Sunday, November 17, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiHàng loạt tàu vận tải biển bị ngân hàng phát mãi giá...

Hàng loạt tàu vận tải biển bị ngân hàng phát mãi giá rẻ

Tuy nhiên, việc phát mãi loại tài sản này không hề dễ dàng, một số con tàu đã được rao bán trên chục lần nhưng chưa thành công dù giá khởi điểm liên tục rớt mạnh, thấp hơn rất nhiều so với giá trị khoản nợ.

BIDV chi nhánh Sở Giao dịch 2 mới đây thông báo đấu giá khoản nợ của Công ty CP Vận tải Dầu khí Mekong. Tài sản đảm bảo là tàu chở xăng dầu và hóa chất, tên MEKONGTRANS 02, được đóng tại Trung Quốc năm 2008. Tàu có trọng tải toàn phần 5.433,05 DWT, dung tích chở hàng là 6.558,68m3. BIDV đưa ra giá khởi điểm bằng tổng nợ gốc và lãi vay, đến ngày 31/10/2020 là hơn 114,4 tỷ đồng. 

Ngoài khoản nợ trên, từ đầu năm đến nay, BIDV đã rao bán nhiều lần 2 khoản nợ khác liên quan đến tàu biển nhưng chưa thành công.

Tại BIDV chi nhánh Long Biên, ngân hàng vẫn đang rao bán khoản nợ của Công ty TNHH MTV Vận tải Biển Đông, tài sản đảm bảo gồm tàu Biendong Victory, trụ sở công ty Vận tải Biển tại Hải Phòng; Trụ sở Công ty Vận tải Biển Đông tại TP.HCM. Tàu Biendong Victory là tàu chở dầu, đóng năm 2001 tại Nhật Bản, có trọng tải toàn phần là 47.084 MT. Giá khởi điểm là hơn 59,5 tỷ đồng. 

Trước đó, hồi tháng 11, BIDV Long Biên cũng rao bán tàu Ocean Queen với giá khởi điểm 168 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức hơn 300 tỷ đưa ra hồi cuối năm 2019. Tàu Ocean Queen là loại tàu chở hàng rời (Bulk Carrier) trọng tải toàn phần là 5352,9MT, tổng dung tích 32614GT. Công ty Hoa Ngọc Lan đã vay ngân hàng để mua con tàu này từ Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy Nam Triệu năm 2010, giá mua khi ấy là 33 triệu USD tương ứng với 627 tỷ đồng.

Trong khi đó, Vietcombank mới đây cũng thông báo đấu giá khoản nợ được đảm bảo tài sản bởi 3 tàu vận tải biển, đây cũng là khoản nợ có giá trị lớn nhất mà ngân hàng rao bán từ đầu năm đến nay. Cụ thể, toàn bộ khoản nợ của CTCP Vận tải biển Việt Nam tại Vietcombank Hải Phòng đến ngày 30/11/2020 là hơn 26,5 triệu USD, tương đương với hơn 617 tỷ đồng. 

Giá khởi điểm mà Vietcombank đưa ra là bằng dư nợ gốc của khoản nợ là gần 22,7 triệu USD, tương đương với gần 530 tỷ đồng. Tài sản bảo đảm là 3 tàu biển bao gồm Tàu biển Đại Minh, Tàu biển Đại Nam, Tàu biển Fortune Frighter.

Tàu biển Đại Minh là loại tàu dầu, đóng năm 2004 tại Nhật Bản, có trọng tải: 47.148 DWT.  Tàu biển Đại Nam là tàu chở dầu vỏ kép, đóng năm 2000 tại Nhật Bản, có trọng tải: 47.102 DWT. Tàu biển Fortune Frighter là tàu chở container; đóng năm 1997 tại Nhật Bản; trọng tải: 8.937,80 DWT.

Trên thực tế, việc phát mãi tàu vận tải biển không hề dễ dàng khi loại tài sản này ít người mua, giá trị lại lớn, một con tàu có khi lên tới hàng chục triệu USD. BIDV đã có đến hàng chục lần thông báo đấu giá tàu Ocean Queen; giá khởi điểm rớt mạnh từ hơn 300 tỷ hồi cuối năm 2019 xuống còn 168 tỷ đồng, đồng thời cũng thấp hơn rất nhiều so với giá trị khoản nợ (gần 30 triệu USD). Tương tự, khoản nợ của công ty Biển Đông cũng đã được rao bán tới lần 15, giá khởi điểm rớt mạnh từ 174 tỷ đồng hồi tháng 10/2020 xuống còn 59,5 tỷ đầu tháng 12/2020.

Trong khi đó, một số ngân hàng khác cũng đang “đau đầu” với các khoản nợ quá hạn hàng trăm tỷ đồng với các công ty vận tải biển. Chẳng hạn, vừa qua, ngân hàng ACB cũng đã khởi kiện Công ty Cổ phần Vận tải và Thuê tàu biển Việt Nam (Vitranschart) về 3 khoản nợ quá hạn thanh toán lên tới 435 tỷ đồng quy đổi tại thời điểm ngày 30/6/2020.

RELATED ARTICLES

Tin mới