Saturday, November 16, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTQ lại chơi “luật rừng” !

TQ lại chơi “luật rừng” !

Với việc ban hành Dự luật Hải cảnh, theo nhận định của các nhà bình luận quốc tế, Trung Quốc muốn thực hiện 4 mưu đồ: Tăng cường kiểm soát Biển Đông; bành trướng trên biển dưới chiêu bài “thực thi pháp luật”; tạo đà gia tăng bắt nạt các nước láng giềng và áp đặt luật nội địa lên các quốc gia khác.

Trước hành động trắng trợn này của Bắc Kinh, các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á cần có nhiều giải pháp đồng bộ, cứng rắn hơn để chống lại hành động “quân sự hóa” lực lượng Hải cảnh. Về hoạt động ngoại giao, cần gia tăng sức ép quốc tế, buộc Trung Quốc phải “trả giá” cả về ngoại giao và kinh tế.

Nếu Dự luật Hải cảnh được thông qua thì Trung Quốc sẽ có thêm một vũ khí lợi hại ở Biển Đông. Các nước đang có tranh chấp, nhất là Việt Nam, Indonesia, Philippines… sẽ rơi vào tình thế khó khăn hơn rất nhiều.

Trên thực địa, Trung Quốc đã chiếm ưu thế ở Biển Đông, trước khi dự luật này được thông qua. Trung Quốc đã và đang từng bước kiểm soát Biển Đông, quá trình đó diễn ra rõ nhất là giai đoạn 2013-2014, tăng tốc kể từ năm 2016, sau khi ông Rodrigo Duterte đắc cử tổng thống Philippines và ông Donald Trump trở thành tổng thống Mỹ. Cả hai ông này đều lờ tít phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực LHQ tại Lahaye trong vụ kiện của Philippines.

Luật Hải cảnh của Trung Quốc tuy không thay đổi được nhiều cục diện trên Biển Đông, nhưng không thể xem thường mà rơi vào bẫy của họ. Các quốc gia có yêu sách chủ quyền ở khu vực cần nhận thức đầy đủ về “hải vực” (MDA), đồng thời tăng cường năng lực tuần tra hàng hải và có thái độ cứng rắn đối với Trung Quốc.

Điều quan trọng nhất nhằmngăn chặn thói côn đồ của Trung Nam Hải là: Cộng đồng quốc tế cùng vào cuộc, gia tăng sức ép ngoại giao và kinh tế đối với Trung Quốc. Việc tạo sức ép cốt để Trung Quốc nhận ra rằng, mục tiêu trở thành bá chủ thế giới của họ sẽ phải trả giá đắt, vì họ đã sai trong ứng xử.

Các nước có tiềm lực kinh tế, quân sự yếu cần dựa vào Mỹ. Còn Mỹ phải đóng vai trò “cảnh sát cứng rắn”, trong khi các nước Đông Nam Á nên đóng vai “cảnh sát mềm dẻo”, thực hiện các giải pháp một cách linh hoạt và khôn khéo. Bởi cả Mỹ và các nước Đông Nam Á đều chung một mục tiêu ngăn chặn sự bành trướng phi pháp của Bắc Kinh. Mỹ cần chỉ trích mạnh mẽ các hành vi của Trung Quốc, duy trì các biện pháp trừng phạt tài chính đối với các doanh nghiệp của Trung Quốc có những hoạt động bất hợp pháp.

Mỹ và các nước khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc cùng các quốc gia có chủ quyền ở Biển Đông nên xây dựng một thỏa thuận hợp tác hỗ trợ lẫn nhau, cùngchống lại các hành vi gây hấn, biến Biển Đông thành ao nhà của Trung Quốc.

Một điều cần đặc biệt lưu ý, các quốc gia có yêu sách chủ quyền ở Biển Đông hãy thẳng thắn từ chối mọi sự can thiệp không cần thiết đối với Bộ quy tắc ứng xử về Biển Đông (COC) từ các nước ASEAN không có yêu sách. Việt Nam, Malaysia, Philippines nên tiến hành các phiên đàm phán ba bên về COC.

Song song với các giải pháp nêu trên, các quốc gia chủ động nâng cao năng lực của Cảnh sát biển cùng các lực lượng khác trên biển để có thể đối trọng với hải cảnh Trung Quốc; có nhiều kịch bản để ứng phó với hải cảnh Trung Quốc.

Cần thấy rằng, Việt Nam và các quốc gia ở Biển Đông cũng có những quy định pháp lý để quản lý hoạt động của cảnh sát biển. Việt Nam có quy định trong luật:Cảnh sát biển có thể sử dụng vũ lực trong một số trường hợp đặc biệt. Điều này phù hợp với luật pháp quốc tế và yêu sách của Việt Nam cũng phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS).

Ngược lại, Dự luật Hải cảnh Trung Quốc nếu chiếu theo yêu sách “đường chín đoạn phi pháp” thì nuốt trọn Biển Đông, bao gồm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các nước khác. Khi ấy các lực lượng làm nhiệm vụ trên biển “va chạm”với Hải cảnh Trung Quốc là điều khó tránh.

Nhằm ngăn chặn xung đột leo thang, các bên cần thống nhất các quy chế giải quyết chung khi đối đầu giữa các lực lượng chấp pháp trên biển. Trung Quốc ỷ vào sức mạnh áp đảo của lực lượng Hải cảnh lên các quốc gia khác nên đang từng bước lấn tới. Họ lớn tiếng, rằng việc thông qua Dự luật Hải cảnh là chuyện nội bộ, các nước không nên dựa vào Sen đầm Mỹ, xía vô “công việc bình thường” của nước này (!).

Nhưng Bắc Kinh quên một điều, trong thế giới đa cực ngày nay, lợi ích của bất kỳ quốc gia nào cũng phải tuân thủ luật pháp quốc tế, không được phép làm phương hại, chà đạp lên lợi ích của quốc gia khác. Trung Quốc không được mang “luật rừng” ra gây rối Biển Đông!

RELATED ARTICLES

Tin mới