Monday, November 25, 2024
Trang chủĐiểm tinTriển vọng quan hệ Việt – Mỹ dưới thời Tổng thống Biden

Triển vọng quan hệ Việt – Mỹ dưới thời Tổng thống Biden

Việc Joe Biden đắc cử tổng thống Mỹ vấp phải nhiều phản ứng trái chiều từ công chúng Việt Nam.

Một số bày tỏ sự thất vọng trước thất bại của Tổng thống Donald Trump vì cho rằng Việt Nam nhìn chung được hưởng lợi từ các chính sách của Trump, chẳng hạn như lập trường cứng rắn của ông đối với Trung Quốc hay cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung. Những người khác hy vọng rằng Biden sẽ áp dụng một lập trường cứng rắn tương tự đối với Trung Quốc trong khi có các hành vi dễ đoán hơn và ít hung hăng hơn trong việc thúc đẩy các biện pháp thương mại trừng phạt chống lại Việt Nam.

Vẫn cần thêm thời gian để biết chính sách Việt Nam của chính quyền Biden sẽ như thế nào, nhưng có cơ sở để tin rằng chính sách đó sẽ mang nhiều tính kế thừa hơn là thay đổi, và quan hệ song phương sẽ nhiều khả năng tiếp tục được tăng cường bất chấp những trở ngại nhất định.

Thứ nhất, lợi ích chiến lược của hai nước sẽ tiếp tục hội tụ, đặc biệt là trên Biển Đông. Do cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung đang gia tăng, chính quyền Biden có thể sẽ duy trì một lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc. Nếu Trung Quốc tiếp tục có những hành động gây hấn ở Biển Đông, hai nước có thể tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác chiến lược. Hoa Kỳ cần tiếp tục hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực hàng hải và khuyến khích Việt Nam tham gia vào các thỏa thuận an ninh đa phương hẹp, ví dụ như các hoạt động của Bộ Tứ. Việt Nam có thể mua vũ khí và trang thiết bị quân sự từ Mỹ, hoặc cho phép lực lượng Mỹ tiếp cận thường xuyên hơn các cơ sở dịch vụ quân sự của mình.

Thứ hai, mặc dù chính quyền Biden sẽ không bỏ qua khoản thâm hụt thương mại lớn và đang gia tăng của Mỹ với Việt Nam, nhưng họ có thể sẽ áp dụng một cách tiếp cận hợp lý hơn để giải quyết vấn đề này. Thay vì cáo buộc Việt Nam thao túng tiền tệ – một cáo buộc mà Việt Nam luôn phủ nhận và các học giả và nhà phân tích đã chứng minh là không có cơ sở – chính quyền Biden có thể sẽ gây áp lực buộc Việt Nam nhập khẩu nhiều hơn từ Mỹ và ngăn các công ty Trung Quốc trung chuyển hàng xuất khẩu sang Mỹ qua Việt Nam. Chính quyền Biden cũng có thể nhận ra rằng sự gia tăng gần đây trong xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ một phần là do cuộc chiến thương mại mà Mỹ đang tiến hành chống lại Trung Quốc, điều khuyến khích một số nhà cung cấp chuyển cơ sở sản xuất sang Việt Nam.

Biden có thể muốn dẫn dắt Mỹ quay lại Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) để tái khẳng định vai trò lãnh đạo của Mỹ trong thương mại đa phương. Nếu điều này thành hiện thực, quan hệ song phương sẽ được tăng cường đáng kể. Tuy nhiên, nếu Biden thực sự muốn Mỹ tham gia trở lại, ông có thể sẽ tìm kiếm những thay đổi đối với Hiệp định mà các thành viên hiện tại không muốn thực hiện. Vào tháng 9, một quan chức Việt Nam cho biết Việt Nam có thể muốn đàm phán một hiệp định thương mại tự do song phương với Mỹ nếu Biden giành chiến thắng. Nếu bắt đầu một cuộc đàm phán như vậy, hai bên có khả năng giải quyết các bất đồng thương mại một cách “hòa bình hơn” và củng cố hơn nữa nền tảng kinh tế của quan hệ song phương.

