Tuesday, November 19, 2024
Trang chủNước Việt đẹpKể chuyện làng: Làng Chèm có ngôi đình cổ nhất Việt Nam

Kể chuyện làng: Làng Chèm có ngôi đình cổ nhất Việt Nam

Làng Chèm ( xã Thụy Phương – Từ Liêm, nay là phường Thụy Phương – quận Bắc Từ Liêm – Hà Nội) quê tôi là một trong những làng cổ của Đại Việt.

Sở cứ để duy danh làng tôi là một làng cổ Đại Việt bởi từ thời Hùng Vương, làng Chèm đã sinh ra một danh nhân-danh tướng,nhà ngoại giao đầu tiên của Việt Nam. Đó là Lý Ông Trọng (đã từ hơn 2000 năm được suy tôn là Đức Thành hoàng làng, một trong bốn vị tối linh  trong tứ đại trụ thần của nước ta gồm “Hương, Bổng, Đổng, Đằng” (chữ Hương là chỉ tên cổ của từ Phương tên làng tôi đó). 

Tên và chiến tích của Ngài từ bộ sử đầu tiên của nước ta là Đại Việt sử kí toàn thư soạn 4 thế kỉ (từ thế kỉ XIV đến thế kỉ XVII) đến các áng cổ văn tuyệt tác của xứ ta, từ Lĩnh Nam Trích Quái, Việt Điện U linh tập (đều viết vào thế kỉ XIV), các diễn ca Thiên Nam Minh Giám, Thiên nam Ngữ Lục hay nhiều bài thơ đời Nguyễn đều nhắc đến. Ông là bậc dũng sĩ văn võ song toàn, văn đạt “Hiếu Liêm”, võ đạt “Hiệu úy” – từng giúp vua Hùng Duệ Vương chặn giặc phía tây, phía nam giữ yên bờ cõi Văn Lang. Đến đời An Dương Vương giúp vua với nhiều công trạng. Khi được cử làm sứ sang Tần thì giúp Tần đuổi giặc Hung nô. Vua Tần cảm kích phong làm Vạn Tín hầu và trở thành phò mã của Tần Thủy Hoàng khi được vua Tần gả công chúa Bạch Tình Cung.   

Đình thờ Đức Thành hoàng và làng Chèm nằm bên tả ngạn dòng Hồng Hà mà dân làng tôi gọi nôm là sông Cái, tức sông Mẹ của Đại Việt ta, trải qua hàng nghìn năm biến thiên của đất trời, thời thế vẫn giữ vững phong thổ, văn hóa làng ngoại thành Thăng Long.

Cho đến khi tôi sinh ra thì quê tôi đang nằm trong vùng tề (vùng giặc Pháp tạm chiếm), qua dòng sông đỏ rực phù sa là địa phận Phúc Yên thuộc vùng tự do. Việt Minh muốn đưa cán bộ từ vùng tự do vào Hà Nội trung tâm vùng tạm chiếm hầu hết đều theo đò ngang sang bên làng tôi.

Người dân làng Chèm dẫu đang ở vùng tề nhưng lòng vẫn hướng về chính phủ cụ Hồ, nên sẵn sàng mở lòng cưu mang, che chở, nuôi dưỡng cán bộ. Chả thế mà giờ đây dấu tích nhà bà Tư Hộ không quản vất vả, nghèo đói, địch vây ráp để che giấu, đùm bọc ông Hoàng Quốc Việt, ông Trường Chinh. Dấu tích nhà ông trẻ tôi (em bà ngoại tôi) là ông Cả Phê thành điểm đưa, nhận thư của cán bộ Việt Minh vẫn còn được ghi thành di tích lịch sử cho con cháu ghi nhớ, tưởng niệm. Lại còn đình làng Chèm (thờ Đức Thành hoàng Lý Ông Trọng) vào năm 1946 chứng kiến vụ xử bắn 7 cán bộ, du kích làng hiển hiện dấu tích vì cách mạng của dân làng tôi. 

Chiến tranh chống phá hoại của giặc Mỹ, làng Chèm bỗng trở thành trọng điểm cho sự bắn phá của giặc khi nằm giữa các vị trí mà máy bay địch thường chọn làm mục tiêu. Đó là nhà máy Bê tông, Bến Phà, cột điện cao thế vượt sông và trạm ra tên lửa phòng không. Tất cả đều nằm trên địa phận Chèm thân yêu của tôi.

