Thursday, January 2, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiMSR thành công, Mỹ có còn giữ được vị trí siêu cường?

MSR thành công, Mỹ có còn giữ được vị trí siêu cường?

Trong hai năm 2019-2020, việc triển khai dự án Con đường Tơ lụa trên biển (MSR) của Trung Quốc đã thật sự trở thành thách thức quân sự và địa chiến lược trực tiếp đối với Khuôn khổ An ninh Ấn Độ – Thái Bình Dương do Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ khởi xướng.

Điều các nhà phân tích, bình luận quốc tế quan tâm là, sắp tới khi ngồi vào ghế Tổng thống Mỹ, ông Biden sẽ có giải pháp chiến lược như thế nào đối với MSR?

Tập trung vào giữ an ninh, trật tự trên Biển Đông sẽ là chính sách của Biden. Đó cũng là chính sách ngoại giao đối với Trung Quốc. Điều này Biden có thể khá giống với Trump. Bởi thực tế chính sách của Washington đối với Bắc Kinh hiện được sự ủng hộ rộng rãi của cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ ở Mỹ.

Song, ông Biden chắc sẽ không vội vàng tăng mức thuế nhằm vào hàng hóa của Trung Quốc. Chính quyền mới sẽ từng bước giảm sự phụ thuộc của Mỹ vào chuỗi sản xuất của Trung Quốc. Washington có thể sẽ tập trung cạnh tranh với Bắc Kinh về các lĩnh vực chiến lược như công nghệ di động 5G, trí tuệ nhân tạo. Cái mà Washington hợp tác được với Bắc Kinh đó là, giải quyết các vấn đề về biến đổi khí hậu, chương trình hạt nhân Iran…

Trở lại với “con đường” của Trung Quốc. MSR có ý nghĩa đáng kể về mặt địa chính trị, nhất là đối với khu vực Đông Nam Á, vì nó có vai trò như là một nhân tố quan trọng trong chính sách ngoại giao và địa chiến lược Trung Quốc. Trong khu vực, mục tiêu chiến lược lớn hơn là hợp tác chặt chẽ với các quốc gia ASEAN, từ đó thực thi ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực ở cả khía cạnh chính trị và kinh tế. Được như thế, Trung Quốc sẽ giành lợi thế trong cuộc cạnh tranh toàn cầu với Mỹ.

MSR được Bắc Kinh đưa ra như một thứ hỏa mù để các nước Đông Nam Á quên đi tranh chấp trên Biển Đông và tập trung vào vấn đề hợp tác kinh tế trong làm ăn với Trung Quốc. Đây cũng là một lý giải cho thực trạng phân hóa nội bộ ASEAN trước vấn đề Biển Đông. Nếu thành công, MSR sẽ là “một mũi tên trúng hai đích”, một mặt Trung Quốc có thể hút các nước ASEAN tham gia MSR, một mặt vẫn phát triển hoạt động bất hợp pháp trên Biển Đông mà ít bị “ném đá”.

Với con bài “cây gậy và củ cà rốt”, Trung Quốc âm mưu khiến các quốc gia Đông Nam Á phụ thuộc vào các công cụ kinh tế. Có thể thấy các quốc gia ASEAN phản ứng tương đối tích cực với “sáng kiến” của Trung Quốc. Thêm nữa, do được hưởng các lợi ích kinh tế các nước này dường như sẵn sàng chấp nhận phụ thuộc vào Trung Quốc ở một mức độ nhất định. Còn trên toàn cầu, MSR Mới nhận được sự ủng hộ nhất định, vì các quốc gia châu Phi và Châu Âu cũng ủng hộ “sáng kiến” này.

Thay đổi trong cân bằng quyền lực rõ ràng đã đóng một vai trò đáng kể trong quá trình thực hiện MSR Mới. Một khi vị thế của Mỹ suy giảm buộc các nước trong khu vực phải hợp tác với Trung Quốc. Chính sách hiện tại của Philippines đã thể hiện tình hình này rất rõ.

Câu hỏi quan trọng là, liệu Chính phủ của Tổng thống mới Biden có thể có khả năng duy trì, hoặc thậm chí là củng cố vị trí siêu cường của Mỹ tại khu vực hay không? Nếu không, nhờ MSR Mới, việc chiếm ưu thế về kinh tế của Trung Quốc sẽ nhanh chóng kéo theo sự mở rộng ảnh hưởng chính trị của Trung Quốc đồng thời hệ thống chư hầu cũ sẽ được phục hồi.

Hiện tại, Trung Quốc vẫn đang sử dụng chiêu thức được học tập từ kinh nghiệm phát triển lực lượng hải quân toàn cầu của thực dân Anh thời trước. Chiêu thức đó là: Xây dựng các căn cứ hậu cần dọc những tuyến hàng hải xung yếu (như đang triển khai ở Gwadur – Pakistan, Hambantota -Sri Lanka, Maldives) và tuần tra, kiểm soát thường xuyên các điểm giao thông huyết mạch trên biển.

Sách lược độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc đang ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh của nhiều nước trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam, Philippines.

Trong khi đó, lợi dụng danh nghĩa ban đầu là tham gia tuần tra quốc tế trên Vịnh Aden để ngăn ngừa cướp biển Somalia, Trung Quốc đã mở rộng phạm vi hoạt động. Bắc Kinh bắt đầu triển khai một bộ phận tàu ngầm hạt nhân trên Biển Arab thuộc Ấn Độ Dương. Đồng thời, thông qua các Hành lang Kinh tế đang xây dựng ở Pakistan và Myanmar, Trung Quốc trên thực tế đã có các “Xa lộ cao tốc” dẫn ra Ấn Độ Dương qua phía Bắc Biển Ả-rập và Vịnh Bengal.

Âm mưu chiến lược của Trung Quốc là trở thành cường quốc toàn cầu, tìm kiếm địa vị cân bằng chiến lược với Mỹ, phá vỡ sách lược “xoay trục về Châu Á” của Mỹ. Nước này cũng tăng cường sức ép lên Ấn Độ cả về hướng Bắc (qua dãy Himalayah) lẫn hướng Nam (Ấn Độ Dương). Để đối trọng lại âm mưu này, Nhóm bộ Tứ, bao gồm 4 nước Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia, đang tăng cường hợp tác, nhằm kiềm chế Trung Quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới