Dự án Mekong Dam Monitor (Giám sát đập Mekong) hoạt động nhờ một phần tiền tài trợ của Bộ Ngoại giao Mỹ, theo Reuters.
Một dự án sử dụng vệ tinh để theo dõi và công bố thông tin về lượng nước tại các đập thủy điện của Trung Quốc trên dòng sông Mekong, với tên gọi Mekong Dam Monitor (Giám sát Đập Mekong), vừa được công bố vào ngày 13/12 vừa qua, hãng thông tấn Reuters (Anh) và báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP – Hồng Kông) đưa tin.
Đáng chú ý, đây là một dự án được Mỹ tài trợ. Dự án này được nhận định sẽ khiến cuộc cạnh tranh giữa hai nước Mỹ-Trung tại Đông Nam Á thêm gay gắt, bởi trong thời gian gần đây, dòng sông Mekong đã trở thành một trong những điểm nóng trong cuộc đối đầu của hai cường quốc này.
Mekong Dam Monitor sẽ chính thức đi vào hoạt động vào ngày 15/12 tại một sự kiện ảo, theo SCMP. Cũng trong buổi khai trương dự án, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương David Stilwell sẽ có bài phát biểu quan trọng.
Chỉ vài tuần trước đó, phía Trung Quốc vừa công bố sáng kiến nhằm “giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và thiên tai” để thể hiện “sự thiện chí và chân thành của Trung Quốc với tư cách là một ‘người láng giềng’ có trách nhiệm ở thượng nguồn sông Mekong”.
Theo thông tin trên website của dự án, Mekong Dam Monitor là một nền tảng mã nguồn mở trực tuyến, thành lập với cam kết sẽ cung cấp thông tin cập nhật hàng tuần, theo thời gian thực về lượng nước của 13 đập thủy điện trên dòng chính của sông Mekong và 15 đập trên các nhánh phụ có công suất phát điện lớn hơn 200MW – dựa trên các cảm biến từ xa và hình ảnh vệ tinh.
Được biết, dự án Mekong Dam Monitor hoạt động nhờ một phần tiền tài trợ của Bộ Ngoại giao Mỹ. Dự án này cũng sẽ tiến hành phân tích các dữ liệu và đưa ra báo cáo hàng tuần về 11 đập thủy điện của Trung Quốc trên thượng nguồn sông Mekong, cũng như bản đồ và các chỉ số khác liên quan như nhiệt độ, mật độ tuyết phủ, lượng mưa… tại các khu vực dọc con sông này.
Washington cáo buộc các đập của Trung Quốc giữ nước, gây ra nhiều tác hại cho những khu vực ở hạ nguồn – nơi 60 triệu người dân phụ thuộc vào nguồn nước của sống Mekong để kiếm kế sinh nhai thông qua những hoạt động như đánh bắt thủy sản và canh tác nông nghiệp. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã bác bỏ cáo buộc này.
Trước đây Bắc Kinh chỉ công khai các thông tin về dòng chảy sông Mekong mùa mưa lũ, tuy nhiên hồi tháng 11 vừa qua, nước này đã cam kết trước Hội nghị Hợp tác Mekong-Lan Thương rằng họ sẽ chia sẻ dữ liệu thủy văn quanh năm.
Tuyên bố của dự án Mekong Dam Monitor trên website chính thức cho biết họ sẽ “phản bác lại những tuyên bố không chính xác về tình trạng và hoạt động của các đập, hồ chứa và dòng chảy trên lưu vực sông Mekong” bằng cách “giám sát liên tục, minh bạch và dựa trên bằng chứng”.
“Việc giám sát sẽ cung cấp bằng chứng rằng 11 đập thủy điện của Trung Quốc trên dòng chính của sống Mekong được vận hành theo cách phức tạp nhằm tối đa hóa công suất điện sản xuất ra để phục vụ nhu cầu của các tỉnh miền đông Trung Quốc – mà không hề tính đến những tác động đối với khu vực hạ nguồn”, nhà nghiên cứu Brian Eyler đến từ Trung tâm Stimson ở Washington, cho biết.
Trung Quốc khẳng định đập thủy điện ở thượng nguồn Mekong có nhiều ích lợi
Trung Quốc từng bị lên án mạnh mẽ trong một số nghiên cứu trước đây – bao gồm nghiên cứu của Eyes on Earth thuộc dự án Mekong Dam Monitor. Theo đó, nghiên cứu của Eyes on Earth cho thấy nước ở thượng nguồn sông Mekong đã bị giữ lại vào năm 2019, khi các quốc gia hạ nguồn hứng chịu hạn hán nghiêm trọng.
Tuy nhiên, Viện nghiên cứu Kỹ thuật Năng lượng Tái tạo Trung Quốc đã phản bác nghiên cứu của Eyes on Earth trong một báo cáo công bố ngày 4/12, khẳng định rằng “Mỹ đã không thể cung cấp các bằng chứng xác đáng xuyên suốt báo cáo này”.
“Những lợi ích của các đập thủy điện ở thượng nguồn sông Lan Thương đối với các quốc gia láng giềng ở hạ nguồn sông Mekong đều rõ ràng và sáng tỏ”, viện nghiên cứu của Trung Quốc khẳng định rằng việc giữ nước đã phòng tránh cả lũ lụt và hạn hán ở vùng hạ nguồn.