Friday, January 10, 2025
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiMuốn có nền kinh tế tự chủ phải phát triển công nghiệp...

Muốn có nền kinh tế tự chủ phải phát triển công nghiệp vật liệu

Phát triển khoa học công nghệ trong đó có công nghiệp vật liệu là vấn đề lớn đối với mọi quốc gia trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Ông Cao Đức Phát, Phó trưởng Thường trực Ban Kinh tế Trung ương

Ngày 25.11, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ (KHCN) Việt Nam tổ chức Hội thảo “Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển công nghiệp vật liệu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Phát biểu tại hội thảo, TS.Cao Đức Phát, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, phát triển công nghiệp vật liệu là vấn đề lớn đối với mọi quốc gia, nhất là đối với một đất nước đang thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nền kinh tế hội nhập ngày càng sâu rộng.

“Chúng ta không thể nhập khẩu hết nguyên liệu đầu vào cho công nghiệp, nông nghiệp và các ngành kinh tế khác. Như vậy giá thành các sản phẩm của nước ta sẽ cao hơn đối thủ cạnh tranh hoặc sẽ biến thành quốc gia gia công, làm thuê…

Để xây dựng nền kinh tế cạnh tranh hiệu quả, tự chủ thì phải tự chủ tối đa nguyên vật liệu, nhưng phải là nguyên vật liệu bằng hoặc tốt hơn về chất lượng và rẻ hơn so với nhập khẩu”, TS. Cao Đức Phát nói.

Vì vậy cần thiết phải phát triển khoa học công nghệ về công nghiệp vật liệu. Để làm được điều này thì cần có cơ chế và chính sách để nguồn lực của Nhà nước được sử dụng hiểu quả hơn. Theo TS. Cao Đức Phát, chúng ta cần có cơ chế để phát triển và phát huy cao năng lực của đội ngũ những người làm khoa học ở các viện nghiên cứu, đồng thời tạo điều kiện để cả xã hội, trước hết là cộng đồng các doanh nghiệp tham gia.

“Có lẽ chúng ta vẫn đang cần một nghị quyết cho KHCN nói chung trong đó có KHCN về vật liệu”, Phó trưởng ban Thường trực ban Kinh tế Trung ương nói.

Hội thảo tổ chức nhằm phân tích, làm rõ thực trạng hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển ngành công nghệ vật liệu của Việt Nam trong thời gian qua;. Hội thảo cũng là nơi chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong phát triển công nghiệp vật liệu cũng như các mô hình, chính sách thí điểm, cách làm hay của địa phương, ngành/lĩnh vực hoặc doanh nghiệp cụ thể về thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong phát triển công nghiệp vật liệu. Đồng thời, nhận diện bố cảnh, đề xuất các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp, cơ chế, chính sách để thúc đẩy và nâng cao chất lượng hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển công nghiệp vật liệu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

RELATED ARTICLES

Tin mới