Mặc dù Chính phủ đưa ra nhiều chính sách hướng dẫn và thúc tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước song đến nay rất nhiều “ông lớn” doanh nghiệp Nhà nước “lụt” tiến độ cổ phần.
Vì đâu doanh nghiệp chậm cổ phần hóa trong khi đây là yêu cầu và nhiệm vụ chuyển đổi về chất của Nhà nước
Nhiều nguyên nhân được đưa ra, trong đó đặc biệt là vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu. Ngoài ra, vướng mắc trong định giá tài sản và đặc biệt là việc thiếu kiên quyết của các Bộ, cơ quan chủ quản… cũng là những nguyên nhân khiến việc cổ phần hoá chậm chạp.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp hiện nay còn diễn ra rất chậm. Lũy kế từ năm 2016 đến tháng 7/2020, cả nước có khoảng 177 doanh nghiệp được các cấp thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa. Tuy nhiên, chỉ có 37/128 doanh nghiệp thuộc danh mục cổ phần hóa theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Số doanh nghiệp cổ phần hóa mới chỉ đạt 28% kế hoạch. Từ nay đến cuối năm sẽ còn có 91 doanh nghiệp thuộc diện phải cổ phần hóa theo danh mục. Cụ thể như Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Mobifone, Agribank, Tập đoàn hóa chất Việt Nam, Vinacomin, Vinafood 1… hiện vẫn chưa hoàn thành phê duyệt phương án sử dụng đất để có thể tiến hành xác định giá trị doanh nghiệp.
Hiện một số bộ chủ quản như Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng phải thoái vốn tại 8/11 tổng công ty cổ phần; trong khi đó thành phố Hà Nội phải thoái vốn tại 31/34 doanh nghiệp.
Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ vào tháng 8/2020, Bộ Tài chính nêu rõ vấn đề chủ quan dẫn đến cổ phần hóa chậm là một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và doanh nghiệp nhà nước chưa nghiêm túc, quyết liệt trong chỉ đạo và triển khai thực hiện; chưa chủ động theo thẩm quyền hoặc tham mưu, đề xuất để tháo gỡ các vướng mắc, bất cập.
“Còn hiện tượng không dám làm, không dám chịu trách nhiệm, viện dẫn vào các khó khăn vướng mắc để chậm hoặc không thực hiện gây ảnh hưởng không nhỏ tới tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn” – Bộ Tài chính nhấn mạnh.
Chuyên gia Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu, Quản lý kinh tế trung ương cho rằng, cải cách kinh tế phải gắn liền với thể chế hành chính công và bộ máy quản lý. Thời gian dài vừa qua, Việt Nam chủ yếu chỉ chú trọng cải cách thủ tục hành chính, cắt bỏ môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh… Tuy nhiên, đây chỉ là phần ngọn của vấn đề.
Theo vị chuyên gia của CIEM cải cách, tái cơ cấu phải thay đổi bộ máy quản lý, thay đổi phân bổ nguồn lực, đánh giá hiệu quả kinh tế Nhà nước toàn diện, thay đổi con người, cách thức do hiệu quả chính sách.
TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng, cần phải thay đổi cách làm, người làm và chính sách cổ phần hóa để không phải ra nhiều văn bản quy định, hướng dẫn nhưng cuối cùng qua năm này, đến năm khác cổ phần hóa vẫn vướng, vẫn tắc.
Ngoài ra, theo ông Cung, vấn đề bất cập liên quan đến cổ phần hóa là xác định giá trị doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp Nhà nước có tài sản cho thuê, tài sản ngoài sổ sách khiến khó xử lý, giải quyết để cổ phần hóa, phải xin nhiều cấp khác nhau, dẫn đến kéo dài khâu xử lý.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan bình luận, khu vực doanh nghiệp Nhà nước thừa hưởng rất nhiều lợi thế về nguồn lực đất đai, cơ chế và thị trường. Đáng lẽ với thế mạnh của mình, phải phát triển nhanh, dẫn đầu, tuy nhiên nhiều doanh nghiệp vẫn là nơi làm tròn nhiệm vụ, thậm chí phát sinh lỗ, nợ cho Nhà nước.
Thời kỳ chuyển đổi, đáng lẽ các lãnh đạo cần mạnh dạn chuyển đổi mô hình, để hướng đến doanh nghiệp Nhà nước mạnh hơn, đi đầu đổi mới. Tuy nhiên, khá nhiều lãnh đạo doanh nghiệp, doanh nghiệp viện lý do này kia để trì hoãn việc thoái vốn, cổ phần hóa. Trách nhiệm này thuộc về lãnh đạo, người đại diện vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
“Nhiều nơi, doanh nghiệp cổ phần hóa, nhưng thực chất chỉ bán vốn rất nhỏ, cơ bản phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp vẫn rất lớn. Bộ máy chỉ chuyển đổi đôi chút, nhưng kỹ năng quản trị vẫn vậy, người lãnh đạo vẫn vậy thì rất khó thay đổi, chuyển hóa về chất. Trong khi đó, thực tế thị trường đòi hỏi những tư duy mới, cách làm mới hiệu quả hơn, bài bản hơn”, chuyên gia Phạm Chi Lan cho biết.
Theo một chuyên gia đến từ Bộ Tài chính, việc bán vốn, cổ phần hóa mỗi doanh nghiệp, tập đoàn có tính chất và đặc trưng khác nhau. Chính vì vậy, nhiều lãnh đạo sợ sai, sợ làm nên cứ vin vào cơ chế, chính sách, vừa an phận, vừa bảo vệ mình.
Chính vì vậy, để đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa, cần thiết phải gắn trách nhiệm người đứng đầu, đưa ra cơ chế chính sách để xử phạt và tưởng thưởng xứng đáng. Cần thiết phải có những thử nghiệm, cách làm mới trong cổ phần hóa, vừa bảo vệ được tài sản của Nhà nước, vừa thu lợi cao nhất về cho ngân sách.