Thursday, December 19, 2024
Trang chủBiển nóngThông tin Biển ĐôngNhìn lại tình hình Biển Đông năm 2020 và một số dự...

Nhìn lại tình hình Biển Đông năm 2020 và một số dự báo trong năm 2021

Năm 2020, thế giới phải chứng kiến những tác động ảnh hưởng và sự “tàn phá” vô cùng lớn của thiên tai, dịch bệnh. Đó là đại dịch Covid-19, một đại dịch chưa từng có trong lịch sử; đó là bão lụt, lở đất khủng khiếp trên diện rộng với hậu quả gây thiệt hại hết sức nặng nề cho các nước, nhất là về kinh tế và nhân mạng.

Nhiều nước cho đến thời điểm này vẫn đang vật lộn với đại dịch và bão lũ, nhưng xem ra kết quả không mấy tích cực. Nhất là kết quả chống đại dịch, một số nước châu Âu đã phải kích hoạt trở lại chiến dịch phong tỏa toàn quốc để đối phó với Covid-19. Trong bối cảnh như vậy, thế giới nói chung, các nước ven Biển Đông nói riêng rất cần có môi trường an ninh ổn định để tập trung sức đối phó với thiên tai, dịch bệnh. Thế nhưng, tình hình Biển Đông năm 2020 vẫn diễn biến rất phức tạp, khiến nhiều nước phải mất nhiều công sức và tốn kém nhiều nguồn lực để đối phó.

Nhìn tổng thể, trong năm 2020, Biển Đông có nhiều sự kiện thu hút sự quan tâm của các nước trong khu vực và thế giới, nhất là việc Trung Quốc đã lợi dụng thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp để hành động trục lợi, bất chấp luật pháp quốc tế, trong đó nổi lên các hoạt động sau:

Thứ nhất, bất chấp thiên tai và đại dịch, Trung Quốc vẫn tiếp tục thúc đẩy tuyên bố chủ quyền phi lý ở Biển Đông, đồng thời tiến hành nhiều hoạt động trên thực địa trái với luật pháp quốc tế, khiến cộng đồng quốc tế rất lo ngại.

Trong năm 2020, các mục tiêu, chính sách của Trung Quốc tại Biển Đông vẫn không hề thay đổi. Nước này tiếp tục thúc đẩy tuyên bố chủ quyền và quyền tài phán phi lý trên hầu hết Biển Đông, đồng thời làm suy yếu tuyên bố chủ quyền của các nước Đông Nam Á tại vùng biển này. Đáng chú ý là, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát và gây ảnh hưởng nặng nề cho các nước ven Biển Đông, Trung Quốc lại đẩy mạnh các hoạt động tại đây để chứng tỏ với công chúng trong và ngoài nước rằng, ý chí chính trị và năng lực quân sự/bán quân sự của nước này không hề bị ảnh hưởng. Theo đó, Bắc Kinh tiếp tục sử dụng và triển khai các lực lượng dân sự, quân sự, nhất là hải quân, cảnh sát biển và dân quân biển hoạt động trên Biển Đông nhiều hơn. Họ đã gia tăng sự hiện diện của tàu cá tại các vùng biển gần quần đảo Natuna của Indonesia vào tháng 12/2019 và đầu năm 2020; triển khai tàu khảo sát thăm dò địa chất ở Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Brunei, Malaysia, Việt Nam và Philippines; tái khẳng định các yêu sách phi lý về chủ quyền ở Biển Đông lên Liên hợp quốc, đồng thời bác bỏ tuyên bố chủ quyền hợp pháp của các nước Đông Nam Á; quấy nhiễu và trong một trường hợp, tàu Trung Quốc đã đâm chìm tàu cá của Việt Nam khi con tàu này đang hoạt động bình thường trong EEZ của Việt Nam; tiếp tục đơn phương áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá ở khu vực phía Bắc Biển Đông từ ngày 1/5 tới ngày 16/8/2020. Tháng 4/2020, Bắc Kinh công bố thành lập hai đơn vị hành chính mới bao gồm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, đồng thời đặt tên cho 80 cấu trúc địa hình khác, trong đó có nhiều thực thể nằm sát bờ biển của Việt Nam. Đây là bước đi không chỉ trước mắt nhằm thúc đẩy tuyên bố chủ quyền đối với nguồn tài nguyên trong cái gọi là “đường chín khúc”, mà còn là sự tính toán lâu dài trong âm mưu “độc chiếm” Biển Đông của Trung Quốc. Chưa hết, Bắc Kinh còn sử dụng các tàu chiến của hải quân và tàu của lực lượng cảnh sát biển để gây sức ép đối với các quốc gia trong khu vực. Họ công khai treo cờ Trung Quốc ở các vùng biển mà Việt Nam, Philippines, Malaysia và Indonesia tuyên bố chủ quyền.

