Ngày 29/11/1967, Tổng thống Lyndon Johnson tuyên bố rằng Robert McNamara, Bộ trưởng Quốc phòng, sẽ rời vị trí của mình để trở thành người điều hành Ngân hàng Thế giới. “Cho đến tận hôm nay, tôi cũng không biết mình đã nghỉ việc hay bị sa thải nữa,” McNamara chia sẻ nhiều thập niên sau đó. “Có lẽ là cả hai.”
Thật ra mọi chuyện khá rõ ràng: Ông đã bị sa thải. Nhưng ông không phải người duy nhất bối rối. Bối cảnh mà McNamara rời khỏi Lầu Năm Góc quả thật mơ hồ – và sự mù mờ ấy nói lên nhiều điều về McNamara, về Johnson và chính trị trong nước trong thời kỳ Chiến tranh Việt Nam.
Trong những tháng trước đó, Johnson đã rất thất vọng với sự bất mãn dâng cao của McNamara với cuộc chiến của Mỹ tại Việt Nam: mối ngờ vực dâng cao rằng chiến dịch không kích Bắc Việt đang không hiệu quả và sẽ không hiệu quả, rằng ổn định chính trị ở Sài Gòn vẫn khó đạt được và do đó chính quyền nên tìm kiếm một lối thoát bằng thương lượng. Johnson, nổi giận khi McNamara trở nên mềm yếu, đồng thời nghi ngờ rằng vị bộ trưởng đang bí mật lên kế hoạch ủng hộ Robert Kennedy, lúc ấy vẫn còn là thượng nghị sĩ Dân chủ của New York, ra thách thức Johnson để tranh đề cử ứng viên tổng thống Đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử năm sau trên cương lĩnh hòa bình.
Tuy nhiên, Johnson không thể loại bỏ McNamara hoàn toàn; làm như vậy có nguy cơ khiến McNamara công khai ủng hộ Kennedy và lên án chiến tranh. Cách tốt hơn theo Johnson là đi tìm một vị trí mới cho McNamara, nơi ông có thể tin tưởng rằng vị cựu bộ trưởng sẽ duy trì sự im lặng kín đáo – một nơi, đại khái là, giống như Ngân hàng Thế giới.
Việc McNamara không cân nhắc tự ý rời bỏ chính quyền trong năm 1967 nghiệt ngã ấy đã nói lên nhiều điều về người đàn ông này, và sự đòi hỏi lòng trung thành từ các vị tổng thống Mỹ. McNamara đặt chân đến Lầu Năm Góc vào tháng 01/1961 với tư cách là một người mới trên chính trường, được John F. Kennedy tuyển chọn từ Tập đoàn Ford Motor, nơi ông đã lên chức chủ tịch. Ông nổi tiếng trong giới kinh doanh nhờ sự nhạy bén trong khâu tổ chức và tài định lượng, ông cũng sở hữu ngoại hình nổi bật mỗi khi sải bước trong hội trường quyền lực, mái tóc vuốt ngược và gương mặt quả quyết khiến ông trông “như thể một viên đạn mũi hếch,” theo lời miêu tả khéo léo của nhà báo A. J. Langguth. Ngay lập tức, McNamara có mặt ở khắp mọi nơi: tổ chức lại bộ máy quan liêu của Lầu Năm Góc, xây dựng kho vũ khí hạt nhân, và phát động nỗ lực chấm dứt phân biệt chủng tộc trong các khu nhà ở ngoài căn cứ quân sự.
Ở Việt Nam cũng vậy, McNamara cực kỳ xông xáo. Trong chuyến thăm đầu tiên tới Sài Gòn vào năm 1962, trong bối cảnh các cố vấn Mỹ nhanh chóng hiện diện ngày một nhiều, McNamara nói, “mọi yếu tố đo lường định lượng chúng ta có đều cho thấy chúng ta đang chiến thắng trong cuộc chiến này.” Sau vụ ám sát Kennedy vào tháng 11/1963, ông giữ vai trò ngày càng quan trọng hơn trong việc hoạch định chính sách, khiến Thượng nghị sĩ Wayne Morse, đại diện Đảng Dân chủ từ bang Oregon, vào tháng 04/1964 phải gọi Việt Nam là “Cuộc chiến của McNamara.” Vị bộ trưởng không phản đối.
