Sunday, November 17, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaNghiên cứu quốc tếHà Lan với vấn đề Biển Đông và khu vực Châu Á...

Hà Lan với vấn đề Biển Đông và khu vực Châu Á – Thái Bình Dương

Ngày 13/11/2020, chính phủ Hà Lan công bố chính sách mới về khu vực châu Á và trở thành quốc gia thứ 3 trong Liên minh châu Âu (EU) – sau Đức và Pháp – có chiến lược can dự rõ ràng vào Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, trong đó có Biển Đông.

Mang tiêu đề “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương: Kim chỉ nam về việc tăng cường hợp tác giữa Hà Lan và EU với các đối tác ở châu Á”, tài liệu dài 10 trang bằng tiếng Hà Lan được Bộ Ngoại giao Hà Lan công bố hôm 13/11 được coi là chiến lược mới của Hà Lan đối với châu Á. Trong tài liệu, Hà Lan bày tỏ quan ngại về Biển Đông và Trung Quốc, phê phán các hành động của Trung Quốc và kêu gọi EU lên tiếng mạnh mẽ hơn về tình hình căng thẳng ở Biển Đông.

Tài liệu nhấn mạnh các diễn biến trên Biển Đông, nơi mà các tranh chấp chủ quyền, sự hiện diện quân sự, những cuộc tập trận và sự cạnh tranh ngày càng tăng giữa Washington và Bắc Kinh đe dọa sự ổn định của tuyến đường thủy quan trọng trên thế giới. Đối với Hà Lan, khu vực này không nên trở thành “nơi để các nước phô diễn sức mạnh” và “EU nên tìm kiếm sự hợp tác với các nước trong khu vực để bảo đảm quyền tự do đi lại và an toàn hàng hải. Trong bối cảnh đó, EU phải tỏ thái độ một cách thường xuyên và mạnh mẽ hơn trước những diễn biến ở Biển Đông vi phạm UNCLOS 1982”.

Phần đề cập đến vấn đề an ninh và ổn định trong tài liệu chiến lược của Hà Lan đặc biệt nhấn mạnh đến các hành động của Trung Quốc, được cho là ngày càng bành trướng, sẵn sàng sử dụng mọi công cụ dân sự và quân sự để đạt được “các mục tiêu chiến lược”, điều mà theo Hà Lan được thấy rõ nhất ở Biển Hoa Đông và nhất là Biển Đông.
Cùng với việc yêu cầu EU lên tiếng mạnh mẽ về vấn đề Biển Đông, tài liệu chiến lược của Hà Lan đã nhấn mạnh đến một số biện pháp mà nước này cùng với EU có thể làm tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và Biển Đông:

Trước hết, Hà Lan cho rằng chính họ cùng với EU phải tăng cường quan hệ với các cường quốc trong khu vực, từ Australia, New Zealand cho đến Hàn Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ, những nước cùng chia sẻ mối lo ngại về sự trỗi dậy và mối đe dọa của Trung Quốc, cũng như với các quốc gia Đông Nam Á như Indonesia, Singapore, Malaysia và Việt Nam.

Hai là, chiến lược của Hà Lan nêu rõ: “Cùng với các nước cùng chí hướng trong EU, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Hà Lan sẽ thúc đẩy quyền tự do đi lại và an ninh hàng hải bằng cách tập trung vào việc nâng cao năng lực trong lĩnh vực luật biển quốc tế. Trong bối cảnh đó, các phương án khả thi trong lĩnh vực quốc phòng hoặc an ninh cần phải được quan tâm”.

Ba là, đối với vấn đề Biển Đông, Hà Lan cùng với liên minh với Đức, Pháp hoặc cùng với một số quốc gia cùng chí hướng khác và tốt nhất là toàn EU cần có lập trường tích cực hơn chống lại việc vi phạm luật pháp quốc tế, bao gồm cả những vấn đề lên quan đến UNCLOS và Biển Đông.

Bốn là, tài liệu của Hà Lan đề xuất EU tìm cách có được vai trò cố vấn hoặc quan sát viên độc lập trong các cuộc đàm phán đang diễn ra giữa ASEAN và Trung Quốc về COC.
Sự kiện Hà Lan công bố chiến lược châu Á của mình, với đích nhắm là Trung Quốc, trong đó chỉ trích mạnh mẽ việc Trung Quốc đang dùng sức mạnh để củng cố các yêu sách chủ quyền biển trái với quy định của luật pháp quốc tế ở Biển Đông cho thấy rõ những hoạt động hung hăng của Trung Quốc với các nước láng giềng ven Biển Đông và trong khu vực đang trở thành mối lo ngại chung của cộng đồng quốc tế. Mặt khác, qua đây có thể thấy chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mà Mỹ chính thức nêu tại Diễn đàn cấp cao APEC năm 2017 và đang tích cực phối hợp cùng nhóm “Bộ Tứ” (Mỹ, Nhật, Úc, Ấn Độ) thúc đẩy đang được các nước châu Âu từng bước tiếp nhận.