Cùng với các hoạt động trên, Hải quân Trung Quốc gia tăng tần suất các cuộc tập trận quân sự tại Biển Đông, triển khai máy bay tuần tra tới các đảo nhân tạo mà nước này xây dựng trái phép ở Trường Sa. Cuối tháng 8/2020, trong một động thái phô trương lực lượng, Quân đội Trung Quốc đã phóng 4 tên lửa đạn đạo tầm trung chống tàu, còn được gọi là “sát thủ tàu sân bay”, từ Trung Quốc đại lục ra Biển Đông. Đặc biệt, so với các năm trước, tần suất các cuộc tập trận quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông trong năm 2020 nhiều hơn hẳn. Ngày 8/9/2020, lần đầu tiên 2 tàu sân bay của nước này cùng nhau tiến hành tập trận đồng thời trên biển, sau khi tàu sân bay nội địa Sơn Đông được hạ thuỷ tháng 12/2019. Đây là hoạt động chưa từng có tiền lệ của Trung Quốc nhằm cải thiện khả năng sẵn sàng chiến đấu trong bối cảnh căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington tiếp tục leo thang. Cũng trong tháng 9/2020, Bắc Kinh đã 2 lần tiến hành tập trận cùng lúc ở 4 vùng biển, trong đó có 2 cuộc tập trận bắn đạn thật ở gần quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, một cuộc ở biển Hoa Đông và một cuộc ở biển Bột Hải. Việc Trung Quốc tiến hành tập trận quân sự ở khu vực quần đảo Hoàng Sa rõ ràng là vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này, đi ngược lại với tinh thần Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) giữa ASEAN và Trung Quốc, gây phức tạp tình hình và không có lợi cho tiến trình đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) đang diễn ra, không thể góp phần vào việc duy trì một môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông.

Thứ hai, trước các hành động ngang ngược và phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông, các nước lớn ngoài khu vực đã có sự phản ứng mạnh mẽ và đồng loạt lên tiếng phản đối, bác bỏ yêu sách vô lý của Trung Quốc ở vùng biển này, nhất là trên mặt trận pháp lý. Đây là động thái khác hẳn so với nhiều năm trước.

Tháng 9/2020, sự kiện thu hút nhiều sự quan tâm của thế giới là 3 nước Anh, Pháp và Đức cùng nhau gửi công hàm lên Liên hợp quốc, bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Ba nước cũng khẳng định lập trường trung lập đối với các tranh chấp ở Biển Đông, song cho rằng, với tư cách là thành viên của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), các quốc gia châu Âu này sẽ tiếp tục thực thi các quyền tự do và quyền khác theo Công ước trên, đóng góp vào việc thúc đẩy hợp tác tại khu vực. Trước đó, Mỹ, Autralia và nhiều nước khác cũng đã gửi công hàm lên Liên hợp quốc phản đối yêu sách chủ quyền ở Biển Đông của Trung Quốc. “Cuộc chiến pháp lý” đã đưa Biển Đông giờ đây không còn là vấn đề riêng giữa ASEAN với Trung Quốc nữa, mà trở thành mối quan tâm của hầu hết các nước lớn trên thế giới, bởi tầm quan trọng của Biển Đông đối với an ninh và sự phát triển của toàn thế giới.

Đặc biệt, Mỹ gia tăng các hoạt động quân sự tại Biển Đông, chỉ trích mạnh mẽ hành động của Trung Quốc và điều chỉnh quan điểm, chính sách về Biển Đông theo hướng tán thành phán quyết của Toà trọng tài năm 2016, tức là, khẳng định các “quyền lịch sử” mà Trung Quốc đưa ra là không phù hợp với UNCLOS 1982.

