Friday, January 10, 2025
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiNgười Việt đã mạnh tay hơn trong chi tiêu

Người Việt đã mạnh tay hơn trong chi tiêu

Trong tháng 11, thương mại trong nước tăng 2,3% so với tháng trước và tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt mức tăng cao 13,2%, thị trường trong nước có dấu hiệu hồi phục tốt.

Tháng 11, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt mức tăng cao 13,2%.

Theo Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11 ước tính đạt hơn 460.000 tỷ đồng, thương mại trong nước tăng 2,3% so với tháng trước và tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt mức tăng cao 13,2%. Tính chung 11 tháng năm nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 2% so với cùng kỳ năm trước.

Theo các chuyên gia, có được kết quả này là nhờ hàng loạt các sự kiện kích cầu tiêu dùng nội địa, mở rộng thị trường trong nước, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp trên toàn cầu, các doanh nghiệp sản xuất trong nước, đơn vị phân phối bán lẻ đã chủ động và nhanh chóng thích ứng với tình hình mới, thay đổi phương thức kinh doanh để tăng doanh thu bán lẻ.

Hiện nay, các doanh nghiệp đã chủ động và nhanh chóng thích ứng với tình hình mới, thay đổi phương thức kinh doanh để tăng doanh thu bán lẻ. Hệ thống kênh phân phối hàng hóa ở các địa phương trên cả nước đã triển khai nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn, đồng thời kích cầu mua, bán hàng hóa trực tuyến và áp dụng chính sách giao hàng đảm bảo lợi ích cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, xu hướng mua hàng trực tuyến ngày càng phổ biến và phát triển rộng rãi đã góp phần giúp doanh nghiệp cải thiện được doanh thu, tạo hiệu ứng tốt cho thị trường bán lẻ.

Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết, Bộ Công Thương sẽ tập trung phát triển thị trường trong nước, thực hiện có hiệu quả các giải pháp kích thích tiêu dùng nội địa, đẩy mạnh Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

“ Bộ Công Thương đã ban hành kế hoạch để khôi phục trong giai đoạn mà vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế và trong đó có những nội dung rất quan trọng về kích cầu thị trường trong nước. Qua đó, lồng ghép các chương trình hiện đang triển khai như xúc tiến thương mại, khuyến công, thương mại điện tử và đặc biệt là các đề án về phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, các đề án về phát triển thương mại khu vực nông thôn, hỗ trợ cho đồng bào dân tộc…”, bà Lê Việt Nga cho biết thêm.

RELATED ARTICLES

Tin mới