Trước Hà Lan, vào tháng 9/2020, Đức cũng công bố một chiến lược mới nhằm cho phép nước này “đóng góp tích cực vào việc định hình trật tự quốc tế ở vùng Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”. Và trước đó một năm, vào tháng 5/2018, Pháp đã bắt đầu sử dụng khái niệm Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Nhiều nhà quan sát cho rằng việc có đến 3 nước EU là Pháp, Đức và Hà Lan quan tâm đến Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và vấn đề Biển Đông là dấu hiệu dự báo một chính sách chung của toàn khối tại khu vực chiến lược trọng yếu này bởi sau khi Anh rời khỏi EU thì Đức và Pháp là 2 nước lớn nhất trong EU và Hà Lan là một nước chủ chốt có nền kinh tế đứng thứ 5 trong EU. Đây được coi là những nước có vai trò quan trọng trong việc định hình những chính sách chung của châu Âu. Các chuyên gia phân tích quốc tế cho rằng nguyên nhân của việc Bắc Kinh ngày càng bị nghi kỵ ở châu Âu và các nước châu Âu đang điều chỉnh chính sách hướng chính sách đối với Trung Quốc là:

(i) Trung Quốc ngày càng lộ rõ bản chất hung hăng, bá quyền ở khu vực cũng như trong phạm vi toàn cầu. Từ việc gây hấn với các nước láng giềng ở Biển Đông, biển Hoa Đông; đe dọa sử dụng vũ lực với Đài Loan (trong đó có việc phản ứng thái quá đối với chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Thượng viện Séc hồi tháng 8/2020) đến việc gây căng thẳng ở biên giới với Ấn Độ, Bhutan cũng như việc sử dụng chiến thuật “bẫy nợ” trong sáng kiến “vành đai, con đường” để mở rộng ảnh hưởng. Những việc làm này của Bắc Kinh đã làm cho thế giới, bao gồm châu Âu không thể tin vào những lời nói xuông của giới cầm quyền Bắc Kinh nữa.

(ii) Việc giới cầm quyền Bắc Kinh thiếu minh bạch, che dấu dịch bệnh Covid-19 đẩy cả thế giới vào thảm họa, trong đó châu Âu chịu những tổn thất nặng nề cả về người và kinh tế. Đặc biệt, việc Bắc Kinh lợi dụng đại dịch Covid-19 để trục lợi qua chính sách “ngoại giao khẩu trang”, “ngoại giao vacxin” với các thiết bị y tế kém chất lượng gây sự phẫn nộ trong các chính phủ và người dân châu Âu.

(iii) Trong hợp tác kinh tế, Bắc Kinh không tôn trọng những thỏa thuận và lời hứa với châu Âu, tiếp tục chèn ép các doanh nghiệp của châu Âu; thực hiện thương mại không công bằng… càng làm cho các nước châu Âu bất mãn.

Liên quan tới vấn đề Biển Đông, giới quan sát cho rằng tiếp theo việc Anh, Pháp, Đức gửi chung một công hàm lên Liên hợp quốc bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông, việc Hà Lan đưa vào tài liệu “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương: Kim chỉ nam về việc tăng cường hợp tác giữa Hà Lan và EU với các đối tác ở châu Á” nội dung thể hiện quan điểm về Biển Đông cứng rắn, mạnh mẽ dựa trên UNCLOS thể hiện rõ xu hướng chung của châu Âu trong việc can dự vào vấn đề Biển Đông. Động thái này của Hà Lan có thể mở đường cho việc châu Âu đưa ra một quan điểm chung về vấn đề Biển Đông.

Châu Âu luôn là những nước đề cao luật pháp quốc tế, trong đó Hà Lan chính là nơi đặt trụ sở của Tòa Trọng tài quốc tế và cũng là nơi Tòa Trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 xét xử vụ kiện Biển Đông do Philippines khởi kiện Trung Quốc, ra phán quyết hôm 12/7/2016 với phần thắng thuộc về Philippines. Do vậy, chắc chắn luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS và phán quyết 12/7/2016 của Tòa Trọng tài sẽ luôn là cốt lõi trong lập trường về Biển Đông của Hà Lan nói riêng và châu Âu nói chung.

Đáng chú ý là sau khi Thủ tướng Úc Scott Morrison có cuộc hội đàm trực tuyến với Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, Văn phòng Thủ tướng Úc đã đưa ra thông cáo chung vào tối 26/11, trong đó Uc và châu Âu cùng bày tỏ quan ngại sâu sắc về những hành động đơn phương và gây bất ổn ở Biển Đông, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt UNCLOS 1982; đồng thời nhất trí “nâng cao hợp tác thúc đẩy những lợi ích chung về an ninh và thịnh vượng ở châu Á – Thái Bình Dương, mở rộng khắp Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương”. Đây là dấu hiệu cho thấy về việc châu Âu sẽ đưa ra một lập trường chung mới về các vấn đề khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, bao gồm vấn đề Biển Đông trong tương lai.

RELATED ARTICLES

Tin mới