Ngân hàng Thế giới vừa công bố báo cáo Điểm lại – Cập nhật kinh tế Việt Nam ấn phẩm tháng 12 năm 2020. Theo báo cáo, mặc dù phải đối mặt với cú sốc lớn nhất toàn cầu trong nhiều thập kỷ qua nhưng Việt Nam được dự báo tăng trưởng gần 3% năm 2020 trong khi kinh tế thế giới dự kiến suy giảm ít nhất 4%.
Trong thời gian tới, triển vọng của Việt Nam được cho là tích cực khi nền kinh tế được dự báo tăng trưởng ở mức khoảng 6,8% trong năm 2021 và sẽ ổn định quanh mức 6,5% các năm tiếp theo.
Bên cạnh phân tích về những xu hướng gần đây của nền kinh tế Việt Nam, theo báo cáo, mặc dù Chính phủ đã làm rất tốt việc kiểm soát đại dịch lớn nhất trong thời gian qua, Việt Nam vẫn dễ bị tổn thương với nhiều tai ương về y tế và môi trường.
Cùng với ô nhiễm không khí là nguyên nhân gây tử vong cho khoảng 60.000 người mỗi năm, Việt Nam còn phải hứng chịu xói lở bờ biển, hạn hán, xâm nhập mặn và sạt lở đất.
Những trận bão vừa qua ở miền Trung với hơn 240 người chết và mất tích, nửa triệu ngôi nhà bị hư hỏng hoặc phá hủy cũng là một lời nhắc nhở đau lòng khác về sự mong manh dễ tổn thương đó.
Trong ấn bản điểm lại lần này, sau khi mô tả những xu hướng gần đây của nền kinh tế Việt Nam, Ngân hàng Thế giới đặt ra câu hỏi tại sao Việt Nam vẫn chưa xử lý những thách thức về môi trường và khí hậu một cách hiệu quả như kiểm soát khủng hoảng COVID-19.
Các vấn đề này, tuy có sự khác biệt nhưng cũng có nhiều điểm tương đồng. Bài học thành công từ kinh nghiệm triển khai các biện pháp đúng đắn vào đúng thời điểm trong khủng hoảng COVID-19 cần được quan tâm hơn nữa vì nó có thể truyền cảm hứng cho các nhà hoạch định chính sách thực hiện cam kết giải quyết những thách thức về môi trường và khí hậu.
Thứ nhất, việc kiểm soát thành công đại dịch (lại một lần nữa) cho thấy cần chuẩn bị sẵn sàng, hành động sớm và mạnh dạn. Thứ hai, ngoài tầm nhìn và năng lực thì khả năng tạo cơ hội cho thử nghiệm và đổi mới sáng tạo cũng là cách hiệu quả để thay đổi hành vi của cá nhân và tập thể. Đó là yếu tố căn bản trong nỗ lực đối phó với những mối đe dọa về y tế và khí hậu.