Sunday, January 12, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiNguồn gốc phóng xạ ở Biển Đông là từ đâu?

Nguồn gốc phóng xạ ở Biển Đông là từ đâu?

Các nhà nghiên cứu từ Bộ Khoa học công nghệ và Viện Nghiên cứu hạt nhân Philippines (DOST-PNRI) đang truy tìm nguyên nhân độ phóng xạ cao trong vùng Biển Đông.

Giám đốc DOST-PNRI Carlo Arcilla nói rằng một nghiên cứu về san hô do nhóm các nhà nghiên cứu cơ quan này thực hiện đã phát hiện mức độ phóng xạ ở Biển Đông, cao hơn so với các khu vực biển khác. Trong đó, nơi có nồng độ phóng xạ cao nhất nằm gần khu vực đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Khu vực này hiện bị Trung Quốc chiếm đóng và cải tạo trái phép.

Dựa trên các cơ sở khoa học, thông thường những nguồn chủ yếu tạo ra iôt 129 là các vụ thử hạt nhân, sự cố hạt nhân hoặc quá trình tái xử lý nhiên liệu hạt nhân.

Arcilla cho biết, ông đã trình bày vấn đề này tại hội nghị trực tuyến của Mạng lưới các cơ quan pháp quy về năng lượng nguyên tử ASEAN (ASEANTOM) hôm 24, 25/11 do Việt Nam tổ chức.

“Chúng tôi không rõ nguyên nhân là gì. Nhưng thực tế là nồng độ của iôt 129 tại khu vực rất cao. Dù không gây nguy hiểm nhưng đáng phải theo dõi”, ông Arcilla nói và cho biết, “đó chỉ là phát hiện ban đầu”.

Theo Arcilla, Viện DOST-PNRI có năng lực trong phát hiện phóng xạ môi trường như thế này. “Chúng tôi sẽ tìm hiểu thêm về vấn đề này trong vài tháng tới”, Giám đốc DOST-PNRI nói.

 Philippines sẽ cải thiện khả năng phát hiện phóng xạ môi trường, đặc biệt là ở Biển Đông với việc thực hiện một dự án do Liên minh châu Âu (EU) tài trợ nhằm giúp các quốc gia thành viên ASEAN giám sát các mối nguy như vậy.

Theo chương trình Hợp tác về an toàn hạt nhân của Ủy ban châu Âu (EC) cho Đông Nam Á, Philippines sẽ có 10 trạm giám sát phóng xạ hướng thẳng ra Biển Đông. Các phát hiện sẽ được chia sẻ trong khuôn khổ ASEANTOM.

Liên quan tới tuyên bố của chuyên gia Philippines cho biết nồng độ phóng xạ iốt-129 cao bất thường ở gần các thực thể bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép trên Biển Đông, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết:

“Các cơ quan chức năng Việt Nam quan tâm và đang xác minh thông tin trên. Cần nói thêm rằng Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982 quy định rõ ràng các quốc gia có nghĩa vụ bảo vệ và gìn giữ môi trường biển, cũng như tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ven biển được xác định phù hợp với UNCLOS 1982”.

Cũng theo bà Hằng, việc sử dụng, khai thác, vận chuyển phương tiện, thiết bị, vật liệu có nguy cơ gây mất an toàn bức xạ và an toàn hạt nhân cần tuân thủ quy định luật pháp quốc tế, các quy tắc, quy chuẩn về bảo đảm an toàn bức xạ và an toàn hạt nhân của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) và không gây ảnh hưởng đến duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực.

RELATED ARTICLES

Tin mới