Friday, January 10, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiSự trả giá cho những hành động ngông cuồng

Sự trả giá cho những hành động ngông cuồng

Cách đây 6 năm, vào năm 2014, trong khi đưa tàu Hải Dương- 981 vào quấy phá vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, Trung Quốc đã bí mật phát động “Chiến dịch lấp biển”, do đích thân Chủ tịch Tập Cận Bình phát lệnh.

Thật ra con ngoá ộp 981 chả có nhiệm vụ gì rõ rệt. Cái gọi là “nghiên cứu, khảo sát thăm dò dầu khí” chỉ là cái cớ. Mục đích chủ yếu của Bắc Kinh là đánh lừa Hà Nội. Trong khi Việt Nam căng sức phản đối, ngăn cản các hoạt động của tầu Hải Dương- 981, thì quân đội Trung Quốc đã bí mật tôn tạo các đảo đá ở Chữ Thập và Gạc Ma. Đến khi tàu rút, Hà Nội vui mừng tưởng đã “chiến thắng”, thì cũng là lúc đảo nhân tạo xây dựng trái phép của Trung Quốc lù lù mọc lên.

Thật là một cú lừa theo kiểu đốt nhà nhỏ để nghi binh trong khi cất nhà to ở một nơi khác.

Kế hoạch xây dựng đảo nhân tạo ở bãi đá Chữ Thập, Gạc Ma là một bước đệm để Trung Quốc chuẩn bị tuyên bố vùng nhận dạng phòng không trên bao trùm hết Biển Đông, sau khi tuyên bố vùng tương tự tại biển Hoa Đông. Và mục tiêu bao trùm là khống chế Biển Đông.  

Theo Thời báo Hoàn Cầu lúc đó, Trung Quốc tập trung xây dựng các cơ sở quân sự, bao gồm một căn cứ không quân và một cảng hải quân, một khu nhà nghỉ, tòa nhà văn phòng, nhà thi đấu thể thao và một nông trại trên đảo nhân tạo. Hòn đảo này sẽ giúp các tàu chiến Trung Quốc phản ứng nhanh nếu xảy ra xung đột trong khu vực.
Thế nhưng, người tính không bằng trời tính. Sáu năm đã trôi qua, do tác động của thời tiết khắc nghiệt, nước biển mặn, các đảo nhân tạo và các cơ sở quân sự mọc lên ở đó không phát huy được tác dụng và ngày càng xuống cấp nghiêm trọng, nhiều nơi được ví như một bãi rác xây dựng.

Điều đáng lo ngại hơn lại là ở chỗ, các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép rất dễ bị tấn công và dường như không đóng góp nhiều cho bất kỳ nhiệm vụ chiến đấu nào. Đây là nhận định của chính các chuyên gia Trung Quốc. Trong các bài viết mới nhất trên tạp chí Naval and Merchant Ships, thuộc Tổng Công ty Đóng tàu nhà nước Trung Quốc (CSSC), đã chỉ rõ những điểm yếu của các đảo nhân tạo.

Theo đó, đảo nhân tạo có những “tử huyệt”:  khoảng cách với đất liền quá xa; diện tích quá nhỏ; khả năng hạn chế của các đường băng; nhiều tuyến đường mà hòn đảo có thể bị tấn công. Cho dù những đảo nhân tạo có lợi thế trong việc duy trì sự hiện diện quân sự của Trung Quốc ở đại dương nước sâu. Song chúng cũng có những bất lợi về mặt tự vệ.

Do chỗ các đảo nhân tạo nằm sâu trong Biển Đông và cách rất xa đất liền Trung Quốc cho nên không có một chuỗi chặt chẽ kết nối chúng với nhau, sẽ rất khó để hỗ trợ trong trường hợp bị đối phương tấn công.

Chẳng hạn trên đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà Trung Quốc đã cướp được từ năm 1988. Đá này có một đường băng, nhưng nó cách TP Tam Á thuộc tỉnh Hải Nam tới 1.000 km. Trong trường hợp chiến đấu khẩn cấp thì khoảng cách này quá xa, các tàu hỗ trợ chiến đấu nhanh nhất của Trung Quốc phải mất hơn 20 giờ mới đến được đảo.

Thêm nữa, các hòn đảo quá xa đất liền, do vậy việc triển khai J-16 (loại máy bay chiến đấu đa năng tiên tiến nhất của Trung Quốc) rất khó có hiệu quả. Bởi các máy bay chiến đấu không thể tuần tra khu vực vì khoảng cách xa, lại dễ bị tàu mặt nước đánh chặn hoặc tấn công.

Một vấn đề khiến các nhà thiết kế hải quân Trung Quốc đau đầu nữa là, đường băng gần với đại dương, khiến chúng bị hư hỏng rất nhanh bởi thủy triều và thời tiết nhiệt đới. Các đảo nhân tạo quá nhỏ để có thể sống sót sau các cuộc tấn công lớn; quá bằng phẳng và có rất ít thảm thực vật hoặc đá, do vậy không tạo được vỏ bọc để chống lại một cuộc tấn công.

Theo thông tin bí mật, hầu hết các hòn đảo chỉ có một đường băng, không có không gian để cùng lúc nhiều máy bay hỗ trợ. Nếu một máy bay đang bốc dỡ hàng hoặc tiếp nhiên liệu trên đường băng thì các máy bay khác không thể tiếp cận đường băng. Và khi ấy nếu xảy ra xung đột thì cầm chắc… thua.

Vậy là sau sáu năm, những tính toán ban đầu của Bắc Kinh về xây dựng đảo nhân tạo phi pháp, làm cơ sở xây dựng cơ sở quân sự, đã gần như thất bại. Khi báo chí của nước này đã phải lên tiếng nghĩa là sự thật đã ở mức thảm bại. Giống như cái vòi bạch tuộc vươn ra Biển Đông đã bị thương tích.

Đây là sự trả giá cho những tính toán sai lầm do ngông cuồng và vội vã của những kẻ bất lương.

RELATED ARTICLES

Tin mới