Chính quyền của Tổng thống Trump đã cáo buộc Trung Quốc lợi dụng đại dịch Covid-19 để thúc đẩy tuyên bố chủ quyền. Tháng 4/2020, Mỹ đã kêu gọi Bắc Kinh dừng các hoạt động khiêu khích và cách hành xử bắt nạt đối với các nước nhỏ ven Biển Đông. Đáng kể hơn, Mỹ đã thể hiện lập trường rõ ràng hơn về nền tảng pháp lý trong các đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Ngày 1/6/2020, Mỹ đệ trình công thư lên Liên hợp quốc phản đối tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông vì nó không phù hợp với UNCLOS 1982. Ngày 13/7/2020, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đưa ra tuyên bố quan trọng: Ủng hộ phán quyết của PCA năm 2016; bác bỏ yêu sách “đường chín khúc” của Trung Quốc ở Biển Đông và đòi hỏi chủ quyền của nước này đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi của Việt Nam, Philippines, Brunei, Malaysia, Indonesia cũng như với đá Vành Khăn, bãi Cỏ Mây và bãi ngầm James.

Trên thực địa, Quân đội Mỹ đã gia tăng tần suất hoạt động tự do hàng hải (FONOP) tại Biển Đông. Chỉ tính riêng trong 7 tháng đầu năm 2020, Hải quân Mỹ đã tiến hành 7 lần FONOP tại Biển Đông, gần hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, so với 8 lần của cả năm 2019, 5 lần trong năm 2018 và 4 lần trong năm 2017. Hải quân Mỹ cũng tiến hành một loạt cuộc tập trận quân sự đáng chú ý tại Biển Đông, trong đó có hoạt động phối hợp tập trận cùng lúc của 2 tàu sân bay lần đầu tiên kể từ năm 2014, đẩy mạnh hoạt động tuần tra trên không và triển khai tàu ngầm. Trong tháng 4 và 5/2020, các tàu chiến của Hải quân Mỹ đã áp sát tàu khảo sát thăm dò địa chất của Trung Quốc trong EEZ của Malaysia. Không quân Mỹ cũng gia tăng số lượng nhiệm vụ của các máy bay ném bom chiến lược B52, B1-B và B2 trên vùng trời Biển Đông.

Ngày 26/8/2020, Bộ Ngoại giao Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với một số công dân Trung Quốc chịu trách nhiệm hoặc có dính líu tới việc xây dựng, cải tạo hoặc quân sự hoá quy mô lớn các thực thể có tranh chấp ở Biển Đông, trong khi đó Bộ Thương mại Mỹ đã liệt vào “danh sách đen” 24 công ty nhà nước của Trung Quốc có liên quan tới việc xây dựng 7 đảo nhân tạo tại quần đảo Trường Sa.

Thứ ba, trong bối cảnh Mỹ – Trung ngày càng gia tăng sự bất đồng, các nước Đông Nam Á đều tìm cách duy trì quan hệ hiệu quả, chân thành với cả hai siêu cường, tránh chọn bên. Dù vậy, các nước có tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông cũng rất lo lắng trước cách hành xử ngang ngược và vô pháp của Trung Quốc tại vùng biển này, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát mạnh, đồng thời cũng đã thể hiện quan điểm cứng rắn hơn ở các mức độ khác nhau.

Phản ứng của các nước Đông Nam Á có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông trong năm 2020 chủ yếu mang tính pháp lý. Từ tháng 12/2019, các nước Malaysia, Việt Nam, Indonesia và Philippines đều đã gửi công hàm lên Liên hợp quốc, phản đối yêu sách “đường chín khúc” và các yêu sách về “quyền lịch sử” đối với Biển Đông của Trung Quốc, cho rằng chúng hoàn toàn không phù hợp với UNCLOS 1982. Quan trọng hơn, qua việc phản đối yêu sách vô lý của Trung Quốc, các nước trên đã đề cập tới phán quyết của Tòa Trọng tài năm 2016 một cách rõ ràng, qua đó khôi phục giá trị của phán quyết này sau 4 năm bị gạt sang một bên. Ngay cả Brunei, vốn được coi là “im hơi lặng tiếng” trong số các nước có tuyên bố chủ quyền, cũng lần đầu tiên ra tuyên bố đơn phương về Biển Đông vào ngày 20/7/2020, trong đó nhấn mạnh rằng, các cuộc đàm phán giải quyết tranh chấp ở Biển Đông cần tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982. Trong năm 2020, ASEAN cũng đã nhấn mạnh hơn tới UNCLOS 1982, coi đây là nền tảng để xác định quyền chủ quyền, quyền tài phán và các lợi ích chính đáng liên quan tới các vùng biển. Tuy nhiên, để tránh “đứng về một bên”, các nước thành viên ASEAN đều không công khai ủng hộ tuyên bố của Ngoại trưởng Pompeo, mặc dù Việt Nam thể hiện thái độ rõ ràng nhất.

