Sunday, November 24, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTQ với tham vọng 'định hình chiến tranh'

TQ với tham vọng ‘định hình chiến tranh’

Quân đội Trung Quốc đặt mục tiêu đạt thế chủ động trong chiến tranh vào năm 2025, nhưng tham vọng này khó thành hiện thực vì trở ngại công nghệ.

“Quân đội Trung Quốc phải mở rộng các phương pháp tiếp cận chiến lược để bắt kịp, vượt qua và đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi từ thích ứng thụ động sang chủ động định hình cách thức tiến hành chiến tranh”, thượng tướng Hứa Kỳ Lượng, phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc, viết trong kế hoạch phát triển quân đội Trung Quốc (PLA) tới năm 2025.

Trong bài viết được Nhà xuất bản Nhân dân công bố đầu tháng 11, tướng Hứa nhận định Trung Quốc “phải phát huy hết tác dụng của động lực cải cách” nhằm xây dựng lực lượng quân đội kiểu mới. “Hãy luôn nhớ rằng một quốc gia sẽ gặp nguy nếu lãng quên chiến tranh hay không chuẩn bị đầy đủ cho chiến tranh”, ông viết.

Trung Quốc đặt mục tiêu xây dựng quân đội hiện đại vào năm 2027 trong kế hoạch 5 năm lần thứ 14 được công bố sau phiên họp của Ủy ban Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc hồi tháng 10.

Chuyên gia quân sự Trung Quốc Tống Trung Bình nhận định việc tướng Hứa nhấn mạnh hoạt động “định hình phương thức chiến tranh” cho thấy PLA “sẽ tập trung hơn vào phát triển vũ khí phù hợp với khả năng phát động chiến tranh trong tương lai và ở những nơi mà quốc gia khác yếu thế hơn”.

Theo chuyên gia này, trong những năm qua, PLA chỉ phản ứng một cách thụ động với kế hoạch của các nước khác cũng như những vũ khí mà họ sở hữu. “Nếu chúng ta trên cơ trong việc quyết định cách thức tác chiến và phát triển chiến lược của riêng mình, các nước khác sẽ phải theo sau”, ông nói.

Lĩnh vực máy bay không người lái (UAV) sẽ được đầu tư để đảm bảo cho các quân binh chủng đều được trang bị khí tài này, ông Tống cho biết.

Các chuyên gia quân sự quốc tế cho rằng đây có thể là sự thay đổi chiến lược lớn của quân đội Trung Quốc. “Từ ngữ của tướng Hứa cho thấy Trung Quốc đang cố gắng giành thế chủ động và định hình các sự kiện quân sự”, Malcolm Davis, chuyên gia chiến lược và năng lực quốc phòng thuộc Viện Chính sách Chiến lược Australia, nêu ý kiến.

“Chúng còn có thể cho thấy Trung Quốc tìm cách xác lập vị thế chủ động trong công nghệ quân sự bằng cách áp dụng đổi mới mang tính đột phá, có thể là áp dụng công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), hệ thống tự điều khiển, siêu vượt âm, chiến tranh không gian và nhiều thứ khác”, Davis nói.

Michael Raska, trợ lý giáo sư tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, cho biết Trung Quốc tự tin hơn khi năng lực công nghệ của họ đã phát triển. Tuy nhiên, Bắc Kinh sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức khi tìm cách giành thế chủ động trong chiến tranh “do khoảng cách công nghệ quân sự của PLA so với các cường quốc khác còn khá xa”.

Chuyên gia Davis cho biết các quốc gia trong khu vực và Mỹ sẽ tìm cách đối phó việc Trung Quốc chuyển sang thế chủ động trong chiến tranh. “Họ có thể tìm cách không chỉ làm suy giảm hay vô hiệu hóa lợi thế tấn công trước của Trung Quốc, mà còn đảo ngược chúng”, Davis nói.

RELATED ARTICLES

Tin mới