Sau chiến tranh, vượt qua những trận mưa bom, rốc két ác liệt, dầy đặc của giặc 6-7 năm trời, làng tôi vẫn đứng vững, bình yên. Số người tử nạn vì bom đạn giặc đếm không hết ngón tay trên một bàn tay. Dân làng tôi bảo nhờ có Đức Thành Hoàng chở che, bao nhiêu bom, rốc két nhằm làng rơi xuống đều bị Ngài gạt ra sông. Một  chùm bom hạng nặng 28 quả rơi xuống giữa làng. Chùm bom đó nếu nổ thì làng tôi đã bị xóa sạch từ lâu rồi. Vậy mà cả chùm bom giết người đó lại không nổ, nằm im lìm dưới đất làng, để hòa bình về, công binh đến đào lấy mang đi. Sự linh nghiệm này là sự thật ngoài đời hay nằm trong tâm niệm niềm tin của dân Chèm.

Trong chiến tranh, người Chèm ở hậu phương thì bình tĩnh trồng lúa, trồng ngô khoai nơi đồng trước, đồng sau và tranh thủ làm cả vụ đông ở bãi giữa sông Cái. Bền bỉ, ăn chắt để dành nuôi con góp lương thực cho chiến trường. Người đi chiến trường thì anh dũng, bền bỉ để rồi chói sáng với tấm gương anh hùng của phi công Lê Thanh Đạo, chàng trai trẻ xóm Đông Chung, em ruột ông bí thư xã một thời sôi nổi.  

Nói về sự học, làng tôi nằm kề bên làng Vẽ thời nào cũng có người đỗ đạt khoa bảng ra làm quan. Thời tôi còn là học trò thì học vỡ lòng đã có giáo làng. Ông giáo nổi tiếng nhất làng là ông Viên tròn. Ông là thầy giáo nhưng chúng tôi đều gọi là bác. Trong gian nhà ba gian của ông Viên liền một lúc có ba lớp. Lớp năm tương đương với lớp 1, lớp tư tương đương với lớp 2 và lớp ba. Thoát ba lớp của bác Viên rồi, để học thêm cho chính quy cấp 1, cấp 2, học trò làng Chèm phải xuống học nhờ ở trường Vẽ. Chính vì  hai cái lẽ đó mà phần nhiều dân làng tôi cứ nghĩ dân Vẽ thì phát về văn, còn dân Chèm phát về võ. 

20-30 năm trở lại đây, sự học làng tôi khác nhiều. Muốn học lên cấp 3 thì vào Cấp 3 Xuân Đỉnh. Một lần trường Xuân Đỉnh mở cuộc thi văn chương cả ba khối thì bất ngờ ba giải nhất nhì ba đều về trò Chèm. Trò Chèm khối lớp 8 rinh cái giải nhất và giải ba, trò chèm khối 9 ăn cái giải nhì. Lại gần đây, trong huyện Từ Liêm (nay là quận Bắc Từ Liêm) có gần chục tiến sĩ các môn thì riêng làng Chèm có hai tiến sĩ văn chương và vật lý. Còn từ dạo lên phường thì làng Chèm (nay là phường Thụy Phương) có đầy đủ các trường từ mẫu giáo đến cấp 1 (giờ gọi là tiểu học), cấp 2 (giờ gọi là trung học cơ sở). Trường nào cũng khang trang và đang phấn đấu đạt chuẩn trường quốc gia.

Chủ tịch phường khóa trước giờ là Phó bí thư Đảng bộ phường Thụy Phương, một thanh niên thế hệ 7X từng tốt nghiệp trường Đại học Văn hóa khi gặp tôi lần đầu khoe “đã từng đọc tiểu thuyết “Vệt xoáy trước ngực làng” của chú, nhờ đó hiểu thêm về quá khứ của làng”. Liền sau đó vị Chủ tịch phường tâm sự muốn tôi với tư cách nhà văn góp thêm những ý kiến để phường Thụy Phương – làng Chèm quê mình ngày càng phát huy được tiềm năng văn hóa tiềm ẩn. Tôi rất lấy làm mừng vì trong nhiệm kì dưới sự lãnh đạo của vị Chủ tịch – Bí thư văn hóa này phong trào văn hóa văn nghệ được phát triển. Phường có một Câu lạc bộ Văn thơ mang tên “Hương Chèm, sinh hoạt văn nghệ của các tổ dân phố được duy trì , phát triển và sinh hoạt đều đặn tại nhà văn hóa các tổ. Hội Chèm mở vào rằm tháng 5 mỗi năm đều giữ được bản sắc và phong tục cũ. 

