Friday, January 10, 2025
Trang chủĐiểm tinMyanmar đứng trước nhiều thách thức lớn hậu bầu cử

Myanmar đứng trước nhiều thách thức lớn hậu bầu cử

Mặc dù giành chiến thắng song Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) cầm quyền của nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, cần chính sách lớn để thúc đẩy nền dân chủ và tăng trưởng kinh tế.

Nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi.

Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) cầm quyền của nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi đã giành được đủ số ghế trong Quốc hội để thành lập chính phủ tiếp theo trong cuộc bầu cử. Điều này đánh dấu chiến thắng tiếp theo của Đảng Liên đoàn Quốc gia vì dân chủ tại quốc gia này. Tuy nhiên dự báo Đảng này sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, cần chính sách lớn để thúc đẩy nền dân chủ và tăng trưởng kinh tế.

Một trong những thách thức của chính phủ đó là hòa giải dân tộc. Trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, bà Suu Kyi đã tìm cách thúc đẩy một thỏa thuận hòa bình mới trên toàn quốc với các nhóm vũ trang dân tộc thiểu số khác nhau. Tuy nhiên kết quả vẫn chưa đạt được tiến triển như mong đợi, với sự phức tạp cố hữu tại một số khu vực của đất nước. Một số nhóm vũ trang nhận được nguồn tài chính lớn từ hoạt động kinh doanh bất hợp pháp không sẵn sàng chấp nhận các yêu cầu của chính phủ. Trong khi đó  nhiều nhóm dân tộc thiểu số được trang bị vũ khí và trên thực tế có quyền kiểm soát các khu vực của đất nước đã có những cuộc giao tranh liên miên trong nhiều thập kỷ. Xung đột này được thể hiện khả rõ trong quá trình bầu cử khi một số khu vực, Ủy ban Bầu cử đã hủy bỏ việc bỏ phiếu do giao tranh đang diễn ra.      

Thách thức thứ hai đó là cần phải đảm bảo mối quan hệ suôn sẻ với lực lượng quân đội. Theo Hiến pháp Myanmar, quyền lực của chính phủ bị chia sẻ, trong đó lực lượng quân đội được đảm bảo có đến 25% trong tổng số ghế nghị sỹ Quốc hội và kiểm soát 3 bộ chủ chốt là Bộ Quốc phòng, Bộ Biên giới và Bộ Nội vụ. Nhiệm kỳ đầu tiên cho thấy Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ vẫn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của lực lượng quân đội, bao gồm việc sửa đổi Hiến pháp và duy trì hòa bình với các cộng đồng người dân tộc thiểu số. Chính vì vậy bước vào nhiệm kỳ 2, chính phủ mới của nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi tiếp tục phải tìm ra được phương thức hợp tác với quân đội để các hoạt động diễn ra suôn sẻ.

Thực tế những thách thức này là vấn đề cố hữu của Myanmar nhiều năm qua. Ngoài ra chính phủ mới sẽ phải đối mặt với những thách thức đang nổi lên, trong đó có dịch Covid-19 tác động mạnh đến nền kinh tế, đặt ra nhiều thách thức cho  tiến trình dân chủ hóa đất nước và hòa giải dân tộc tại quốc gia Đông Nam Á này. Myanmar là một trong những quốc gia Đông Nam Á đang đối mặt với tình hình dịch nghiêm trọng nhất, trong khi lệnh phong tỏa đã khiến hàng trăm nghìn người mất việc làm.

Kể từ trước khi đại dịch bùng phát, 1/3 trong tổng số 53 triệu dân Myanmar có nguy cơ cao rơi vào cảnh nghèo đói. Giờ đây, các biện pháp hạn chế mới càng khiến tình hình trầm trọng hơn. Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định dịch Covid-19 đang giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế Myanmar, có nguy cơ đảo ngược một phần những tiến bộ nước này mới đạt được trong cuộc chiến giảm nghèo đói.

Bất chấp những khó khăn phía trước nhưng nhiều người dân Myanma vẫn bày tỏ tin tưởng vào năng lực lãnh đạo của Đảng cầm quyền: “Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ cần chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử để tiếp tục thay đổi hiến pháp. Chúng tôi cảm thấy yên tâm vì chúng tôi sẽ có hiến pháp dân chủ ở Myanmar”.

“Cuộc bầu cử này có tầm quan trọng đối với đất nước trong dài hạn. Chúng tôi mong muốn đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ giành chiến thắng 100%. Tôi tin rằng, nền kinh tế Myanmar sẽ tốt hơn trong 5 năm tới với chiến thắng thuộc về đảng cầm quyền”.

Với kết quả của cuộc bỏ phiếu một lần nữa cho thấy người dân ủng hộ và công nhận Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ, nhưng có lẽ vẫn còn nhiều việc phải làm để đảng này cải thiện tình hình và đối phó với các thách thức.

RELATED ARTICLES

Tin mới