Trong 4 năm trở lại đây, doanh thu của Hồ Tràm chững lại, song khoản lỗ có xu hướng giảm dần qua các năm, cho thấy tín hiệu khả quan hơn.
Hồ Tràm Strip là cụm khách sạn – casino – sân golf phức hợp có quy mô lớn tại Việt Nam, được chấp thuận đầu tư vào tháng 3/2008, với diện tích gần 164 ha tại huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Dự án có tổng vốn đầu tư 4,23 tỉ USD được triển khai bởi chủ đầu tư là Công ty TNHH Dự án Hồ Tràm (Hồ Tràm) – công ty con của Asian Coast Development Limited (ACDL), doanh nghiệp có trụ sở tại Canada.
Hồ Tràm Strip có 6 khu chức năng chính, gồm: khu khách sạn 5 sao với 9.000 phòng; khu thương mại dịch vụ; khu biểu diễn và nhà hát kịch, trung tâm hội nghị quốc tế, các công trình phục vụ dịch vụ du lịch, thể thao, vui chơi giải trí; khu biệt thự cao cấp cho thuê; sân golf 18 lỗ; khu vui chơi giải trí có thưởng dành cho người nước ngoài. Dự án dự kiến được thực hiện từ tháng 9/2009 – 12/2020.
Theo kế hoạch, Hồ Tràm bắt đầu được kinh doanh casino dành cho người nước ngoài khi hoàn thành xây dựng khu A1 và cơ bản hoàn thành khu A2, với khoảng 1.100 phòng khách sạn 5 sao.
Các năm sau đó, Hồ Tràm phải xây dựng thêm số phòng khách sạn để khu casino có thể đạt quy mô tối đa là 180 bàn chia bài và 2.000 máy trò chơi điện tử có thưởng. Nếu không thực hiện đúng tiến độ quy mô số phòng khách sạn 5 sao như cam kết, số bàn chia bài sẽ rút xuống 2 bàn/100 phòng khách sạn, số máy chia bài cũng được rút xuống tương ứng.
Năm 2019, Hồ Tràm có văn bản xin điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án đến 2025. Tuy nhiên, Bộ KH&ĐT chỉ chấp thuận kéo dài tiến độ không quá 24 tháng, tức là hoàn thành trước tháng 12/2022.
Tháng 7/2013, Hồ Tràm khai trương khu nghỉ dưỡng đầu tiên mang tên The Grand, gồm khách sạn 5 sao với 541 phòng, khu casino, trung tâm hội nghị… Là một dự án FDI có quy mô vào loại lớn nhất cả nước trong lĩnh vực bất động sản du lịch nhưng kết quả kinh doanh của Hồ Tràm Strip lại khá “bết bát” ngay từ khi đi vào vận hành.
Số liệu của chúng tôi cho thấy trong giai đoạn 2014-2016, Hồ Tràm lỗ tổng cộng 4.400 tỷ đồng với năm nào cũng lỗ trên 1.000 tỷ đồng.
Trong 3 năm gần đây, doanh thu của công ty dao động quanh mức 900 tỷ đồng/năm và mức lỗ có giảm xuống chỉ còn 600 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2019, lỗ lũy kế của Hồ Tràm đã lên đến 8.800 tỷ đồng.
Đến cuối năm 2019, tổng tài sản và vốn chủ sở hữu của công ty đạt lần lượt 6.600 tỷ và 3.800 tỷ đồng (vốn điều lệ 11.805 tỷ đồng).
Đầu năm 2020, chủ sở hữu của Hồ Tràm đã tăng vốn thêm cho công ty 5.771 tỷ đồng để duy trì hoạt động cũng như phát triển các giai đoạn tiếp theo của dự án theo như cam kết đầu tư.
Tháng 7/2019, nhiều kênh truyền thông đã khẳng định quỹ đầu tư Warburg Pincus đã mua lại phần lớn cổ phần của Asian Coast Development, qua đó gián tiếp kiểm soát Hồ Tràm.
Mặc dù không chính thức được xác nhận nhưng có thể thấy thông tin trên là có cơ sở khi mà ông Peter Todd Meyer – Chủ tịch Hội đồng thành viên của Hồ Tràm cũng chính là CEO của Lodgis Hospitality Holdings. Lodgis là liên doanh giữa Warburg Pincus và VinaCapital, sở hữu nhiều khách sạn và văn phòng tại Việt Nam như Metropole Hanoi Hotel, chuỗi khách sạn Fusion…