Joe Biden tự thể hiện mình là ứng cử viên tổng thống của bình-thường-cũ, người đi dép êm trên thảm, sẽ làm cho nước Mỹ ngủ ngon vào ban đêm. Nhưng sự kiệt quệ tinh thần của nước Mỹ chỉ một phần là do những dòng tweet loạn trí từ Nhà Trắng.
Trung Quốc, chứ không phải Trump, vẫn là kẻ phá rối lớn trên toàn cầu và tổng thống mới sẽ phải vạch ra một kế hoạch để kiềm chế sức mạnh ngày càng bành trướng của Bắc Kinh, theo The Australian.
Cho đến khi Biden đưa ra những giải pháp tốt, thế giới vẫn sẽ bị bao trùm bởi cảm giác lo lắng âm ỉ.
Điều dường như đang nổi lên từ nhóm Biden – một số họ đã tham gia vào chiến dịch được cho là xoay trục sang châu Á của Barack Obama – là ý tưởng về các liên minh giao thoa để giải quyết các vấn đề khác nhau liên quan đến thách thức Trung Quốc.
Điều ngạc nhiên lớn nhất là trung tâm của trật tự mới đã được lên kế hoạch này là trục Mỹ – Nhật Bản. Nếu tất cả những điều này diễn ra, Mỹ có thể đảm bảo tương lai của đất nước trong tư cách là một cường quốc ở Thái Bình Dương, Trung Quốc sẽ buộc phải giảm bớt tham vọng – và Nhật Bản sẽ được coi là người chơi không thể thiếu ở phương Đông.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Việt Nam tháng 11/2015
Trump đã đúng khi liên kết nhận thức về sự đi xuống của Mỹ với sự mở rộng không kiểm soát về thương mại và ảnh hưởng của Trung Quốc. Nhưng dường như với ông giải pháp phải là một trận đấu quyết liệt, một cuộc đọ sức về ý chí và cường lực giữa hai cường quốc. Trên thực tế, việc kiềm chế sẽ thành công hơn nếu nó được thực hiện giống như cách người Lilliputians kiềm chế Gulliver bằng hàng chục nghìn sợi chỉ nhỏ.
Sự cần thiết phải kiềm chế Trung Quốc là rõ ràng. Đầu tháng này, một quan chức Bắc Kinh chuẩn bị cho kế hoạch 5 năm nói rằng ưu tiên của Trung Quốc là tự cung cấp công nghệ. Trung Quốc vẫn quá phụ thuộc vào chất bán dẫn của Mỹ hoặc bạn bè của Mỹ, điều này khiến nước này dễ bị trừng phạt. Dự kiến chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển cao hơn trong các lĩnh vực như công nghệ sinh học, chất bán dẫn và xe năng lượng sạch. Đương nhiên, điều này cũng sẽ kéo theo nhiều gián điệp công nghiệp hơn. Và Huawei đang lên kế hoạch xây dựng một nhà máy chip khổng lồ ở Thượng Hải để thay công nghệ Mỹ.
Các liên minh mới hình thành từ lo ngại chung về Trung Quốc vượt ra ngoài phạm vi địa lý gần với Bắc Kinh. Tư cách thành viên của họ cũng ít chính thức hơn Nato, nhưng tất cả đều thừa nhận vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ. Bộ tứ – Ấn Độ, Úc, Nhật Bản và Mỹ – là trọng tâm của sứ mệnh kềm chế Trung Quốc.
Một cuộc xung đột ngoại giao và thương mại đang đầu độc mối quan hệ của Úc với Bắc Kinh; Lính Ấn Độ va chạm với lính biên phòng Trung Quốc trên dãy Himalaya; Trung Quốc thèm muốn một số đảo của Nhật Bản. Bộ tứ có thể được bổ sung bởi một T12 gồm các nền dân chủ có công nghệ tiên tiến, vốn đang lo lắng về việc Bắc Kinh sẽ thu thập các bí mật công nghiệp của họ. Nhóm T12 sẽ gồm Anh, Pháp, Đức, Canada, Hàn Quốc, Úc, Ấn Độ, Thụy Điển, Phần Lan, Israel và tất nhiên, Mỹ và Nhật Bản. Đây sẽ là diễn đàn thông minh nhất để đưa ra quan điểm chung về sự tham gia của Huawei trong việc triển khai 5G.
Các nhóm này phục vụ hai mục đích: mang lại sự đồng thuận toàn cầu quanh các mối đe dọa gây ra bởi một cường quốc đang trỗi dậy nhanh chóng, và xác định rằng Trung Quốc không chỉ đơn giản là một vấn đề của châu Á.
Nó không hẳn là việc tạo ra các thể chế mới mà là sự thấu hiểu rằng một cách tiếp cận đa quốc gia, thay vì nỗ lực chí chết của một siêu quyền lực, là cách hiệu quả nhất để giữ an toàn và cảnh giác.
Ngày càng có nhiều thỏa thuận song phương, được xây dựng dựa trên hứa hẹn về hành động quân sự chung nếu ai đó đang bị đe dọa.
Một thỏa thuận quốc phòng mới giữa Australia và Nhật Bản quy định các cuộc tập trận chung, sự hộ tống của Nhật Bản với các tàu của Úc và cảnh giác trước việc Trung Quốc chiếm đảo Senkaku, cũng là nơi mà Nhật Bản tuyên bố chủ quyền.
Liệu điều đó có đủ để ngăn chặn một hành động đã rồi của Trung Quốc chống lại lãnh thổ Nhật Bản?
Có lẽ không, nhưng ý thức về một cộng đồng Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đã đang khích lệ các nước trong khu vực. Ấn Độ, vốn từng tự nhận mình là không liên kết, giờ đây tự cho mình tự do lựa chọn đồng minh.
Và vào thời điểm quân đội biên giới của họ đang bị Trung Quốc đánh đập, tự do lựa chọn đó chuyển thành sự hợp tác chặt chẽ hơn với Mỹ.
Nhật Bản đã và đang tổ chức các cuộc tập trận đổ bộ đường biển với các đơn vị từ tất cả binh chủng của Mỹ. Bộ Quốc phòng Nhật Bản đang cố gắng tăng ngân sách của mình lên hơn 8%.
Cựu thủ tướng Shinzo Abe đã học cách điều đối phó với tính cách lập dị của Trump nhưng vẫn luôn có một nghi ngờ kéo dài tại Nhật bản, cũng như ở phần lớn châu Á, về điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Nếu Trump đạt được thỏa thuận thế kỷ với Trung Quốc, liệu ông ta có tung hô Chủ tịch Tập là đối tác mới của mình và bỏ mặc những người bạn của ông ở Đông Nam Á?
Những câu hỏi này vẫn chưa được giải quyết bởi sự xuất hiện của Joe Biden. Trong lúc gấp rút giành được sự ủng hộ của Trung Quốc cho một thỏa thuận về biến đổi khí hậu, ông có thể trở thành một đồng minh không đáng tin cậy với những người muốn ngăn chặn thách thức từ Bắc Kinh. Đó là một mối đe dọa nhiều lớp, từ xâm nhập mạng internet đến ngoại giao pháo hạm, từ mua chuộc các chính trị gia nước ngoài đến thao túng truyền thông – cần phải giảm thiểu hỏa lực.