Ngoài việc đệ trình công hàm lên Liên hợp quốc, Việt Nam và Philippines còn phản đối việc Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam và thành lập hai khu vực hành chính tại Biển Đông hồi tháng 4/2020. Việt Nam cũng đã phản đối lệnh cấm đánh bắt cá hàng năm của Trung Quốc. Trong số các nước có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, Philippines là nước có sự điều chỉnh lập trường một cách rõ ràng nhất theo hướng cứng rắn hơn. Tháng 5/2020, Hải quân Philippines đã mở một bến đỗ mới tại đảo Thị Tứ và công bố kế hoạch phát triển hạ tầng hơn nữa tại đây. Vào dịp 4 năm ngày PCA ra phán quyết về Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc, Ngoại trưởng Philippines Teddy Locsin tuyên bố, phán quyết này là “không thể đàm phán”. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana đã kêu gọi Trung Quốc tuân thủ phán quyết của PCA năm 2016. Ngày 8/6/2020, Chính quyền Tổng thống Duterte tuyên bố tạm hoãn việc bãi bỏ “Thoả thuận các lực lượng thăm viếng (VFA)” với Mỹ. Đặc biệt, trong phát biểu được ghi âm trước, gửi tới phiên họp Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 22/9/2020, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã nhấn mạnh phán quyết năm 2016 ủng hộ vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc về Biển Đông và tuyên bố: “Chúng tôi kiên quyết bác bỏ các nỗ lực nhằm làm suy yếu phán quyết đó”.

Duy trì chính sách đã có từ lâu, Indonesia tiếp tục tái khẳng định phản đối yêu sách “đường chín khúc” cũng như đề xuất của Trung Quốc về việc đàm phán các tuyên bố chủ quyền chồng lấn gần quần đảo Natuna. Tháng 7/2020, Quân đội Indonesia tiến hành tập trận hải quân và không quân quy mô lớn ở gần Natuna, thể hiện ý chí quyết tâm bảo vệ chủ quyền hàng hải của mình. Trong khi đó, Hải quân và lực lượng cảnh sát biển Malaysia đã tuần tra gần tàu thăm dò West Capella và theo dõi sự hiện diện của tàu khảo sát thăm dò Trung Quốc trong EEZ của nước này trong tháng 4 và 5/2020, trong khi chính phủ nước này tái khẳng định rằng sẽ bảo vệ các quyền và lợi ích của đất nước tại Biển Đông. Malaysia cũng kêu gọi tất cả các bên hợp tác nhằm bảo đảm hoà bình và ổn định, đồng thời cảnh báo về nguy cơ xảy ra đụng độ ngoài ý muốn do sự hiện diện của các tàu chiến nước ngoài.

Từ những diễn biến thực tế tình hình Biển Đông trong năm 2020, cũng như thực trạng cạnh tranh chiến lược đang leo thang giữa hai nước Mỹ – Trung hiện nay và trong tương lai, có thể dự báo tình hình Biển Đông trong năm 2021 như sau:

Một là, đối với các hoạt động của Trung Quốc và Mỹ. Về phía Trung Quốc, nước này sẽ đẩy mạnh các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ và quyền tài phán tại Biển Đông, gia tăng sức ép với Đài Loan nhằm thúc đẩy tư tưởng dân tộc chủ nghĩa và chuyển hướng sự chú ý khỏi các khó khăn kinh tế và các vấn đề nội bộ khác ở trong nước. Vì thế, quy mô và tần suất các cuộc tập trận của Hải quân Trung Quốc ở Biển Đông sẽ gia tăng. Nếu như tần suất FONOP của Mỹ tại Biển Đông gia tăng, Hải quân Trung Quốc có thể áp dụng cách tiếp cận cứng rắn hơn để phản ứng với việc các tàu Hải quân Mỹ đi qua các quần đảo Trường Sa hay Hoàng Sa, từ đó làm gia tăng căng thẳng trên biển, nhưng hai bên sẽ kiềm chế, tránh để xảy ra đối đầu quân sự trực tiếp ở Biển Đông.

Trung Quốc cũng sẽ tiếp tục triển khai tàu khảo sát thăm dò tới EEZ của các nước Đông Nam Á có tuyên bố chủ quyền, cũng như quấy rối các tàu khai thác hay thăm dò dầu khí của các nước này. Mục đích hoạt động này của Trung Quốc là nhằm ép chính phủ các nước Đông Nam Á ký thoả thuận khai thác chung với Trung Quốc, đồng thời cản trở các tập đoàn năng lượng quốc tế tham gia các dự án khai thác dầu khí ngoài khơi cùng các công ty năng lượng của các nước Đông Nam Á nếu không được sự chấp thuận của Bắc Kinh.

