Lạm phát tháng 11 tăng trưởng âm, lãi suất thấp kỷ lục được coi là nghịch lý trong nền kinh tế thị trường ở một nước đang phát triển.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia Tài chính ngân hàng.
Báo cáo của Tổng cục thống kê cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 giảm 0,01% so với tháng 10, tăng 0,08% so với tháng 12/2019 và tăng 1,48% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 11 tháng năm 2020 tăng 3,51% so với cùng kỳ năm trước.
Lãi suất tiết kiệm trong những tháng cuối năm liên tục giảm sâu, hiện kỳ hạn 12 tháng tại nhiều nhà băng lớn về dưới 6% một năm – đây là mức thấp nhất trong nhiều năm qua. Lãi suất tiết kiệm giảm đặc biệt ở các kỳ hạn dưới 6 tháng.
Biểu lãi suất niêm yết ở 4 ngân hàng Big4 hiện nay đang nêm yết ở mức: 4%/năm với kỳ hạn 4-9 tháng; 3,1 – 3,4% với kỳ hạn từ 1 – 5 tháng, giảm khoảng 0,2% so với lãi suất mà các ngân hàng áp dụng vào thời điểm tháng 10. Lãi suất kỳ hạn 1 – 5 tháng đang thấp hơn mức lạm phát 11 tháng năm 2020 (3,51%).
Lạm phát tháng 11 tăng trưởng âm so với tháng trước trong bối cảnh lãi suất trên thị trường giữ ở mức thấp và xu hướng giảm trong những tháng cuối năm 2020. Điều này cho thấy một nghịch lý đang diễn ra trong nền kinh tế.
Theo thông lệ, khi Ngân hàng trung ương cắt giảm lãi suất khiến cho lãi suất trên các khoản vay cũng giảm theo, điều này sẽ khiến người dân quan tâm hơn đến các khoản vay. Do vậy, lượng tiền lưu thông và mức tiêu dùng xã hội cũng tăng lên. Cùng lúc đó, lượng cung tiền với giá rẻ sẽ làm giá trị đồng tiền quốc gia thấp đi so với các loại ngoại tệ khác. Đồng nghĩa với việc tỷ lệ lạm phát sẽ tăng lên. Ngược lại, mức lãi suất cao sẽ làm cho lạm phát giảm xuống. Đây gần như 2 mặt trong nền kinh tế, lãi suất tăng thì lạm phát giảm và lãi suất giảm thì lạm phát tăng. Đó là lý do tại sao, khi lạm phát tăng thấp, các chuyên gia cho rằng còn dư địa giảm lãi suất.
Nếu tỷ lệ lạm phát cao hơn so với mức lãi suất, việc gửi tiền vào các ngân hàng sẽ là vô ích khi đồng tiền mất giá nhanh hơn lãi suất được hưởng. Vì thế người tiêu dùng muốn dùng tiền để mua hàng hóa hoặc thanh toán dịch vụ, điều này tác động xấu tới nền kinh tế nói chung. Nếu mức lãi suất và tỷ lệ lạm phát tương đương nhau, tình hình cũng sẽ có diễn biến tương tự nhưng ở tốc độ chậm hơn.
Các chuyên gia kinh tế vĩ mô nhận định rằng, giả định tốt nhất cho nền kinh tế của một quốc gia là mức lãi suất cao hơn một chút so với tỷ lệ lạm phát. Lãi suất quá thấp, dẫn tới lo ngại về việc tiền gửi ngân hàng sẽ chạy sang các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản. Tuy nhiên, dường như ở Việt Nam đang diễn ra nghịch lý rằng, lãi suất giảm mạnh nhưng lạm phát lại tăng trưởng thấp.
Để làm rõ hơn về “nghịch lý”này, Nhadautu.vn đã tham vấn ý kiến của TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia Tài chính ngân hàng.
Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, trước tiên, điều này cho thấy chúng ta đang kiểm soát tốt lạm phát. “Dù giá điện, giá thực phẩm, giá y tế đều tăng nhưng do tổng cầu yếu nên cơ bản lạm phát được kiểm soát”.
Thứ hai, lãi suất giảm thường làm tín dụng tăng khi người dân sẽ đi vay nhiều hơn. Tuy nhiên, tín dụng 9 tháng lại không cho thấy điều này, 9 tháng tín dụng chỉ đạt 6,09%. Công cụ lãi suất chưa thực sự hiệu quả như mong muốn. “Đáng lý, công cụ lãi suất sẽ được các ngân hàng trung ương sử dụng để đẩy tiền vào lưu thông, người dân vay tiền mua xe, mua nhà, tiêu dùng… khiến tín dụng tăng. Tuy nhiên, với Việt Nam hiện tại, chúng ta giảm lãi suất nhưng tín dụng không tăng nên không có lượng tiền lớn được đưa vào lưu thông, lạm phát vẫn không tăng mạnh”, ông Hiếu nói.
Dự báo về hiện tượng nêu trên, ông Hiếu cho rằng, tình trạng này sẽ dài hết năm, dù có giảm lãi suất thì tăng trưởng tín dụng cũng không cao được.
“Thực tế, nhu cầu tín dụng thì lớn, nhiều người muốn vay tiền, có cả cá nhân và doanh nghiệp nhưng các ngân hàng lại không dám cho vay. Vấn đề là “cửa không mở chứ không phải không có nhu cầu tín dụng. Nên dù Ngân hàng Nhà nước có đẩy lãi suất xuống 1% thì các ngân hàng cũng không dám mạnh tay cho vay”, ông Hiếu cho biết.
Để tăng trưởng tín dụng, tất nhiên các ngân hàng phải nới lỏng điều kiện cho vay. Tuy nhiên, ông Hiếu cho rằng điều này sẽ dẫn tới hệ luỵ về nợ xấu. Vì vậy, việc thận trọng của ngân hàng lúc này được cho là hợp lý.
Ông Hiếu đề xuất, muốn đẩy tín dụng ra thời điểm hiện tại không chỉ qua hệ thống ngân hàng mà cần có một tổ hợp tín dụng đi kèm với bảo lãnh tín dụng.
Mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2020 đạt 2,5% theo ông Hiếu là không quá áp lực cho hệ thống ngân hàng trong tăng trưởng tín dụng, khi tăng trưởng tín dụng thường gấp 2,5 lần so với tăng trưởng GDP. Vì vậy, năm nay tăng trưởng tín dụng chỉ cần khoảng 7% là được, còn 10% là rất tốt.