Monday, October 7, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnHọc phí Đại học tăng 3,5 lần: Thiệt người tài?

Học phí Đại học tăng 3,5 lần: Thiệt người tài?

Nếu chưa thể thoát ra khỏi tư duy học phí thì rất khó tính tới chuyện tự chủ tại các trường đại học công.

Trường công tăng học phí quá cao sẽ không thu hút được người tài. 

GS.TSKH Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam lo ngại, việc chạy theo tăng học phí quá cao ở khối đại học có thể sẽ khiến các trường công mất hết người tài.

Cụ thể, theo nội dung Dự thảo nghị định đưa ra mức học phí mới thay thế Nghị định 86 của Chính phủ dự kiến thực hiện từ năm học 2021-2022 của Bộ GD-ĐT, học phí của các trường ĐH công tự chủ sẽ cao gấp 2-3,5 lần so với mức trần học phí chương trình tương đương tại trường chưa tự chủ.

Học phí trường tự chủ mức 1 và mức 2 dự kiến tối đa gấp 2-2,5 lần trần học phí trường chưa tự chủ.

Theo dự kiến trần học phí trường tự chủ khối ngành cao nhất tối đa 49 đến trên 61 triệu đồng/năm. Đối với các trường tự chủ mức 1 và mức 2, sẽ có mức học phí tương đương là 49 triệu đồng/năm và 61,25 triệu đồng/năm. Riêng với khối ngành y dược, với 5 – 6 năm học, học phí có thể lên đến cả tỷ đồng/năm.

GS.TSKH Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, nếu đề xuất này được thông qua Việt Nam rất có thể sẽ có một nền giáo dục “phổ cập học phí”, rất đáng lo ngại bởi đây là các trường đại học công. Đại học công thì không thể chạy theo tăng học phí như các trường đại học tư nhân.

Vị GS Phạm Tất Dong cho rằng có nhiều vấn đề cần phải xem xét.  

Thứ nhất, tăng học phí với tự chủ đại học công là hai vấn đề khác nhau, không nên gắn liền với nhau.

Tự chủ ở đây cần phải hiểu là các trường tự chịu trách nhiệm trước nhà nước, Bộ GD-ĐT về chất lượng đào tạo, cung cấp cho các cơ quan quản lý nhà nước một đội ngũ chuyên gia chất lượng. Nói cách khác, tự chủ cơ bản nhất vẫn là phải tự chủ về học thuật. Sau vấn đề tự chủ về học thuật sẽ là tự chủ về cơ cấu nhân sự, về chiến lược phát triển. Tự chủ về mặt tài chính cũng có thể tính tới nhưng trước khi tự chủ về tài chính, cần phải xây dựng được một hệ thống đại học công chất lượng và đẳng cấp trước.

Cần phải tính thêm tới việc người tài, người giỏi nhưng không có điều kiện kinh tế, không có tiền để theo học, nếu tăng học phí quá cao, chỉ người giàu mới được đi học, người nghèo ở nông thôn ra, người miền núi về chắc chắn sẽ không thể theo được. Đến lúc đó, chính sách tăng học phí đã làm mai một tài năng, làm tài năng chạy mất, đại học công khó lòng thu hút được người tài. 

Bởi nếu các trường đại học công không có cơ chế riêng khuyến khích, thu hút người tài vào học khi đó người tài hoặc sẽ không thể theo học được, hoặc sẽ chạy sang khu vực tư hoặc là đi du học chứ không muốn học ở khu vực đại học công, chất lượng nhàng nhàng mà học phí lại quá cao.

Vì thế, các trường đại học công không thể gắn mục tiêu tự chủ để tăng học phí, thu học phí quá cao như vậy được. Tăng học phí khu vực công sẽ chỉ chạy vào mục tiêu tăng lương, cải thiện chất lượng đời sống, thu nhập cho đội ngũ giáo viên là chính, không nhằm vào tăng chất lượng đào tạo. Do đó, dù có tăng học phí chưa chắc đã tăng được chất lượng đại học, như thế, nguy cơ bỏ mất nhân tài là hiện hữu.

Không thể so sánh hay chạy đua học phí đại học giữa các trường công với các trường đại học tư, bởi các trường đại học công được ngân sách đầu tư về cơ sở hạ tầng, đất đai, nguồn lực rất lớn. Trong khi khối trường đại học tư họ phải tự lo từ đầu tới cuối vì thế họ có quyền tính đúng, tính đủ để đưa ra mức học phí phù hợp với đầu tư cơ sở hạ tầng cũng như chất lượng đào tạo.

