Monday, November 25, 2024
Trang chủBiển nóngGiữa đại dịch, Biển Đông căng như dây đàn

Giữa đại dịch, Biển Đông căng như dây đàn

Nhìn chung, căng thẳng đã tăng lên ở Biển Đông trong năm 2020 và đại dịch Covid-19 đã tác động cho vấn đề thêm căng thẳng.

Là một đại biểu tại Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 12 diễn ra từ ngày 16 – 17.11, ông Gregory B.Poling đã gửi đến Thanh Niên bài phân tích về tình hình Biển Đông trong năm 2020. Thanh Niên lược trích đăng sau đây.
Trong giai đoạn đầu của đại dịch Covid-19, chúng ta chưa thể vội kết luận liệu tình hình của đại dịch có trùng hợp với các hành vi tồi tệ xảy ra ở Biển Đông hay không khi nhiều quốc gia lo giải quyết vấn đề trong nước. Nhưng giờ đây, chúng ta đã có đầy đủ dữ liệu để nhận định về vấn đề vừa nêu.

Hành vi của Trung Quốc

Bài phân tích này đánh giá các hành động, bao gồm các hành động thực địa cũng như bằng ngoại giao, của Trung Quốc, Mỹ và các thành viên ASEAN trong đại dịch. Thực tế, bức tranh về các diễn biến khá phức tạp và khó tách bạch rõ ràng về những diễn biến nào do tác động bởi đại dịch với mối ảnh hưởng tương quan.
Tuy nhiên, một điều rất rõ ràng là Trung Quốc đã tăng cường thể hiện sức mạnh quân sự lẫn tần suất hoạt động ở các vùng biển tranh chấp mà nước này có tuyên bố chủ quyền. Trong nửa đầu năm 2020, diễn biến này trùng hợp với sự trỗi dậy của chính sách ngoại giao “chiến lang” của Trung Quốc, khi các quan chức nước này vốn đang nhạy cảm với những chỉ trích liên quan đến đại dịch, tìm cách tăng cường sự ủng hộ của dư luận trong nước.

Chính sách của Mỹ

Với Mỹ, thực tế nhịp độ hoạt động của hải quân nước này (bao gồm thực hiện tự do hàng hải, tập trận, thời lượng hoạt động trên biển…) không thay đổi đáng kể so với năm trước. Nhưng thông điệp ngoại giao công khai của Washington trở nên mạnh mẽ hơn. Nửa đầu năm 2020, Bộ Ngoại giao Mỹ đã bắt đầu gửi đi các văn bản ngoại giao lên LHQ sau khi Malaysia đệ trình công hàm về Biển Đông lên LHQ hồi tháng 12.2019.
Đến tháng 7, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã nêu quan điểm của Washington khẳng định các hành động của Bắc Kinh ở Biển Đông, đi ngược lại phán quyết của tòa trọng tài quốc tế năm 2016, là phi pháp. Tiếp đó, Bộ Thương mại Mỹ đưa 24 doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc vào danh sách bị trừng phạt vì có liên quan các hoạt động xây dựng trái phép trên quần đảo Trường Sa ở Biển Đông.
Bên cạnh đó, thông qua các diễn đàn quốc tế, giới chức Mỹ đã tăng cường mức độ chỉ trích về hành động của Trung Quốc trên Biển Đông. Phần lớn các động thái này đến từ chiến lược mà chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump áp dụng theo cách tiếp cận “cứng rắn với Trung Quốc”, ngay trước thềm cuộc đua vào Nhà Trắng 2020.

Động thái của Việt Nam

Trong khi đó, đối với vấn đề Biển Đông, cách tiếp cận của các nước ASEAN lại có nhiều khác biệt với nhau. Việt Nam vẫn là quốc gia có khuynh hướng luôn tiến về phía trước, sẵn sàng lên tiếng bảo vệ các quyền của mình và chỉ trích hành vi của Trung Quốc.
Năm ngoái, Bắc Kinh đã có thời gian dài điều động tàu quấy rối ở Trường Sa. Rồi đầu năm nay, tàu hải cảnh Trung Quốc đã đâm chìm một tàu cá của ngư dân Việt Nam ở khu vực quần đảo Hoàng Sa. Ngoài ra, Việt Nam cũng đã tăng cường hợp tác với các bên để phối hợp xử lý các thách thức.

Nhật – Úc hướng đến hiệp ước quốc phòng

Truyền thông Nhật Bản hôm qua 16.11 đưa tin Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga và người đồng cấp Úc Scott Morrison dự kiến sẽ ký kết Thỏa thuận tiếp cận tương hỗ (RAA) tại Tokyo (Nhật), thiết lập khuôn khổ pháp lý cho lực lượng hai bên đến thăm để huấn luyện, tiến hành hoạt động quân sự chung.

“Sẽ có thông báo quan trọng từ cuộc hội đàm giữa hai lãnh đạo”, Reuters dẫn lời một quan chức của Bộ Ngoại giao Nhật Bản nói trong buổi họp báo, nhưng không nêu chi tiết. Hai bên mất 6 năm để đàm phán RAA và hiệp ước phải được quốc hội phê chuẩn. Đây được cho là động thái nhằm thắt chặt mối quan hệ giữa hai đồng minh quan trọng của Mỹ ở châu Á trong bối cảnh Trung Quốc đẩy mạnh các hoạt động quân sự ở một số vùng biển và tăng cường sức ảnh hưởng tại những đảo quốc Thái Bình Dương.

Phúc Duy

Trong khi đó, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte dường như đã phải từ bỏ hy vọng vào việc thắt chặt hợp tác kinh tế với Trung Quốc sẽ giúp giảm căng thẳng giữa hai bên xung quanh vấn đề Biển Đông. Và từ đó, Manila đã đưa ra những lời chỉ trích mạnh mẽ hơn nhằm vào Bắc Kinh khi ông Duterte có bài phát biểu trước LHQ. Đó dường như cũng là lý do khiến cho Tổng thống Duterte tạm ngưng đe dọa hủy Thỏa thuận Lực lượng thăm viếng (VFA) giữa Mỹ với Philippines.
Manila cũng công bố dỡ bỏ lệnh cấm thăm dò năng lượng ở Biển Đông. Lệnh cấm này vốn đã được giữ vững trong nhiều năm (vì Philippines không muốn thăm dò năng lượng dẫn đến căng thẳng với Trung Quốc – TN). Về phía Malaysia thì các chính sách về Biển Đông có vẻ im ắng hơn trong năm nay, mà nguyên nhân có thể do tình hình chính trị trong nước hơn là đại dịch.
Nhìn chung, căng thẳng đã tăng lên ở Biển Đông trong năm 2020 và đại dịch Covid-19 đã tác động cho vấn đề thêm căng thẳng.
RELATED ARTICLES

Tin mới