Ở đây có sự tự tin, và nhiều hơn một chút kiêu ngạo. Tôi tự hỏi liệu McNamara có phải đã trở thành cột thu lôi đối với các nhà phê bình, bởi tên ông xuất hiện trên khắp mọi băng rôn trong các cuộc tuần hành phản chiến. Trong một lần xuất hiện tại Harvard vào tháng 11/1966, vị bộ trưởng đã khiến các sinh viên phẫn nộ khi vô tư thừa nhận rằng mình không biết quân đội Mỹ đã gây ra bao nhiêu thương vong cho dân thường. Khi ông cố gắng rời đi sau cuộc nói chuyện, hàng trăm sinh viên chặn xe của ông lại mà hét lên, “Quân giết người!” McNamara trèo lên nóc chiếc xe, vẫy vẫy tay áo và tuyên bố: “Tôi đã trải qua bốn năm hạnh phúc nhất trong đời tại khuôn viên trường Berkeley, làm một số việc mà các bạn làm hôm nay. Nhưng tôi đã cứng rắn hơn các bạn, và giờ tôi vẫn cứng rắn hơn các bạn. Khi ấy tôi đã lịch sự, và tôi hy vọng hôm nay mình cũng sẽ lịch sự.”
“Một trong những người đàn ông nhẫn tâm, kiêu ngạo nhất mà tôi từng thấy,” một trong các sinh viên sau đó đã nhận xét.
Những người biểu tình tức giận ngày hôm đó đã không biết rằng tính kiêu ngạo công khai của McNamara là để che giấu sự vỡ mộng riêng đang ngày một lớn của ông về cuộc chiến . Nó đã dồn nén suốt một thời gian dài; có lẽ ở một mức độ nào đó tình cảm này đã luôn ở đấy, gây nên một trận chiến trong tâm trí ông, chống lại những gì “các phép đo định lượng” chắc chắn đang thể hiện – rằng công nghệ của nước Mỹ cuối cùng sẽ thắng thế.
Ngay từ tháng 10/1963, trên băng ghi âm của Nhà Trắng thời Kennedy, người ta đã có thể nghe McNamara nói rằng, “chúng ta cần một cách để thoát khỏi Việt Nam.” Đầu năm sau, ông bày tỏ mối quan ngại với một Lyndon Johnson thiếu kiên nhẫn về tình hình chiến trường và các triển vọng tương lai; trong những cuộc trò chuyện được ghi âm này, chính Johnson dường như mới là người muốn duy trì chiến tranh (bất chấp nỗi sợ hãi và thất vọng của chính mình về cuộc xung đột), thậm chí thông qua việc leo thang nếu cần thiết. Thực tế, càng đào sâu vào hồ sơ nội bộ khổng lồ về việc ra quyết định của Mỹ, ta càng bắt gặp một McNamara hoàn toàn khác: một bộ trưởng quốc phòng mà từ cuối năm 1963 đã không còn – nếu ông đã từng – là một người tin tưởng thực sự vào cuộc chiến ở Việt Nam.
Đúng là McNamara đã ủng hộ đưa bộ binh sang Việt Nam vào đầu năm 1965 và là kiến trúc sư chính của chiến dịch leo thang trên không được thiết kế nhằm làm suy sụp tinh thần của Hà Nội (và củng cố tinh thần của Sài Gòn) bắt đầu vào tháng 3 năm đó. Nhưng chiến lược lại dần chuyển sang hướng để mở các lựa chọn – leo thang hoặc xuống thang, tăng tốc hoặc chậm lại – tùy thuộc vào phản ứng của kẻ thù.
Chuyến thăm mùa thu năm 1965 đến miền Nam Việt Nam đã khiến McNamara tuyệt vọng. Ông nói với Johnson rằng Bắc Việt dường như “tin rằng chiến tranh sẽ kéo dài, rằng thời gian là đồng minh của họ và sức mạnh sân nhà của họ vượt trội so với chúng ta,” và nói thêm rằng ông chỉ nhìn thấy cơ hội ở mức một phần ba – hoặc tối đa là một phần hai – để nước Mỹ có thể giành chiến thắng về mặt quân sự. Do đó, ông báo cáo cần nỗ lực nhiều hơn để đi đến con đường đàm phán.
