Ngày 4/11/2020, Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc đã công bố dự thảo Luật Hải cảnh sửa đổi và trưng cầu ý kiến của công chúng trong thời gian một tháng. Trong dự thảo Luật này có những quy định cho phép lực lượng hải cảnh Trung Quốc có thể sử dụng vũ lực để trấn áp những tàu thuyền nước ngoài và các tổ chức, cá nhân mà lực lượng này cho là có các hoạt động bất hợp pháp tại vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc. Mục đích của các quy định trên, như dự thảo Luật giải thích, là để bảo vệ chủ quyền, các quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích quốc gia trong vùng biển của Trung Quốc.
Nội dung cơ bản của một số quy định trong dự thảo Luật Hải cảnh sửa đổi liên quan đến hoạt động của nước ngoài
Về phạm vi áp dụng, dự thảo Luật Hải cảnh sửa đổi quy định phạm vi áp dụng là vùng biển bao gồm lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa thuộc quyền tài phán của Trung Quốc.
Theo những quy định trong các bộ luật về biển của Trung Quốc và những tuyên bố của lãnh đạo và Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc thì có thể hiểu phạm vi áp dụng nêu trong dự thảo Luật Hải cảnh sửa đổi là lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa được xác lập trên cơ sở lãnh thổ đất liền và lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa được xác lập dựa trên cái gọi là “chủ quyền lâu đời của Trung Quốc đối với các đảo ở Nam Hải” (tức là các đảo nằm trong bốn quần đảo, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam). Như vậy, phạm vi áp dụng của dự thảo Luật Hải cảnh sửa đổi là vùng biển rộng hơn 80% diện tích Biển Đông, trùm lên phần lớn vùng biển của các nước láng giềng ven khu vực biển này.
Về đối tượng áp dụng, lực lượng hải cảnh sẽ sử dụng vũ lực đối với những tàu thuyền nước ngoài:
– Nếu các tàu thuyền này từ chối chấp hành mệnh lệnh hoặc trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát của lực lượng hải cảnh Trung Quốc khi tiến hành các hoạt động bất hợp pháp trong vùng biển mà Trung Quốc cho là thuộc quyền tài phán của nước này.
– Khi các tàu thuyền nước ngoài tấn công tàu thuyền và máy bay của lực lượng hải cảnh Trung Quốc bằng vũ khí hoặc các phương thức nguy hiểm khác.
– Khi tàu thuyền nước ngoài ngăn cản lực lượng hải cảnh Trung Quốc tiến hành các bước cần thiết để bảo vệ các đảo và bãi ngầm trọng điểm, cũng như an ninh các đảo nhân tạo, các cơ sở và công trình trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa hay khi tiến hành các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, loại bỏ các hành vi gây nguy hại cho chủ quyền, an ninh và quyền lợi biển quốc gia của Trung Quốc.
– Khi tàu thuyền nước ngoài có những hành động chống lại các hoạt động giám sát, kiểm tra của lực lượng hải cảnh Trung Quốc đối với các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên biển, bảo vệ môi trường sinh thái biển; hoặc tiến hành hoạt động đánh bắt thủy sản trên vùng biển thuộc thẩm quyền của Trung Quốc…
Trong các trường hợp trên, lực lượng hải cảnh Trung Quốc có thể bắt giữ tàu, sử dụng vũ khí cầm tay, sử dụng vũ khí trên tàu hoặc trên máy bay tùy theo từng trường hợp cụ thể.
Biện pháp sử dụng vũ lực hay cưỡng chế cũng có thể được áp dụng đối với những tổ chức, cá nhân nước ngoài có những hành động trái phép trên vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền như tiến hành xây dựng các công trình, lắp đặt các thiết bị cố định hoặc nổi ở vùng biển, đảo và bãi đá ngầm thuộc quyền tài phán Trung Quốc mà không có sự chấp thuận của Trung Quốc; hoặc có những hành động mà lực lượng hải cảnh Trung Quốc coi là hành vi xâm phạm chủ quyền, quyền lợi và quyền tài phán của Trung Quốc.
Trong các trường hợp này, lực lượng hải cảnh Trung Quốc có thể cưỡng chế tháo dỡ hoặc áp dụng mọi biện pháp cần thiết để ngăn chặn ngay tại chỗ hành vi xâm phạm, kể cả việc sử dụng vũ khí.
Những mục tiêu tiềm tàng mà những quy định liên quan đến tàu thuyền nước ngoài trong dự thảo Luật Hải cảnh sửa đổi hướng tới
Với những quy định như nêu trên trong dự thảo Luật Hải cảnh sửa đổi của Trung Quốc thì hầu hết các hoạt động trên biển của các nước trong và ngoài khu vực tại vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đều là bất hợp pháp và đều có thể là mục tiêu của lực lượng hải cảnh Trung Quốc. Các hoạt động này bao gồm:
– Những hoạt động đánh bắt cá của tàu cá các nước tại các ngư trường truyền thống ở Biển Đông và các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí của các nước trong vùng biển của các nước này. Trung Quốc cho rằng các hoạt động này thách thức các quyền chủ quyền và lợi ích biển của mình.
– Những hoạt động và những biện pháp mà các nước trong khu vực tiến hành nhằm ngăn cản tàu hải cảnh và tàu cá Trung Quốc xâm nhập trái phép vào vùng biển của các nước này. Trung Quốc cho rằng các hoạt động và biện pháp đó chống lại việc thực thi pháp luật của lực lượng hải cảnh Trung Quốc và xâm phạm những quyền hợp pháp của tàu cá Trung Quốc trong vùng biển thuộc thẩm quyền của Trung Quốc.