“Nếu trường đại học công nhận được nguồn lực hỗ trợ từ nhà nước nhưng cũng muốn hoạt động như trường đại học tư, cũng muốn tự chủ về tài chính, cũng muốn tăng học phí thì có khác nào đang biến trường công thành trường tư? Như vậy các khoản thu – chi cần hạch toán như thế nào? Phần nhà nước đầu tư được trả lại ra sao?

Tôi thấy chuyện này không khác so với câu chuyện tự chủ hay xã hội hóa trong các bệnh viện công, lợi dụng chủ trương tự chủ để nhập nhèm thu – chi, biến viện công thành của tư nhân. Rất bức xúc”, vị chuyên gia lo ngại.

Thứ hai, GS Phạm Tất Dong khẳng định, chủ trương xã hội hóa giáo dục là đúng tuy nhiên, xã hội hóa giáo dục cũng phải minh bạch, sòng phẳng và công bằng.

Theo đó, cần khẳng định lại vai trò của các trường đại học công là phục vụ lợi ích công chúng. Vì thế, đại học công được nhà nước tài trợ trực tiếp thông qua các chính sách thuế và chính sách công, đổi lại các trường đại học công sẽ cung cấp nguồn nhân lực, sự đổi mới và tinh thần kinh doanh để thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế và xã hội.

Vì điều này, nhà nước cần xây dựng chiến lược phát triển cụ thể với trường đại học công, phải có chủ trương, hướng đích để giáo dục trong nước vươn ra thế giới như thế nào?

Xã hội hóa giáo dục nên giao thẳng cho các tập đoàn giáo dục tư nhân, họ sẽ đảm nhận những vấn đề mà trường công không giải quyết được.

“Chúng ta đã thấy Việt Nam đang có rất nhiều các trường đại học tư chất lượng như Viettel, FPT, Vingroup… tương lai sẽ còn có nhiều trường đại học tư đẳng cấp.

Các trường đại học tư đã có sẵn nền tảng công nghệ hiện đại, hệ thống sản xuất khép kín, môi trường ứng dụng đa dạng, thực tế rất thuận lợi cho các sinh viên thực hành, trải nghiệm. Bên cạnh đó, các trường đại học tư cũng tự chủ về nguồn lực, đầu tư tài chính cho phát triển giáo dục đào tạo cũng rất lớn.

Với hai lợi thế đó, các trường đại học tư đã chủ động và có điều kiện phát triển thuận lợi hơn rất nhiều so với khối trường đại học công. Trong khi, các trường đại học công chỉ trông chờ vào ngân sách thì làm sao cạnh tranh được với các trường đại học tư chỉ bằng việc tăng học phí?.

Tôi chỉ lấy ví dụ, với trường đại học Bách Khoa, muốn xây dựng được một phân xưởng đúc đồng cho sinh viên thực hành cần phải đầu tư máy móc rất lớn, lên tới hàng nghìn tỉ đồng. Với mức tăng học phí như hiện nay thì trường sẽ phải tăng bao nhiêu, thu trong bao nhiêu năm mới đủ để mua máy? Trong khi, tỉ lệ học phí dành chi trả cho tiền lương đã chiếm quá nửa. Ngược lại, nếu giao cho tư nhân, họ sẽ làm được ngay”, GS Phạm Tất Dong phân tích.

Thứ ba, ở Mỹ cũng như nhiều nước hiện đại trên thế giới đều coi các trường đại học như một pháo đài để bảo vệ cho sự phát triển. Vì điều này, các pháo đài đại học được đầu tư rất nhiều. Đến bây giờ, Mỹ cũng như nhiều nước hiện đại khác đang rất tự hào về một nền giáo dục hiện đại, phát triển xuyên tầm quốc tế.

Việt Nam cũng cần phải xây dựng tư tưởng này trong nền giáo dục công, để có chính sách đầu tư, thu hút, phát triển cho phù hợp.

“Trường đại học công không thể chạy theo việc tăng học phí. Nếu không tư duy lại, rất có thể chúng ta sẽ có một hệ thống giáo dục “phổ cập học phí”, giáo dục học phí, tức là từ mầm non, tiểu học, trung học cho tới đại học, dạy nghề cũng hạy theo thu học phí.

Nếu chưa thể thoát ra khỏi tư duy học phí thì rất khó tính tới chuyện tự chủ tại các trường đại học công. Trong điều kiện hiện nay, vấn đề tự chủ nên giao cho tư nhân làm.

Hệ thống trường đại học công có thể thu gọn lại, không chạy theo số lượng nhưng phải được đầu tư, nâng cấp chất lượng, dần hình thành nên những trường đại học công top đầu, đủ khả năng cạnh tranh với khu vực tư nhân cũng như các trường quốc tế”, vị GS đề xuất.

RELATED ARTICLES

Tin mới