Thursday, January 2, 2025
Trang chủBiển nóngCác thể chế đa phương trong khu vực coi Biển Đông là...

Các thể chế đa phương trong khu vực coi Biển Đông là phép thử

Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn, Biển Đông là phép thử về vai trò của các thể chế đa phương trong khu vực, nhất là của ASEAN.

Hội thảo Khoa học Quốc tế về Biển Đông lần thứ 12 có chủ đề “Duy trì hòa bình và hợp tác trong môi trường có nhiều biến động” diễn ra sáng 16/11 tại Hà Nội.

Hội thảo Khoa học Quốc tế về Biển Đông năm 2020 do Học viện Ngoại giao phối hợp với Hội Luật gia Việt Nam (VLA) và Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông (FESS) tổ chức là chuỗi hội thảo thường niên nhằm thúc đẩy đối thoại và trao đổi học thuật về quản lý, giải quyết tranh chấp và các vấn đề liên quan tại Biển Đông.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, Việt Nam là một quốc gia biển, luôn khát vọng hòa bình và hợp tác. Do đó Việt Nam luôn thúc đẩy để Biển Đông trở thành vùng biển hòa bình, ổn định và phồn thịnh. Đồng thời gắn kết lợi ích các quốc gia trong khu vực và ngoài khu vực, cùng chung sống hòa bình, theo chuẩn mực của luật pháp quốc tế. Điều này cũng được thể hiện trong quan điểm của ASEAN về khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Theo Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 trên toàn cầu, lòng tin trong quan hệ quốc tế đang chịu tác động mạnh mẽ, hòa bình, ổn định giữa các quốc gia đang bị suy giảm. Biển Đông tiếp tục là mối quan tâm chung của các nước trong khu vực và quốc tế. Bởi đây là phép thử cho khả năng duy trì đối thoại, hợp tác vì lợi ích chung.

Theo đó, Biển Đông là phép thử về vai trò của các thể chế đa phương trong khu vực, nhất là của ASEAN trong việc quản lý căng thẳng, xây dựng lòng tin, ngoại giao phòng ngừa và tạo dựng môi trường khu vực thuận lợi, để giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình.

 Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nhấn mạnh, trong vai trò chủ tịch ASEAN năm 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, Việt Nam đã nỗ lực cùng các nước, tăng cường vai trò của các thể chế đa phương, thúc đẩy vai trò của ASEAN. Từ đó khắc phục khó khăn chung, thúc đẩy hợp tác, chủ động xử lý hài hòa quan điểm và lợi ích của các nước có liên quan.

Thứ trưởng nhắc lại, tuyên bố ngày 8/8 của các ngoại trưởng ASEAN về quyết tâm duy trì khu vực Đông Nam Á hòa bình, an ninh, ổn định và trung lập. Đồng thời kêu gọi tất cả các nước kiềm chế, không tiến hành làm phức tạp, leo thang tranh chấp, ảnh hưởng đến hòa bình khu vực. Không đe dọa sử dụng vũ lực và tranh chấp bằng biện pháp hòa bình bằng luật pháp quốc tế.

Biển Đông là phép thử của các thể chế đa phương trong khu vực - 2

Các đại biểu chụp ảnh tại buổi khai mạc Hội thảo quốc tế về Biển Đông lần 12. (Ảnh: Minh Tuấn)

“Chúng tôi tin tưởng rằng, với uy tín của diễn đàn về Biển Đông trong khu vực được gây dựng hơn 10 năm qua, với sự quy tụ các chuyên gia, học giả hàng đầu khu vực, với sự ủng hộ chân thành của cộng đồng quốc tế, Hội thảo này là dịp tốt để thể hiện tinh thần đối thoại, hợp tác ở Biển Đông. Qua đó, đóng góp thêm nhiều ý tưởng, sáng kiến mới  cho việc tăng cường hợp tác đối thoại Biển Đông trong thời gian tới”, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định. 

Theo Ban tổ chức, năm 2020, Hội thảo Biển Đông thu hút khoảng 250 đại biểu tham dự trực tiếp, bao gồm các diễn giả, học giả quốc tế và Việt Nam có uy tín, ảnh hưởng trong khu vực và trên thế giới. Ngoài ra, có hơn 60 diễn giả tham dự hội thảo dưới hình thức trực tuyến và hàng nghìn khác mời đăng kí tham dự online.

Hội thảo diễn ra với 8 phiên lớn và 1 phiên đặc biệt. Các chủ đề trọng tâm trong năm 2020 bao gồm: Đánh giá chung tình hình Biển Đông trong tình hình thế giới biến động; Đánh giá vai trò của ASEAN với tầm nhìn sau năm 2025; Cuộc tranh luận Công hàm; Cuộc canh tranh về các câu chuyện kể về Biển Đông và vai trò của báo chí; Làm thế nào để xây dựng các quy tắc ứng xử để tránh va chạm tại Biển Đông; Cá, nghề cá và bảo vệ tài nguyên cá; Nghiên cứu khoa học biển; và Phát triển tài nguyên biển bền vững.

Đặc biệt, hội thảo lần này có thêm một phiên dành riêng cho các nhà lãnh đạo trẻ, nhằm nuôi dưỡng, kết nối thế hệ tương lai để góp phần thúc đẩy trật tự pháp lý, duy trì hòa bình và hợp tác trên biển trong tương lai.

RELATED ARTICLES

Tin mới