Và đặc biệt hơn nữa, phường Thụy Phương có bài hát “Bài ca quê Chèm” do Nguyễn Đăng Phúc, một con dân – nhạc sĩ nghiệp dư của làng sáng tác. Ca khúc này được coi là “Làng ca ” sáng sáng vang vọng từ loa phường, được hầu hết dân phường thuộc, cùng hát mỗi khi sinh hoạt tập thể, góp phần động viên cuộc sống dân phường – làng.

Làng Chèm giờ là phường Thụy Phương vốn nhất thôn nhất xã trên dưới thập niên, nay đang có tốc độ đô thị hóa mạnh. Đồng trước của làng trước đây mênh mông là thế, giờ gần như biến mất, nhường chỗ cho trụ sở Ủy ban – Đảng ủy phường cùng trường học các cấp, phòng y tế phường. Khu vực Phân Nha hơn ba chục năm trước là bãi tha ma, chỉ có những bụi dứa dại và cây móc diều, nay biến thành khu phố Chèm đông đúc với đủ các nhà hàng phục vụ nhu cầu cuộc sống.

Cũng như mọi làng quanh vùng, tuy đã lên phường nhưng  đều cố gắng giữ gìn bản sắc, nề nếp quý báu. Việc này làng Chèm – phường Thụy Phương càng có ý duy trì những nét đẹp của căn làng cổ. Nhất là tại phường giờ đây đang ngự trị ngôi đình có tuổi xấp xỉ 2000 năm, từng được mệnh danh là ngôi đình cổ nhất Việt Nam. Đình Chèm liên tiếp được nhận những danh hiệu cao quý do Nhà nước phong tặng. Năm 1990 được là “Di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật”. Năm 2016 nhận bằng “Di tích văn hóa phi vật thể” và năm 2017 đón nhận danh hiệu “Di tích quốc gia đặc biệt”.

Để  giữ gìn và truyền thụ vẻ đẹp của ngôi đình cổ và bậc danh nhân được thờ trong đình, nhân Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, lãnh đạo xã Thụy Phương đã chỉ đạo biên soạn và phát hành cuốn “Danh nhân Lý Ông Trọng với di tích và lễ hội Đình Chèm”. Và ngay sau khi lên phường 2 năm, vào năm 2015, lãnh đạo phường đã cho mời các nhà chuyên môn hàng đầu Hán Nôm về nghiên cứu các sắc phong của các triều đại đối với đức Thành Hoàng cùng hoành phi, câu đối, văn bia và những áng thơ văn còn lưu lại trong đình để cho ra cuốn “Di sản Hán – Nôm đình Chèm”.

Trong ngày đầu Hội Chèm Canh Tý, khi dân phường Thụy Phương đang náo nức đón hội đình Chèm, tôi ra đình. Thật may mắn gặp được ông Nguyễn Mạnh Thìn – Trưởng ban khánh tiết Hội đình Chèm. Sau khi tặng tôi cuốn sách, ông cho biết lãnh đạo phường Thụy Phương đã có kế hoạch tổ chức Hội Chèm năm nay phù hợp với tình hình, đồng thời dự định tái bản cuốn “Di sản Hán – Nôm đình Chèm” được xem như một tài liệu quý. Ông nói: Với cuốn sách này và những cuốn sách khác đã và sẽ có nói về đình Chèm và Đức Thành hoàng làng, chúng tôi hi vọng dù có biến đổi thế nào, khách thập phương, nhân dân trong phường và nhất là giới trẻ càng hiểu cội rễ và phong tục đẹp của làng Chèm, giờ là phường Thụy Phương – một vùng đất văn hóa lâu đời.

RELATED ARTICLES

Tin mới