Monday, November 18, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiMột dự luật quái gở!

Một dự luật quái gở!

Dự luật hải cảnh sửa đổi của Trung Quốc có thêm điều khoản 19. Điều khoản này trao quyền rất lớn cho hải cảnh Trung Quốc. Theo đó, họ có quyền sử dụng vũ lực như một lực lượng bán quân sự khi xảy ra xung đột với các tàu thuyền và ngư dân hoặc các đối tượng bên ngoài xâm nhập vào vùng biển của Trung Quốc.

Khi nói đến “vùng biển của Trung Quốc”, ai cũng thấy rất mù mờ. Bởi cái “vùng” ấy được nhà cầm quyền Bắc Kinh vẽ theo đường “lưỡi bò”, nó liếm gần hết diện tích Biển Đông. Và đây là điều đáng lo ngại nhất. Công ước Quốc tế về Luật Biển, 1982, đã quy định rất rõ vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và vùng tiếp giáp lãnh hải của mỗi quốc gia.

Thế nhưng, Trung Quốc liên tục giẫm đạp lên luật pháp quốc tế, xây dựng một dự luật quái gở, tự vạch ra cái “vùng” riêng của mình. Trung Nam Hải nói rằng, đây là luật pháp nội bộ của nước họ, cho nên quốc tế không cần phải quan tâm (?). Không quan tâm sao được khi luật sửa đổi về hải cảnh sẽ như một ngọn lửa bùng lên nguy cơ xung đột trên biển.

Dự luật sửa đổi cho phép hải cảnh Trung Quốc nổ súng khi các tàu nước ngoài “vi phạm”. Đồng thời cho phép các tàu tuần duyên Trung Quốc “bị tấn công” đáp trả bằng vũ khí trên tàu hoặc trên không. Luật này cũng cho phép giam giữ, lai dắt các tàu nước ngoài được coi là xâm nhập vào vùng biển Trung Quốc.

Hải cảnh Trung Quốc là một lực lượng khá lớn. Cuối 2019 đã có 130 tàu, trong đó có các tàu trọng tải hơn 10.000 tấn, được trang bị pháo 76 mm. Đó là loại tàu tuần duyên lớn nhất thế giới hiện nay. Theo quy định của luật pháp, cảnh sát biển là cơ quan hành pháp của Trung Quốc, không phải là lực lượng quân đội. Khi xảy ra xung đột trên biển, họ sẽ giở bài cũ, la lớn: Chúng tôi đâu có sử dụng vũ lực quân đội (!).

Mặc cho họ la lối, các nước có chủ quyền trên biển đều hiểu rằng, việc giao cho hải cảnh cái quyền rất lớn này là một thứ bình mới rượu cũ thôi. “Rượu” ở đây chính là tham vọng của Bắc Kinh tiếp tục yêu sách đòi chủ quyền với hầu hết diện tích Biển Đông. Trước hết sẽ thăm dò phản ứng của các nước bằng cách cố tình gây các vụ va chạm trong vùng đặc quyền kinh tế của các nước. Nếu các nước không đồng lòng lên tiếng phản đối mạnh mẽ và kịp thời, Trung Quốc sẽ đi các bước tiếp theo.

Dự kiến Trung Quốc sẽ thông qua luật vào ngày 3/12 tới. Một khi luật hải cảnh sửa đổi chính thức được ban hành thì thật đáng lo ngại. Trung Quốc sẽ thông qua luật này ngang nhiên xâm phạm trái phép vùng biển của các quốc gia khác. Luật sẽ trở thành bình phong để Bắc Kinh đạt được các mục đích chính trị và kinh tế, khống chế các nước láng giềng đang có tranh chấp trên biển.

Cái khó đối với các quốc gia ở Đông Nam Á trong vùng tranh chấp Biển Đông như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia là họ không đủ tiềm lực hải cảnh tương đồng so với Trung Quốc. Do vậy khi xảy ra xung đột có thể họ sẽ phải sử dụng lực lượng hải quân. Chính điều này sẽ tạo cớ cho Trung Quốc dùng vũ lực mạnh để tấn công.

Phản đối cái dự luật hải cảnh quái gở này, xem ra các nước liên quan quyền lợi sát sườn trên Biển Đông còn im tiếng lắm, bởi nước nào cũng có lợi ích và toan tính riêng. Việt Nam, một nước bị Trung Quốc cướp nhiều đảo nhất, cũng lên tiếng ở chỗ này chỗ kia nhưng chỉ là “bắn chỉ thiên”. Chỉ có Nhật Bản tỏ thái độ mạnh mẽ nhất. Trong khi việc chuyển giao chức vụ Tổng thống ở Mỹ đang hồi phức tạp, Trung Quốc nhân cơ hội này sẽ tăng tốc, tạo nên các sự đã rồi.

Thái độ trước mắt và lâu dài của Bắc Kinh là thù địch với các nước láng giềng. Mục đích của họ không phải “vì sự ổn định, tôn trọng chủ quyền của các quốc gia, tôn trọng luật pháp”, mà là ngược lại.

Việc cần làm ngay lúc này là các quốc gia cần “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” tấn công mạnh mẽ Trung Quốc theo con đường ngoại giao. Cần gửi Công hàm lên Liên hợp quốc phản đối mạnh mẽ dự luật này. Không nên có tâm lý trông đợi vào Mỹ một khi cường quốc này đang lúng túng, tập trung cao độ cho việc xử lý những rắc rối hậu bầu cử Tổng thống.

RELATED ARTICLES

Tin mới