Thứ ba, bản thân Biden dường như có quan điểm tích cực về Việt Nam. Năm 2015, trong chuyến thăm Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Biden, lúc đó là Phó Tổng thống, đã tổ chức tiệc chiêu đãi ông Trọng và lảy Kiều để bày tỏ sự lạc quan về quan hệ song phương. Tuần trước, ông đã bổ nhiệm Antony Blinken làm Ngoại trưởng trong nội các sắp tới của mình. Blinken cũng có quan điểm thân thiện đối với Việt Nam. Trong thời gian diễn ra chuyến thăm Hoa Kỳ của TBT Trọng hồi năm 2015, Blinken, khi đó là Thứ trưởng Ngoại giao, đã viết một bài bình luận có tựa đề “Cơ hội chiến lược để thúc đẩy quan hệ Việt – Mỹ”, trong đó ông bày tỏ sự lạc quan mạnh mẽ về quan hệ song phương. Mặc dù chính sách Việt Nam của chính quyền Biden sẽ được định hướng chủ yếu bởi lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ, nhưng quan điểm cá nhân tích cực của các quan chức chủ chốt về Việt Nam có thể giúp duy trì quỹ đạo đi lên của quan hệ song phương.

Tuy nhiên, một yếu tố tiềm tàng có thể gây cản trở cho quan hệ song phương trong bốn năm tới là việc chính quyền Biden nhấn mạnh khía cạnh dân chủ và nhân quyền, dự kiến ​​sẽ là một trong những yếu tố chính giúp phân biệt chính sách đối ngoại của Biden với chính sách đối ngoại của Trump. Nếu Biden thực hiện cam kết này, Việt Nam sẽ cần phải cải thiện hồ sơ nhân quyền của mình để tránh những trở ngại trong quan hệ song phương.

Tuy nhiên, vấn đề này nhiều khả năng sẽ không làm chệch hướng quan hệ song phương. Mặc dù có những khía cạnh trong hồ sơ nhân quyền Việt Nam cần cải thiện, nhưng nhìn chung hồ sơ nhân quyền của Việt Nam không quá tệ đến mức khiến Washington phải áp dụng các biện pháp mạnh tay, đặc biệt nếu so với một số quốc gia láng giềng. Do mong muốn thu hút sự tham gia của Hà Nội vào các nỗ lực nhằm cân bằng lại Bắc Kinh, Washington sẽ có xu hướng giảm nhẹ vấn đề nhân quyền trong quan hệ với Hà Nội. Rốt cuộc, dưới thời chính quyền Obama, quan hệ song phương vẫn được cải thiện đáng kể, tiêu biểu là việc hai bên thiết lập quan hệ đối tác toàn diện vào năm 2013.

Trong bối cảnh đó, việc Việt Nam vẫn chưa chúc mừng Biden đắc cử là một vấn đề gây khó hiểu với nhiều người. Năm 2016, các nhà lãnh đạo Việt Nam đã chúc mừng Trump rất sớm ngay sau ngày bầu cử. Còn lần này, có lẽ Hà Nội muốn chờ kết quả chính thức. Một lý do khả dĩ cho điều này là Việt Nam có thể vẫn muốn làm việc với các quan chức cấp cao của chính quyền Trump nhằm “khóa chốt” những bước tiến gần đây trong quan hệ song phương. Một số nhà phân tích cũng cho rằng Việt Nam có thể muốn tránh chọc giận Trump, người có thể đưa ra các quyết định bất lợi cho Việt Nam trong những ngày cuối cùng tại nhiệm. Cho dù lý do cho sự thận trọng này là gì, động lực mạnh mẽ của quan hệ Việt – Mỹ sẽ nhiều khả năng tiếp tục được duy trì sau khi Tổng thống Biden tuyên thệ nhậm chức.

RELATED ARTICLES

Tin mới