Khi chiến tranh rơi vào bế tắc, vẻ ảm đạm của bộ trưởng càng thêm rõ. Bị ảnh hưởng bởi các viên chức Lầu Năm Góc như Paul Warnke, Adam Yarmolinsky và John McNaughton, những người mà khao khát chiến tranh cũng đang suy yếu dần, McNamara lo sợ rằng cuộc chiến đã làm tổn hại uy tín toàn cầu của Mỹ, khi các đồng minh và đối thủ nghi ngờ khả năng ra quyết định của chính quyền. Sự hủy diệt của chiến tranh đã khiến ông bận tâm rất nhiều, đặc biệt là về thương vong dân sự. Đến đầu năm 1967, McNamara kết luận rằng tinh thần của kẻ thù đã không bị phá vỡ và bối cảnh chính trị miền Nam Việt Nam hoàn toàn không ổn định. Cuộc chiến trên không đã thất bại – một xã hội nông thôn sẽ không thể bị tàn phá để ép khuất phục, McNamara xác định – và đã khiến chính quyền phải trả giá đắt trước dư luận trong nước và quốc tế.
“Hình ảnh siêu cường lớn nhất thế giới tàn sát hay làm bị thương nghiêm trọng 1.000 thường dân mỗi tuần, đồng thời cố gắng dồn một quốc gia nhỏ bé, lạc hậu phải đầu hàng về một vấn đề mà bản thân cũng đang gây tranh cãi gay gắt là một hình ảnh chẳng đẹp đẽ gì,” ông viết cho Johnson vào tháng 05/1967.
Khi về già, McNamara sẽ hối hận vì bản thân mình, cũng như những người khác, đã lặp đi lặp lại thất bại trong việc nghi ngờ những giả định đằng sau cuộc chiến. “Tôi vô cùng hối hận vì mình đã không tạo ra một cuộc tranh luận nhằm thăm dò liệu có thể tạo ra nỗ lực chiến thắng quân sự từ một nền tảng chính trị lỏng lẻo hay không,” ông viết. “Sau đó, mọi thứ dần trở nên rõ ràng, và hôm nay, tôi tin mọi chuyện đã rõ ràng, rằng lực lượng quân sự – đặc biệt là khi được sử dụng bởi một thế lực bên ngoài – sẽ chẳng thể mang lại trật tự ở một quốc gia không có khả năng tự trị.”
Vậy tại sao ông không cố gắng tạo ra cuộc tranh luận đó? Thêm vào đó, tại sao ông không chịu từ chức để phản đối?
Lòng trung thành với tổng thống là một lý do. McNamara phục vụ một tổng tư lệnh, người đã thề từ những ngày đầu cầm quyền rằng ông sẽ không trở thành vị tổng thống đánh mất Việt Nam; McNamara đã cống hiến hết mình để giúp thực hiện cam kết đó. Đối với vô số nhà phê bình, đây là lòng trung thành đặt không đúng chỗ: Thế còn sự trung thành với các nguyên tắc, với quốc gia, đối với mạng sống của người dân thì sao?
Ngoài lòng trung thành, McNamara đã thuyết phục chính mình – cũng như những người hoài nghi khác trong nội bộ như Hạ nghị sĩ George Ball – rằng ông có thể đem lại tác động tốt hơn cho chính sách bằng cách ở lại. Hơn nữa, ông không hoàn toàn chắc chắn về dự đoán ảm đạm của mình. Có thể, chỉ là có thể thôi, tình hình rồi sẽ trở nên tốt đẹp, hoặc ít nhất là đủ ổn định để bàn giao lại cho chính quyền tiếp theo, bảo vệ không chỉ uy tín lịch sử của Johnson mà còn của chính ông. Như lời Leslie H. Gelb, một cựu binh của Lầu Năm Góc thời McNamara (và sau này là thành viên của ban biên tập tờ Times), “Gần như là đòi hỏi quá mức khi chúng ta mong đợi một người chịu trách nhiệm phát động cuộc chiến” sẽ suy nghĩ lại về nền tảng cuộc chiến và sau đó hành động trên cơ sở của việc suy nghĩ lại này. “Bởi vậy, nghi ngờ chỉ đơn giản lửng lơ giữa không trung chứ không bao giờ được đưa vào chính sách.”
