Friday, January 10, 2025
Trang chủGóc nhìn mới“Gấu Nga” nhảy vào Natuna

“Gấu Nga” nhảy vào Natuna

Vùng biển Natuna của Indonesia thời gian qua từng có lúc “nóng” do sự xuất hiện của tàu cá và tàu hải cảnh Trung Quốc. Rất có thể vùng biển này, thời gian tới, sẽ tăng nhiệt với sự hiện diện của các công ty dầu khí Nga.

Quần đảo Natuna có thể thành điểm nóng mới trên Biển Đông

Công ty ZN Asia Ltd., thuộc tập đoàn dầu khí Zarubezhneft của Nga vừa mua lại 50% cổ phần từ nhà điều hành Premier Oil tại lô Tuna ở biển Natuna (tên được Indonesia đặt cho một phần Biển Đông) của Indonesia. Sự kiện không mấy ồn ào, tuy nhiên các chuyên gia quốc tế chắc chắn không thể không quan tâm, nhất là khi cơ quan chức năng Indonesia vừa công bố cuối tháng 10 vừa qua: lô Tuna đang tiến gần hơn tới việc hoàn thành giai đoạn thăm dò và kế hoạch phát triển sẽ sớm được đề xuất để sớm góp phần nâng cao sản lượng khai thác của Indonesia.

Thực ra, sự quan tâm của dư luận đối với sự kiện trên không mấy khó hiểu. Indonesia không nằm trong số “5 nước 6 bên” liên quan tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, vậy mà thời gian qua, họ cũng từng là nạn nhân gây hấn của Trung Quốc.

Nhiều người hẳn chưa quên, đầu năm nay, vào ngày 8/1, tổng thống Indonesia, ông Joko Widodo – đã tới thăm quần đảo Natuna. Người đứng đầu quốc gia thăm một địa phương là điều bình thường. Vậy mà sự hiện diện của ông Joko Widodo thời điểm đó, được coi là bất thường. Vì lẽ, nó không nằm trong kế hoạch liệu trước, mà là một chuyến thị sát đột xuất căn cứ hải quân Raden Sadjad thuộc huyện Natuna. Ông Joko Widodo không rỗi, luôn ngập trong hàng núi công việc trong tư cách người đứng đầu quốc gia. Nhưng thời điểm đó, ông cần hiện diện tại Natuan để phản ứng lại việc Trung Quốc ngang ngược cho tàu hải cảnh hộ tống hàng chục tàu cá vào khu vực vùng biển quần đảo này để thả lưới đánh bắt.

Phát biểu như ném vào mặt Bắc Kinh, ông Joko Widodo khẳng định “chủ quyền quốc gia (đối với Natuna) là không thể bàn cãi”. Cùng với lời nói là hành động, người đứng đầu quốc đảo này đã lệnh điều nửa nghìn tàu cá đến vùng biển Natuna để hành nghề.

Dễ trước đó, ngư dân Indonesia không hành nghề chắc? Không. Là nói thế, thực chất, cùng với đánh bắt hải sản, nửa nghìn tàu cá kia còn có nhiệm vụ canh chừng Trung Quốc. Những gì từng xảy ra trên Biển Đông đã dạy cho Indonesia rằng: sao có thể tin hoàn toàn Trung Quốc một khi Bắc Kinh nhất quyết đòi cả Biển Đông với “đường lưỡi bò” tham lam, bất chấp phán quyết của Tòa trọng tài LHQ (PCA) bác bỏ chính thức từ tháng 7 năm 2017. Trong cơn khát năng lượng ví như con bạc khát nước, chẳng điều gì Trung Quốc không thể làm, nhất là khi, con mắt cú vọ từ Bắc Kinh đã nhìn thấy tiềm năng to lớn về dầu khí tại khu vực này. Nếu chủ quan,Indonesia có thể thành nạn nhân tiếp theo của Trung Quốc như Philippines trong vụ bãi cạn bãi cạn Scarborough năm 2012, để rồi bị Trung Quốc đòi chia phần (?!) dưới con bài “khai thác chung”.

Trước đó, năm 2017, Indonesia từng có động thái đáng chú ý khi đổi tên một vùng biển ngoài khơi Natuna thành “biển Bắc Natuna” – một hành động cảnh giác, nhưng khiến Trung Quốc khó chịu.

Thế nên, trong vụ dầu khí tại Natuna, Trung Quốc hẳn càng tức tối hơn khi người đứng đầu lực lượng đặc nhiệm quản lý các dự án dầu khí thượng nguồn (SKKMigas), ông Dwi Soetjipto cho biết Indonesia đang hợp tác với Việt Nam do mỏ dầu khí này có vị trí địa chính trị quan trọng, nằm giáp đường phân định với Việt Nam, chỉ cách quốc gia hình chữ S khoảng 385 km. Premier Oil và Tập đoàn Dầu khí VN (PVN) đã ký biên bản ghi nhớ về việc thu mua dầu khí từ lô Tuna…

Đường đường là quốc gia đang ra sức tô vẽ bộ mặt cường quốc “trỗi dậy hòa bình” mà bị Jakarta gương mắt cảnh giác như trước mặt là giặc, đuổi như đuổi tà, trong khi đó, anh “gấu Nga” xa xôi cùng anh Việt Nam lại được trải thảm mời vào hợp tác, Trung Quốc không tức tối sao được?

Thế nên chưa biết chừng, Indonesia lại sẽ sắp phải đối phó với những trò mới của Trung Quốc trên vùng biển Natuna.

RELATED ARTICLES

Tin mới