ấy nên được kiểm soát một cách hiệu quả hơn. Đây là nhận thức chủ quan trên điều kiện khách quan. Còn nếu đúng là quả bom nổ chậm thì chúng ta phải tháo”.Ông cũng bày tỏ đồng tình với các giải pháp của Bộ Công thương, từng bước tháo gỡ những yếu tố tiêu cực, nâng cao hiệu quả sử dụng các dự án.

Cần có lực lượng cứu hộ, cứu nạn độc lập

Liên quan đến những thiệt hại do lũ lụt ở miền Trung vừa qua, đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) cho rằng điều này là do việc bố trí các khu dân cư, công trình phúc lợi, lực lượng cứu hộ, cứu nạn. Nhiều vùng sâu, vùng xa vẫn còn gặp khó khăn, trong khi đó quy hoạch các khu dân cư còn nhiều hạn chế.

Do vậy, đại biểu Tạo đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành hoàn thành sớm các quy hoạch, chi tiết hóa các bản đồ cảnh báo thiên tai, đẩy mạnh xây dựng các công trình công cộng có tính lưỡng dụng ở khu vực miền núi. Theo đó, các công trình vừa có thể phục vụ dân sinh, quốc phòng, an ninh, vừa đảm bảo công tác phòng chống thiên tai, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.

Đánh giá về công tác cứu hộ, cứu nạn trong thời điểm mưa lũ vừa qua, ông Tạo cho hay, vẫn còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng kịp thời, hiệu quả. Bởi vậy, ông đề xuất về lực lượng cứu hộ, cứu nạn độc lập: “Cần có lực lượng quân đội làm nòng cốt để đầu tư phương tiện chuyên dụng, kỹ thuật tiên tiến, hiện đại để ứng phó, cứu hộ, cứu nạn lâu dài”.

RELATED ARTICLES

Tin mới