Theo Phó Thủ tướng, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam cần có sự đột phá về các chính sách thuế, tín dụng.
Văn phòng Chính phủ vừa thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về các giải pháp thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.
Tại cuộc họp này, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kết luận, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam cần có sự đột phá về các chính sách thuế, tín dụng để tháo gỡ các nút thắt, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước phát triển.
Trong đó, cần điều chỉnh chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt theo hướng không tính giá trị linh kiện sản xuất trong nước vào giá trị tính thuế đối với ô tô. Hình thành gói tín dụng ưu đãi cho ngành công nghiệp ô tô và công nghiệp hỗ trợ.
“Việc điều chỉnh chính sách thuế, tín dụng có thể tác động đến thu ngân sách trong ngắn hạn, nhưng sẽ là động lực lớn để khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, qua đó nâng cao năng lực của doanh nghiệp và sản phẩm ô tô Việt Nam”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhận xét.
Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương, NHNN nghiên cứu, đề xuất các chính sách về thuế, tín dụng ưu đãi, tạo điều kiện cho ngành công nghiệp ô tô và công nghiệp hỗ trợ trong nước phát triển.
Giao Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu kinh nghiệm các nước trong khu vực và một số nước trên thế giới có nền công nghiệp ô tô phát triển, đề xuất giải pháp về cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho một số doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô lớn phát huy vai trò đầu tàu, dẫn dắt, hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước phát triển.
Trước đó, ngày 25/5/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 57/2020 sửa đổi, bổ sung một số nội dung của biểu thuế xuất khẩu, nhập khẩu ưu đãi. Nghị định có hiệu lực từ 10/7/2020.
Trong đó, có quy định thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi 0% đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được để sản xuất, gia công (lắp ráp) các sản phẩm hỗ trợ ưu tiên phát triển cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô.
Theo bảng phụ lục của nghị định này, có 27 nhóm với hàng trăm chủng loại linh kiện phụ tùng ô tô được hưởng thuế suất 0%, với điều kiện đáp ứng theo quy định của Bộ KHCN.
Trước đó, trao đổi với Đất Việt, các chuyên gia khẳng định, ngành công nghiệp ô tô có phát triển thì công nghiệp hỗ trợ mới Việt Nam. Tuy nhiên, việc ưu đãi thuế, phí cần tính toán thận trọng.
Theo TS Trần Hữu Nhân, Trưởng khoa Kỹ thuật giao thông, Đại học Bách khoa TP.HCM, ưu đãi thuế, phí ít nhiều có tác dụng tức thời nhưng đó không phải là giải pháp căn cơ, bền vững.
Ông cho rằng, Việt Nam cần xác định có phải làm một chiếc ô tô từ đầu đến cuối hay không khi bây giờ là xu hướng toàn cầu, bản thân ô tô là một sản phẩm đa ngành, đa quốc gia và theo chuẩn thế giới, không có hãng xe nào tự làm 100% chiếc ô tô với hàng trăm ngàn chi tiết lớn nhỏ khác nhau.
Việt Nam muốn phát triển công nghiệp hỗ trợ thì trước tiên phải xác định thứ mình làm ra bán cho ai, tính cạnh tranh của thiết bị, linh kiện đó trên thế giới như thế nào? Phải nhìn thấy được tiềm năng của thị trường đầu ra và một khi tiềm năng thị trường thì ngay cả khi Nhà nước không hỗ trợ, doanh nghiệp cũng sẽ tự động đầu tư, phát triển.
Vấn đề quan trọng nhất, theo TS Trần Hữu Nhân, là Nhà nước nên tập trung đầu tư đó là nguồn nhân lực chất lượng cao.
“Chất xám mới là yếu tố quan trọng nhất. Hiện nay chúng ta có nhân lực nhưng lại không khai thác được. Cho nên, đối với công nghiệp ô tô Việt Nam, đầu tiên phải tính đến đầu ra, phải phù hợp với xu hướng phát triển và nhất là phải tập hợp được lực lượng, phải có chiến lược từ đó xây dựng chính sách phát triển thì mới bền vững”, TS Trần Hữu Nhân nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, GS.TS Nguyễn Khắc Trai, nguyên giảng viên Bộ môn ô tô và xe chuyên dụng, Đại học Bách khoa cho rằng, để phát triển công nghiệp ô tô Việt Nam, các chính sách ưu đãi về thuế chỉ là biện pháp tức thời, phải quan tâm tới những biện pháp dài hơi hơn.
Những biện pháp dài hơi ấy, theo GS.TS Nguyễn Khắc Trai, bao gồm: Trước hết, phải đẩy mạnh công nghiệp cơ khí, đó cũng là nền tảng cho cả nền công nghiệp chung của đất nước. Công nghiệp cơ khí khi được mở rộng sẽ tham gia vào công nghiệp hỗ trợ, ở đây là công nghiệp hỗ trợ cho ô tô. Tuy nhiên, không vì thế mà bắt công nghiệp cơ khí chỉ hỗ trợ cho ô tô mà nó phục vụ đa ngành.
Thứ hai, đào tạo nhân lực có đủ khả năng để quản lý và phát triển công nghệ, các dịch vụ xung quanh việc phát triển sau bán hàng của công nghiệp ô tô, trong đó quan trọng nhất là thực hiện các quy chuẩn quốc tế về ô tô.
Thứ ba, tạo điều kiện cho người dân dùng ô tô, đặc biệt phải phát triển giao thông một cách đồng bộ thì mới khuyến khích được người dân mua xe, tăng sản lượng ô tô bán ra, từ đó mới thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư vào ngành.
Ông cũng đề nghị, thay vì hỗ trợ tràn lan, Nhà nước nên khuyến khích, ưu đãi cho ngành công nghiệp hỗ trợ sản xuất những chi tiết then chốt, mang tính chất linh hồn của chiếc ô tô như động cơ, hệ thống truyền lực… để giảm giá thành và giảm phụ thuộc vào bên ngoài, giúp Việt Nam chủ động được sản phẩm của mình.
Doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô của Việt Nam hay doanh nghiệp FDI muốn đầu tư vào ngành ô tô Việt Nam cũng phải thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ nói trên và Nhà nước cũng chỉ ưu đãi cho phần công nghiệp hỗ trợ đó mà thôi.