Về phía Mỹ, dù Tổng thống đắc cử Joe Biden đưa ra chính sách đối ngoại thế nào thì Biển Đông vẫn là tâm điểm trong vòng xoáy cạnh tranh địa chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc. Vì thế, trong năm 2021, Mỹ vẫn sẽ gia tăng tần suất các chiến dịch quân sự tại khu vực, bao gồm các sứ mệnh hiện diện, các chuyến bay qua, các cuộc tập trận và FONOP. Nhiều khả năng Mỹ sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt bổ sung nhằm vào các công ty, cá nhân tại Trung Quốc mà Mỹ cáo buộc là tích cực thực hiện các chính sách của Bắc Kinh tại Biển Đông; giành sự hỗ trợ cho các nước Đông Nam Á qua việc chuyển giao các trang thiết bị như radar, thiết bị không người lái và tàu tuần tra để các nước có thể giám sát chặt chẽ hơn các hoạt động của Trung Quốc trong EEZ của họ, nhất là việc đánh cá trái phép và sự hiện diện của các loại tàu của Trung Quốc. Mỹ cũng có thể sẵn sàng hỗ trợ pháp lý cho các nước Đông Nam Á có tuyên bố chủ quyền để các nước này đấu tranh mạnh hơn nữa với Trung Quốc ở Biển Đông trên mặt trận pháp lý.

Hai là, các nước Đông Nam Á có tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông vẫn nêu cao quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và quyền chủ quyền trong EEZ của họ. Tuy nhiên, do sự bất cân xứng về sức mạnh, nên các nước này không thể sử dụng hải quân hay lực lượng bảo vệ bờ biển để đối đầu với Trung Quốc. Các nước Đông Nam Á có hai lựa chọn chính sách, nhưng không có sự lựa chọn nào có thể ngăn cản Trung Quốc hành động quyết đoán. Lựa chọn thứ nhất là tiếp tục nhấn mạnh các quyền hàng hải của họ được xác định theo UNCLOS 1982 và đã được phán quyết của PCA năm 2016 bảo vệ. Tuy nhiên, Trung Quốc cho rằng, các “quyền lịch sử” của họ tại Biển Đông phải được ưu tiên so với UNCLOS 1982 và phán quyết của PCA là vô giá trị. Vì thế, chiến lược của các nước Đông Nam Á nhằm làm cho Trung Quốc phải từ bỏ hay điều chỉnh các tuyên bố chủ quyền trái với UNCLOS 1982 sẽ không thành công, Bắc Kinh sẵn sàng chấp nhận việc uy tín bị suy giảm để đạt được mục tiêu ở vùng biển này. Lựa chọn thứ hai là hy vọng đàm phán COC giữa ASEAN và Trung Quốc sẽ có kết quả, từ đó buộc Trung Quốc phải điều chỉnh cách hành xử, làm giảm căng thẳng ở Biển Đông. Tuy nhiên, do đại dịch Covid-19, cũng như các điều kiện do phía Trung Quốc đặt ra trong đàm phán COC đến nay vẫn không có gì thay đổi, nên mục tiêu hoàn tất COC trong năm 2021 mà Trung Quốc đơn phương tuyên bố sẽ khó có thể đạt được. Ngay từ trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra, nhiều nước thành viên ASEAN đã bày tỏ nghi ngờ về khả năng đạt được mục tiêu trên. Có thể phải tới năm 2022 hoặc 2023 thì COC mới được ký kết, và vào thời điểm đó, Trung Quốc hẳn đã củng cố vững chắc hơn đáng kể vị thế của mình tại Biển Đông.

Như vậy, không có nhiều lý do để lạc quan rằng, căng thẳng sẽ lắng dịu tại Biển Đông trong năm 2021. Cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung, động lực trung tâm của tình trạng này, chắc chắn sẽ leo thang. Đối mặt với thực tế khó khăn này, các nước Đông Nam Á có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông sẽ không có nhiều công cụ để hạ nhiệt tranh chấp ngoài việc viện dẫn luật pháp quốc tế và chủ nghĩa đa phương. Tranh chấp tại Biển Đông sẽ vẫn là sự kiện đứng đầu nghị trình an ninh của Đông Nam Á trong năm 2021.

RELATED ARTICLES

Tin mới