– Xây dựng và duy trì các công trình, lắp đặt các thiết bị cố định hoặc nổi ở vùng biển, đảo và bãi đá ngầm trong vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền. Mọi công trình, thiết bị của các nước láng giềng trên vùng biển của các nước này nhưng nằm trong vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền và trên các thực thể ở Biển Đông do các nước này đang quản lý trên thực tế đều là bất hợp pháp và có thể bị lực lượng hải cảnh Trung Quốc cưỡng chế dỡ bỏ vì các công trình này xâm phạm chủ quyền, quyền lợi và quyền tài phán của Trung Quốc.
– Các hoạt động tự do hàng hải của tàu Mỹ và tàu của các nước khác ở vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, trong đó có vùng biển của các quần đảo ở Biển Đông, gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trung Quốc cho rằng các hoạt động này là những hành động thách thức và vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, các quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích an ninh của Trung Quốc.
Mục tiêu tiềm tàng của lực lượng hải cảnh Trung Quốc còn có thể là bất kỳ hoạt động nào của tàu thuyền nước ngoài và của các nước khác mà lực lượng này cho là “các hoạt động bất hợp pháp” trong vùng biển mà họ tuyên bố chủ quyền.
Nhìn nhận những quy định liên quan đến tàu thuyền và hoạt động của nước khác trong dự thảo Luật Hải cảnh sửa đổi của Trung Quốc dưới ánh sáng của luật pháp quốc tế
Có thể khẳng định rằng những quy định cho phép lực lượng hải cảnh dùng vũ lực đối với tàu thuyền và hoạt động của các nước khác trong vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phi pháp ở Biển Đông là sự vi phạm rất nghiêm trọng luật pháp quốc tế, cụ thể là:
– Vi phạm các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, trong đó có nguyên tắc tôn trọng và bình đẳng về chủ quyền giữa các quốc gia; nguyên tắc tuân thủ các cam kết quốc tế; nguyên tắc không dùng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế; và nguyên tắc giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng các biện pháp hòa bình,đã được ghi nhận trong Hiến chương Liên hợp quốc và trong nhiều văn kiện pháp lý quốc tế quan trọng khác mà Trung Quốc cũng là thành viên.
– Vi phạm Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc đã ký kết với các nước ASEAN năm 2002, trong đó, Trung Quốc và các nước ASEAN khác đã cam kết tôn trọng luật pháp quốc tế và Công ước luật biển 1982 của Liên hợp quốc; tôn trọng các quyền tự do hoạt động hàng hải và hàng không trên Biển Đông; thực hiện quyền thực thi pháp luật bằng các phương tiện hòa bình, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực; và không có những hành động làm phức tạp thêm tình hình trên Biển Đông.
– Vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, các quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích hợp pháp trên biển của các nước láng giềng khác ở Biển Đông được xác lập phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước luật biển 1982.
– Vi phạm những quy định của Công ước luật biển 1982 khi cho phép lực lượng hải cảnh Trung Quốc sử dụng vũ lực đối với tàu thuyền nước ngoài trên biển; cho phép lực lượng hải cảnh tiến hành các hoạt động trái với luật pháp quốc tế và Công ước trong vùng biển của các nước khác.
Người ta có thể thấy gì qua động thái sửa đổi Luật Hải cảnh của Trung Quốc?
Qua động thái sửa đổi Luật Hải cảnh của Trung Quốc, trong đó có những quy định cho phép lực lượng hải cảnh dùng vũ lực trong vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, người ta có thể thấy rõ:
– Trung Quốc quyết tâm độc chiếm Biển Đông, biến Biển Đông thành ao nhà của mình. Nước này coi tất cả các thực thể trên Biển Đông là thuộc chủ quyền của Trung Quốc, vùng biển nằm trong đường chín đoạn là thuộc quyền tài phán của Trung Quốc; và mọi tài nguyên trong vùng biển này là thuộc sở hữu của Trung Quốc. Mọi hoạt động của các nước khác, trong đó có việc khai thác tài nguyên dầu khí và đánh bắt cá hợp pháp trong vùng biển của các nước này nhưng nằm trong vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đều bị coi là những hành vi vi phạm luật pháp Trung Quốc, và do đó, phải bị trấn áp.
– Trung Quốc đang tiếp tục quân sự hóa lực lượng hải cảnh, tăng cường vai trò của lực lượng hải cảnh trong các hoạt động mang tính cưỡng ép trên Biển Đông. Với quyền sử dụng vũ lực như Luật Hải cảnh sửa đổi cho phép, lực lượng hải cảnh Trung Quốc sẽ tiếp tục được sử dụng như là một lực lượng nòng cốt trong các cuộc đối đầu ở trên Biển Đông, trong việc trấn áp các nước láng giềng, và hiện thực hóa các yêu sách chủ quyền phi lý và phi pháp trên biển, trong đó có khu vực Biển Đông.
– Với việc hợp pháp hóa việc sử dụng vũ lực của lực lượng hải cảnh tại khu vực biển mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, nước này có thể đang dọn đường cho những hành động bất ngờ và quyết đoán hơn trên Biển Đông trong thời gian tới.
Tóm lại, những quy định cho phép lực lượng hải cảnh sử dụng vũ lực đối với tàu thuyền nước ngoài trong dự thảo Luật Hải cảnh sửa đổi của Trung Quốc, một khi được thông qua và triển khai thực hiện, sẽ làm tăng thêm nguy cơ xảy ra xung đột vũ trang, đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực; thách thức nghiêm trọng các quyền và lợi ích hợp pháp của tất cả các nước trong và ngoài khu vực Biển Đông. Vì vậy, các nước cần lên tiếng phản đối mạnh mẽ các quy định về sử dụng vũ lực và các quy định khác trong dự thảo Luật Hải cảnh sửa đổi trái với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước luật biển 1982.