Những năm sau đó, McNamara đã tìm ra một lời giải thích khác cho chính sách và vai trò của chính ông trong đó: sự thiếu hiểu biết. “Giá mà chúng ta biết,” trở thành câu thần chú của ông – về quyết tâm của kẻ thù, về các vấn đề chính trị mang tính hệ thống ở miền Nam, về truyền thống chống ngoại bang lâu đời của Việt Nam, đặc biệt là chống lại người Trung Quốc. “Chúng ta đã không có chuyên gia về Việt Nam,” ông tự đưa ra khẳng định. Một khẳng định sai lầm. McNamara và Johnson thực sự có rất nhiều chuyên gia, những người họ có thể dễ dàng liên lạc chỉ bằng cách nhấc điện thoại lên. Hơn nữa, bản thân những chuyên gia này còn lâu mới “không biết gì” về tình trạng của Việt Nam. Họ chẳng cần một ai nói với mình về những vấn đề ngày càng sâu sắc và tồi tệ trong nỗ lực chiến tranh và tình hình chính trị ở Sài Gòn, và về triển vọng mờ nhạt trong việc đạt được một bước tiến thực sự ý nghĩa. Bằng chứng chỉ ra rất rõ ràng, và chính McNamara đã tự mình nhìn thấy nó trong nhiều chuyến thăm đến miền Nam Việt Nam.
Phán quyết cuối cùng về vai trò của McNamara trong Chiến tranh Việt Nam cần phải khắc nghiệt, một phần bởi vì ông chủ trì những giai đoạn đầu khi quân Mỹ ngày càng tham gia nhiều hơn trên chiến trường, nhưng quan trọng hơn, là vì ông không hành động mạnh mẽ hơn với những e ngại sau này của mình. Người ta có thể vinh danh ông, như Daniel Ellsberg đã làm, vì đã làm việc từ bên trong để hạn chế phạm vi các vụ không kích và khuyến khích các cuộc đàm phán, nhưng vẫn tiếp tục đặt ra tranh luận, như chính Ellsberg, rằng bộ trưởng đáng lẽ nên công khai những nghi ngờ của mình – không phải trong cuốn hồi ký xuất bản năm 1995, hoặc trong một bộ phim tài liệu xuất sắc (“The Fog of War” của Errol Morris) công chiếu vào năm 2003, mà là ngay từ năm 1965, hoặc sau khi rời chính quyền vào năm 1968. Thay vào đó, McNamara lại là kẻ hai mặt, công khai rao giảng về sự lạc quan và kiên định (thậm chí, đôi khi còn làm thế trong các cuộc thảo luận chính sách nội bộ) ngay cả khi ông vẫn bày tỏ nghi ngờ về cuộc chiến một cách riêng tư.
Tuy nhiên, dường như quá dễ dàng nếu ta coi các phân tích và giải thích sau này của McNamara đơn giản chỉ là những nỗ lực buồn (hoặc, đối với một số người, là tức giận) nhằm rửa sạch một hồ sơ cá nhân đầy máu và xoa dịu một lương tâm tội lỗi. Chúng còn có nhiều ý nghĩa hơn thế. Thất vọng trong tuổi già vì những gì đã xảy ra ở Đông Nam Á dưới sự giám sát của ông, vì tất cả những cái chết trên nhiều cánh đồng lúa và bãi cỏ dài; đối với tôi, ông thực sự chân thành tự vấn để đúc rút kinh nghiệm và thừa nhận vai trò của chính mình trong toàn bộ vụ việc.
Liệu có bao nhiêu nhân vật của công chúng từng nỗ lực như vậy để chuộc lỗi cho những sai lầm và tội ác của mình, trong thời đại này hay bất kỳ thời đại nào khác? Quả rất ít. Henry Kissinger vẫn được hoan nghênh ở nhiều nơi như một nhà hiền triết vĩ đại của ngoại giao Mỹ, chưa bao giờ nói thật về Việt Nam, rằng “Chúng ta đã sai, sai lầm khủng khiếp.” (Ở Austin, Texas, năm 2016, khi được hỏi liệu ông có hối hận về cuộc chiến không, Kissinger từ chối trả lời, chỉ chịu thừa nhận những “sai lầm chiến thuật.”) Robert McNamara cuối cùng đã dám công khai nói lên điều đó, và ông xứng đáng nhận được nếu không phải lời khen thì chí ít cũng là sự ngầm thừa nhận thái độ đó của ông từ tất cả chúng ta.